Thả diều là thú chơi trang nhã của đồng quê, hấp dẫn mọi lứa tuổi. Trẻ em thường làm diều cánh cung loại nhỏ, có em khéo tay còn lắp thêm sáo. Cũng có khi diều được làm bằng trang giấy vở học trò, cũng buộc dây quai và thắt dây lèo, đuôi diều bằng giấy; chiếc diều dù bay cao không quá ngọn tre nhưng cũng đủ làm dậy lên niềm vui sướng trẻ thơ.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Từ xưa làm diều là một nghệ thuật. Hầu hết diều được làm bằng những nguyên liệu thân thuộc, sẵn có ở làng quê, từ thân diều đến sáo diều cũng được làm bằng tre. Những cánh diều ấy thường mộc mạc, đơn sơ, ít sắc màu nhưng hầu như cánh diều nào cũng được gắn sáo, diều lớn có thể gắn tới bốn, năm sáo. Tùy từng lứa tuổi mà làm các loại diều khác nhau. Diều loại lớn dài 2-2,5m trở lên, hình cánh cung vút cong như vầng trăng khuyết, khung diều thường làm bằng cây tre cật vót nhẵn, xương sống và xương ngang đều làm bằng tre giằng bằng dây mây. Chiều cong của cánh diều phải cân đối. Diều được phất bằng giấy bản, hoặc bằng vỏ bao xi măng. Giấy phất được bôi nhiều lớp bằng nhựa cây, pha dẻo. Dây lèo như một bánh lái điều chỉnh thăng bằng của diều, đỡ cho hai cánh diều không bị gió bẻ gẫy. Dây thả nối vào dây lèo làm bằng tre cật già không có đốt kiến, sâu mọt, vót đều, nối chắc lại với nhau dài chừng dăm bảy trăm thước. Sáo diều được ví là linh hồn của cánh diều nên đòi hỏi bàn tay tài hoa và cả tâm hồn của người nghệ nhân chế tác sáo. Thả diều đòi hỏi kỹ thuật cao. Diều lớn phải năm, sáu người nâng cho cân hai cánh, lựa chiều gió đâm thẳng lên, người kéo dây chạy đưa đà cho diều bốc dần lên, không chao đảo, không sậm sựt. Càng lên cao, diều no gió, tiếng sáo càng âm vang, toả rộng, ngân đều. Cánh diều là biểu tượng cho những khát vọng của con người luôn muốn được bay cao, bay xa./.
Ngọc Linh