Đời sống âm nhạc lành mạnh cho trẻ em

08:06, 02/06/2011

Ngày 24-5 vừa qua, Hội Âm nhạc Hà Nội phối hợp Trường đại học Sư phạm nghệ thuật TW tổ chức Hội thảo Ca khúc cho nhà trường phổ thông - thực trạng và giải pháp. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đề cập tới thực trạng bài hát dành cho trẻ em ngày càng hiếm hoi, ca khúc được các em yêu thích càng hiếm hoi hơn nữa, nhất là tình trạng thiếu các bài hát dành cho sinh hoạt tập thể. Nhạc sĩ Hoàng Lân nhận xét: “Ca khúc trong nhà trường thiếu mà thừa. Bài hay không có. Bài không hay lại nhiều”. Một số ý kiến chỉ rõ việc các em phải “hát ké” bài hát của người lớn, thậm chí hát cả “bài hát não tình” vốn dành cho người lớn... Cũng tại hội thảo, một số nguyên nhân của tình trạng được chỉ ra và phân tích, như: CD âm nhạc như “bát quái trận” ảnh hưởng tới thị hiếu âm nhạc của trẻ em, “phễu lọc” âm nhạc của nhà trường và các em có vấn đề, sáng tác cho thiếu nhi không có nơi tiêu thụ nên ít ưu đãi vật chất, hằng năm Hội Nhạc sĩ vẫn trao giải cho bài hát thiếu nhi nhưng hầu như không ai có trách nhiệm phổ biến...

Xét từ nhu cầu và vai trò của âm nhạc đối với sự phát triển đời sống tinh thần của trẻ em nói chung, phát triển đời sống âm nhạc của trẻ em nói riêng, vấn đề hội thảo đặt ra cho thấy, trong các năm gần đây, tác phẩm âm nhạc dành cho các em đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Điều này làm nhớ tới các bài hát được sáng tác đã khá lâu, đi cùng nhiều thế hệ, và hôm nay vẫn được hâm mộ, như Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Chiếc đèn ông sao, Em bay trong đêm pháo hoa, Em như chim bồ câu trắng, Hạt gạo làng ta, Đi học... Với các bài hát này, vấn đề không chỉ là ý nghĩa và giá trị tư tưởng - nghệ thuật của chúng, mà còn là cảm hứng sáng tạo của nhạc sĩ. Họ đã tìm được con đường đến với tâm hồn của một đối tượng đặc biệt là trẻ em. Và chỉnh thể thống nhất giữa giai điệu và ca từ của các ca khúc đã hàm chứa trong đó cảm xúc thẩm mỹ trong sáng, thấm vào tâm hồn của các em, hướng các em tới những suy nghĩ và hành động lành mạnh. Nói như vậy cũng tức là, ca khúc dành cho các em không đơn thuần để giải trí, mà còn hướng tới các ý nghĩa văn hóa, đồng hành và hỗ trợ các em trên bước đường trưởng thành.

Trong hoàn cảnh mới của sự phát triển, ngày nay các phương tiện chuyển tải nghệ thuật ngày càng phong phú hơn, điều kiện thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật cũng ngày càng tiện lợi hơn,... các yếu tố này có thể thu hẹp phạm vi nhu cầu âm nhạc, nhưng điều đó không có nghĩa trẻ em ít thích ca hát, ít quan tâm đến các ca khúc dành cho lứa tuổi của các em. Vấn đề là sáng tác âm nhạc có hấp dẫn, có phù hợp với các em hay không. Điều này, trước hết phụ thuộc vào khả năng và nhiệt tình của chủ thể sáng tạo là nhạc sĩ. Cần cộng cảm với các em, cần hòa mình vào thế giới tinh thần của các em để khám phá - sáng tạo. Cùng với vai trò của nhạc sĩ, xã hội và nhà trường cũng cần quan tâm đến quá trình giáo dục âm nhạc, phổ biến tác phẩm âm nhạc tới các em, như nhạc sĩ Hồ Quang Bình đã nói: “Nếu trẻ được giáo dục âm nhạc cẩn thận, các em sẽ trân trọng âm nhạc. Nhờ đó, trẻ đề kháng tốt để phản ứng với những bài hát dở”./.

Theo: nhandan.org.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com