Những năm qua, công tác quản lý, tu bổ di tích ở tỉnh ta đạt nhiều thành tích đáng khích lệ. Nhiều di tích tránh khỏi nguy cơ xuống cấp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tham quan du lịch của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh.
Một trong những bài học kinh nghiệm của huyện Hải Hậu qua hơn 30 năm giữ vững danh hiệu điển hình văn hoá cấp huyện của cả nước là do các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân luôn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đẩy mạnh công tác xã hội hoá bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá. Trên địa bàn huyện Hải Hậu có hàng trăm công trình kiến trúc độc đáo gồm: đình, chùa, miếu, nhà thờ, từ đường dòng họ; trong đó, có 22 di tích Lịch sử - Văn hoá được Nhà nước công nhận xếp hạng bảo vệ tôn tạo; tiêu biểu như: Cầu Ngói - Chùa Lương (xã Hải Anh), Chùa Phúc Hải (xã Hải Minh), Đền - Chùa Xã Hạ (xã Hải Bắc), Chùa Phúc Sơn, Đền Bảo Ninh (xã Hải Phương), Chùa Cồn (Thị trấn Cồn), Chùa Hà Lạn (xã Hải Phúc)… Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích còn mang ý nghĩa tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp khai hoang, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, có tác dụng giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Những năm qua, Hải Hậu luôn coi trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử. Ban quản lý di tích, danh thắng huyện tiến hành kiểm kê, nghiên cứu giá trị và đánh giá thực trạng các di tích. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện đã huy động toàn dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động trùng tu, bảo tồn di tích. Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia và nguồn kinh phí của tỉnh, của nhân dân thời gian qua, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo theo luật định như: Đền - Chùa Xã Hạ, Chùa Lương, Đền Bảo Ninh. Xã Hải Minh huy động nhân dân đóng góp, sửa chữa Đền Thuỷ tổ, tập trung vào các hạng mục: tiền đường, trung đường, cổng tam quan, vườn bia với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Ở xã Hải Anh, nhiều cá nhân ủng hộ 30-40 triệu đồng, xã đã đầu tư hơn 400 triệu đồng xây lại nhà tổ, hơn 250 triệu đồng xây lại hành lang đông tây của Chùa Lương. Đền - Chùa Xã Hạ, xã Hải Bắc cũng được đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa lại đền thờ Tống Hậu, cung nhà Mẫu, tam bảo. Chùa Thanh Quang, xã Hải Thanh xây nhà khách trị giá gần 350 triệu đồng. Chùa Cồn, Thị trấn Cồn được nhân dân trong huyện và con em xa quê đóng góp kinh phí làm đường phía trước chùa, góp phần làm cảnh quan di tích khang trang, sạch đẹp. Với sự quan tâm, quản lý chặt chẽ từ huyện đến cơ sở, công tác tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Hải Hậu đạt nhiều kết quả tích cực. Nguồn kinh phí được sử dụng đúng mục đích, công tác tu sửa tiến hành đúng nguyên tắc phục chế, nâng cao giá trị di tích.
Tam quan Chùa Thanh Quang, xã Giao Thanh (Giao Thủy). |
… Đến việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ di tích
Toàn tỉnh hiện có gần 1.700 di tích lịch sử - văn hoá (trong đó có 74 di tích được công nhận cấp quốc gia, 214 di tích được tỉnh công nhận) bao gồm các loại hình di tích: kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, cách mạng kháng chiến, danh thắng. Những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá, góp phần phát huy giá trị di tích, chống xâm hại di tích. Nhiều địa phương có di tích đã thành lập ban quản lý, tuyên truyền, phổ biến, giúp nhân dân và du khách hiểu biết giá trị của di tích. Từ nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia cùng với nguồn kinh phí tôn tạo di tích hằng năm của tỉnh được quản lý và sử dụng có hiệu quả, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Năm 2010, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh phối hợp với Phòng Văn - Thể các huyện, thành phố tổ chức kiểm kê, đánh giá di tích tại các địa phương. Thông qua công tác kiểm kê di tích, các cơ quan chức năng đã sưu tầm được hàng ngàn bản dập văn bia, câu đối, đại tự, hiện vật…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm kê, quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích vẫn tồn tại những hạn chế. Việc phân cấp quản lý có sự chồng chéo giữa cấp và ngành. Đối với các di tích chưa được xếp hạng nhiều địa phương tự ý sửa chữa mà không xin ý kiến, không có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Do đó, một số di tích sau khi tu bổ, tôn tạo bị “biến dạng”, không giữ được kiến trúc gốc. Tình trạng “thương mại hoá” di tích, mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra.
Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hoá bảo tồn di tích, cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hoá, nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá. Cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với từng di tích một cách khoa học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân để từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá. Trong giai đoạn hiện nay, công tác bảo tồn di tích ưu tiên cho việc chống xuống cấp, sau đó là tu bổ, tôn tạo, xây mới di tích. Đẩy mạnh xã hội hoá để thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công sức cùng Nhà nước đầu tư tu bổ di tích. Tăng cường khai thác di tích, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quảng bá để thu hút khách tham quan, giúp cho việc tăng nguồn thu, quản lý tốt nguồn thu để tái đầu tư tu bổ di tích cần được tính toán kỹ lưỡng và là yêu cầu đặt ra đối với các di tích có khả năng thu lớn như quần thể di tích Đền Trần (TP Nam Định), Phủ Dầy (Vụ Bản), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Đại Bi (Nam Trực), Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường)… Nếu di tích thu hút được nhiều khách tham quan sẽ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương, góp phần tăng thu từ nhiều ngành dịch vụ khác nhau như du lịch, vận tải, khách sạn… để từ đó ngân sách có thêm kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn di tích./.