Xây dựng và gìn giữ nếp nhà

09:06, 30/06/2011

Trong cuộc sống của người Việt ta từ xưa tới nay, nếp nhà (còn gọi là gia phong) là hệ thống chuẩn mực vừa có tính quy phạm, vừa có tính thực hành, được mọi gia đình trao truyền qua các thế hệ. Trong sự vận hành của nó, nếp nhà liên quan trực tiếp tới danh dự, uy tín của mỗi gia đình.

Cộng đồng thường vẫn đánh giá cao và trân trọng các gia đình giữ gìn được nếp nhà, coi đó là tấm gương để gia đình khác học tập, noi theo. Lịch sử dân tộc còn lưu giữ danh tiếng của khá nhiều dòng họ, trong đó có một số gia đình trở thành mẫu mực trong phương thức sống, hình ảnh về nền nếp văn hóa và ứng xử cộng đồng.

Trên thực tế, nếp nhà không tồn tại một cách trừu tượng, mà được biểu thị cụ thể qua thái độ trách nhiệm trong hành vi hằng ngày, qua việc xử lý mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Cộng đồng đánh giá nếp nhà của mỗi gia đình qua thái độ chăm chỉ lao động, việc nghiêm túc thực hiện bổn phận của các thành viên; ông bà, cha mẹ già luôn được quan tâm chăm sóc; con cái ngoan ngoãn, vâng lời người trên, chăm chỉ học hành; các lễ thức trong gia đình được thực hiện nghiêm túc; nhà cửa giữ gìn sạch sẽ, ngăn nắp; quan hệ gần gũi với xóm giềng; không lơi là công việc chung của cộng đồng... Khi nếp nhà trở thành bộ phận cấu thành nên ý thức mỗi người, thì đó cũng là danh dự chung mà họ cố gắng giữ gìn, bảo vệ, không làm điều sai trái để ảnh hưởng tới uy tín đã có của gia đình. Từ sự tồn tại và sự trao truyền của nó, có thể thấy nếp nhà liên quan mật thiết với các giá trị tinh thần, phụ thuộc vào khả năng nêu gương của người đi trước. Và xét về văn hóa, thì nếp nhà chính là cái “nôi” khai sinh ra con người văn hóa, và các giá trị mà mỗi người đã thâu nạp từ nếp nhà trở thành “bệ phóng tinh thần” để họ đến với xã hội. Nói cách khác, nếp nhà đã ghi những dấu ấn văn hóa đầu tiên vào tư chất văn hóa của mỗi người, tạo tiền đề để họ tiếp tục thâu nạp các giá trị mới trong quá trình trưởng thành, hoàn thiện. Hẳn vì thế, nếp nhà có ý nghĩa rất quan trọng trong sự sinh tồn của các gia đình Việt Nam.

Sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, cuộc sống vật chất của xã hội - con người Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc so với trước đây. Tuy nhiên, trong thời gian này, lại nảy sinh một số vấn nạn như là dấu hiệu của sự “tha hóa văn hóa” trong một bộ phận xã hội, nhất là lớp trẻ. Có thể nói, một trong các nguyên nhân đưa tới tình trạng này là sự sa sút cách thức giáo dục trong gia đình. Sự sa sút đó trước hết là từ ý thức trách nhiệm của những người có vai trò xây dựng và trao truyền nếp nhà. Đơn giản vì, nếu người lớn trong gia đình thiếu khả năng nêu gương, xao lãng việc tổ chức, duy trì nếp nhà thì những giá trị gia đình sẽ dễ bị mai một, con người, nhất là thế hệ con cháu, không được chuẩn bị một cách cơ bản những hành trang tinh thần cần thiết trước khi họ tham gia hoạt động xã hội. Hiện tại, sự chuyển dịch, biến đổi của một số giá trị trong đời sống xã hội - văn hóa đã và đang đặt khá nhiều gia đình Việt Nam trước những thử thách ngặt nghèo. Thiết nghĩ, để vượt qua và đứng vững trước các thử thách, mọi gia đình Việt Nam cần xây dựng, phát huy vai trò của nếp nhà. Từ đó, vừa giữ gìn sự ổn định và tính văn hóa trong cuộc sống gia đình, vừa đặt những nền móng đầu tiên để mỗi người trở thành công dân hữu ích đối với xã hội./.

Theo: nhandan.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com