Sau mấy thập kỷ cam go tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, rồi lại cặm cụi lo miếng ăn cái mặc hằng ngày nên văn hóa của chúng ta có phần bị hiểu sai, bị xem nhẹ. Nay, cùng với sự thành công của công cuộc đổi mới, chúng ta lại có điều kiện nhận thức sâu hơn về văn hóa. Định hướng của Đại hội XI của Đảng về văn hóa là toàn diện, sâu sắc, đúng bản chất, thể hiện tư duy tầm cao của Đảng, mang tính lịch sử.
Các văn kiện quan trọng của Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua đều dành những phần xứng đáng đề cập đến văn hóa trong mối quan hệ biện chứng với vấn đề kinh tế và chính trị - xã hội. Văn hóa là độc lập, nhưng không tách rời, mà nằm trong kinh tế và chính trị, giữ vai trò điều chỉnh tính chất, tốc độ, là động lực cho kinh tế và chính trị phát triển, vươn tới.
Nghệ thuật ca trù, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Ảnh: Internet
|
Tiếp nối nhận thức của Đảng về văn hóa từ Đề cương văn hóa 1943, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, gần đây nhận thức có tính bước ngoặt là Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII và các kỳ đại hội Đảng toàn quốc, văn hóa được đặt đúng vị trí là một trong những trụ cột của phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung, phát triển năm 2011 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Để văn hóa trở thành "nền tảng tinh thần vững chắc", cần làm nhiều việc, như một cuộc cách mạng mới về văn hóa. Tinh thần của cuộc cách mạng ấy phải là tinh thần xây dựng một dân tộc cường thịnh, đặt lòng tự tôn, tự hào dân tộc lên ngôi cao nhất trong thang bậc các giá trị đạo đức con người Việt Nam. Khát vọng dân tộc cường thịnh là mẫu số chung, dễ cố kết lòng người trong mọi thời điểm. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khát vọng ấy cần thổi bùng lên thành phẩm cách văn hóa của một dân tộc chi phối mọi ứng xử, quan hệ của cá nhân và tập thể. Nền tảng tinh thần dân tộc chỉ có thể xây dựng trên cơ sở khơi dậy miền sâu thẳm nhất trong mỗi con người là tinh thần yêu nước, thương nòi của người Việt vốn đã có từ ngàn xưa, đang tồn tại bền vững trong mỗi con người, nhưng đôi khi khuất lấp. Nền tảng tinh thần ấy nếu được khơi dậy đúng lúc, đúng chỗ sẽ trở thành sức mạnh văn hóa vô biên của một dân tộc. Đó là vấn đề sâu sắc nhất. Để nuôi dưỡng được vấn đề sâu sắc đó có nhiều việc phải làm nhưng trước hết cần chú trọng làm tốt mấy việc cụ thể sau đây:
Một là, xây dựng nhận thức về văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cấp. Một thời gian dài, nhiều cán bộ quan niệm sai và hẹp về văn hóa, đồng nhất văn hóa với một vài hình thức văn nghệ đơn thuần, đánh đồng văn hóa với một vài hoạt động đôi khi phản văn hóa. Từ nhận thức đó, trong quan điểm tiếp nhận, ứng xử với văn hóa có phần sai lệch, cho rằng văn hóa là mua vui. Cũng do cuộc sống khó khăn quá chăng, lý tưởng làm giàu quyết liệt chăng, văn hóa bị đẩy xuống hàng thứ yếu, trở thành thứ có cũng được, không có không sao. Nhận thức như vậy là nguy hại, không đúng với nhận thức của Đảng ta về văn hóa. Như vậy là chỉ lo trước mắt, là "tham bát bỏ mâm", là xây lâu đài không nền móng. Thực tế lịch sử Việt Nam và thế giới đã cho thấy một xã hội nguy hiểm nhất là một xã hội mà quần chúng nhân dân trống rỗng về tinh thần, không có nền tảng để bấu víu, không có triết lý sống để nâng đỡ con người trong những lúc nguy nan. Cha ông ta từ xa xưa đã thấu hiểu điều này và đã làm văn hóa vô cùng sâu sắc, khéo léo. Nhiều hình thức “cấy văn hóa tâm linh” vào đời sống nhân dân đã cố kết toàn dân tộc, còn giá trị lớn đến ngày nay. Cha ông từ xưa đã quan niệm văn hóa rất rộng, là tổng hợp giá trị tinh thần của một dân tộc chứ không phải là một công trình kiến trúc, không phải một điệu múa, không phải một ca khúc, không phải một phong trào cụ thể nào. Khi nào chính trị phát triển đến tầm cao của nghệ thuật trị nước, khi ấy chính trị bắt gặp văn hóa, trở thành văn hóa. Hoàng đế Quang Trung trong lời dụ chiến đấu chống ngoại xâm đã thẳng thắn khẳng định đánh giặc để bảo vệ văn hóa, lấy lại văn hóa dân tộc. Người nói: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chính luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Rõ ràng văn hóa được đặt ở ngôi vị cao cả, thiêng liêng nhất, là lý do để gắn kết toàn dân tộc trên một mặt trận.
Hai là, xóa bỏ quan niệm làm văn hóa coi nặng phong trào, không thực chất. Vốn văn hóa là tương đối tĩnh, ít biến động, hoặc biến động chậm, nó thường sâu sắc và tinh tế. Tuy vậy, văn hóa cũng không bất biến, nó cũng có phần mong manh, dễ bị tổn thương, nếu bị đối xử thô bạo. Những kiểu làm văn hóa hô hào, đánh bóng, thổi phồng… đều là phản văn hóa. Cha ông ta đã để lại cho chúng ta rất nhiều di sản văn hóa có giá trị, rất cần đánh thức những giá trị đó để cả thế giới biết đến, nhất là trong thời hội nhập. Nhưng, chúng ta đã thấy không ít hiện tượng khoe khoang di sản, thậm chí tuyên truyền sai về danh hiệu (trước khi danh hiệu đến). Nhiều di sản được thế giới vinh danh, nhưng sau khi vinh danh sức sống không mạnh mẽ hơn trước, chẳng hạn: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Cồng chiêng Tây Nguyên chỉ tồn tại trong “không gian” Tây Nguyên, có nghĩa là không gian của rừng núi. Rừng núi Tây Nguyên là nơi lưu giữ hồn chiêng, nếu mất rừng thì hồn chiêng thiếu sức lay động. Thực tế là rừng Tây Nguyên đang ngày càng thu hẹp! Một di sản khác là ca trù “cần bảo vệ khẩn cấp”. Thế giới vinh danh nghệ thuật ca trù mấy năm rồi mà phương thức bảo tồn thì vẫn loay hoay, chưa có một chuyển động gì mang tính bước ngoặt để cứu ca trù như lời nhắc của UNESCO về di sản “cần bảo vệ khẩn cấp”. Có những di sản rất có giá trị, nhưng trong quá trình lập hồ sơ không hiểu hết “luật chơi”, không lường trước hết những khó khăn, tình huống xảy ra, nên có hồ sơ bị dừng lại, chẳng hạn như hồ sơ Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)… Như vậy, chúng ta hôm nay thừa hưởng di sản ông bà để lại nhưng ứng xử thế nào cũng là cả một câu chuyện không đơn giản. Nếu ứng xử không khéo, chúng ta sẽ mất di sản một cách hữu hình và vô hình.
Ở góc độ khác là các lễ hội, các cuộc thi… tổ chức tràn lan ở hầu hết các địa phương. Nhiều lễ hội chồng chéo, không có triết lý, chỉ đơn thuần là thích thì làm nên lễ hội không có hồn, gây nên tình trạng lộn xộn trong đời sống xã hội, khó khăn cho công tác quản lý. Những kiểu làm đó là phản văn hóa, làm cho văn hóa bị tầm thường đi, không đúng với bản thân văn hóa.
Ba là, không làm văn hóa một cách vụ lợi. Bản thân văn hóa cũng đã có sức hút du lịch, nhưng nếu cứ gắn du lịch (vốn là một ngành kinh tế mũi nhọn) và văn hóa với nhau thì đôi khi hỏng văn hóa. Quan họ Bắc Ninh chỉ hay khi hát bên cổng làng, ao làng, kín đáo, e ấp. Nhưng nhiều ao làng đã lấp đất xây nhà, nhiều cổng làng biến mất và nhiều đoàn quan họ cơ động sẵn sàng ngửa nón xin tiền mọc ra. Dễ thấy, những ngôi đình thiêng liêng, có giá trị lớn lao mọi mặt trong các làng thì chậm được trùng tu tôn tạo hơn các ngôi chùa, vì đình không có người khấn vái, không có dâng lễ, không có các hình thức biến tướng khác. Nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia chứa chất những thông điệp quý báu của cha ông bị bỏ quên bên cạnh những công trình văn hóa tâm linh khác vốn mỏng về trầm tích văn hóa lịch sử…
Tất cả những thứ đó cần một sự định hướng nhận thức lại cho chuẩn. Trách nhiệm trước hết của cơ quan quản lý văn hóa, của cả hệ thống chính trị. Cần làm nhiều việc để định vị hệ giá trị dân tộc trong đời sống nhân dân. Hệ giá trị đó, như trên đã đề cập là lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cần đẩy lên cao độ, kết thành làn sóng mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Lòng yêu nước, yêu thương con người, khát vọng làm giàu, khát vọng cống hiến, sáng tạo, hy sinh… khi thấm sâu vào mỗi con người, trở thành phẩm chất bền vững chi phối hành vi, thì đó chính là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh của một dân tộc.
Việc đó là khó, cần có chiến lược vun đắp kỳ công, từ khi một công dân mới lọt lòng./.
Theo: qdnd.vn