Nâng cao ý thức văn hóa nghề: Trách nhiệm từ mỗi doanh nghiệp và người lao động

08:06, 09/06/2011

Hơn 30 tuổi, nhưng đến nay anh Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố số 4, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) vẫn chưa có việc làm ổn định. 4 năm bươn trải ở Hà Nội, làm việc tại nhiều Cty, nhưng sau thời gian nghỉ Tết, anh Sơn quyết định ở nhà tìm việc mới. Hầu như trong các phiên giao dịch tại sàn giao dịch việc làm của tỉnh tổ chức, anh đều đăng ký tuyển dụng và đã “thử sức” ở 2 Cty thuộc ngành dệt may. Mặc dù chưa qua lớp đào tạo nghề, nhưng anh Sơn luôn “mơ” tới một công việc nhàn nhã có thu nhập cao nên vẫn chưa có việc làm ổn định.

Những năm gần đây, sau Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp tại các KCN, CCN đóng trên địa bàn tỉnh thường rơi vào tình trạng thiếu lao động. Nguyên nhân do lao động chưa được đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Một bộ phận người lao động có tay nghề, nhưng doanh nghiệp lại sử dụng không đúng tay nghề họ được đào tạo, vì thế, họ "nhảy việc", mong tìm được công việc phù hợp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các doanh nghiệp, hiện nay “văn hóa nghề” của người lao động, nhất là lao động phổ thông rất hạn chế.

“Văn hóa nghề” là nền tảng, là tài sản quý giá của người lao động mà cốt lõi là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Người lao động có nhận thức đầy đủ về nghề thì mới có thể thực hiện được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và ngược lại, có tuân thủ tốt đạo đức nghề nghiệp người lao động mới được công nhận là người lao động có văn hóa. Thực tế hiện nay, ý thức, tác phong làm việc của một bộ phận người lao động chưa cao, ý thức làm việc kém, không tuân thủ nội quy, tình trạng đi muộn về sớm, làm việc riêng, thiếu trách nhiệm, dễ dàng bỏ việc… Các doanh nghiệp đều mong người lao động gắn bó tận tâm với công việc, có tinh thần kỷ luật và năng suất lao động hiệu quả. Nhiều người lao động thiếu kỹ năng khi đi xin việc, khi doanh nghiệp nêu một số khó khăn để thử thách và kiểm tra khả năng thuyết phục của ứng viên thì người đến tuyển đã tỏ ý rút lui mà không chứng minh được nguyện vọng tha thiết cần có việc làm của mình. Các doanh nghiệp không chỉ coi trọng trình độ chuyên môn, tay nghề mà còn rất chú ý tới ý thức làm việc, phong cách ứng xử trong công việc của người lao động. Vì vậy, nếu không chú ý nâng cao văn hóa ứng xử, không có thái độ làm việc nghiêm túc, thì người lao động sẽ không được đánh giá cao, khó có cơ hội tìm được việc làm hoặc ít cơ hội thăng tiến.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “văn hóa nghề” của người lao động hạn chế là công tác đào tạo. Theo các nhà quản lý, hiện nay, các trường dạy nghề mới chỉ chú trọng vào công tác dạy nghề chứ không thực sự sâu sát đến những kiến thức về văn hóa nghề. Bộ môn Văn hóa nghề trong các trường nghề chưa phải là một môn học bắt buộc trong chương trình khung của các trường nghề. Bởi vậy, lao động thiếu kiến thức để nhận biết, không có khả năng xây dựng và thích nghi với môi trường văn hóa nghề. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Cao Chí Nguyện, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề, thương mại, du lịch, dịch vụ Nam Định, cho biết: Các quy định cũng như chương trình khung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về đào tạo nghề không dành nhiều thời gian bồi dưỡng những vấn đề thuộc về văn hóa nghề, do đó các trường gặp khó khăn trong việc sắp xếp chương trình, thời gian học cho học viên. Để khắc phục điều này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên thành lập trung tâm văn hóa nghề để khảo sát, nghiên cứu, từ đó sẽ cụ thể hóa việc giáo dục chính trị, đạo đức đối với hệ thống các trường nghề để hình thành bộ môn văn hóa nghề. Bởi chỉ khi được trang bị kiến thức về văn hóa nghề, người thợ lành nghề mới trở thành người lao động chuyên nghiệp. Ngoài ra phải kể đến vai trò của các doanh nghiệp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và văn hóa nghề cho người lao động. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân nhưng chưa đủ lực, ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của người lao động là được học tập, hoàn thiện năng lực nghề nghiệp. Điều 23 Chương 3, Bộ luật Lao động đã quy định “Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động”. Luật Dạy nghề hiện hành, Điều 64 Chương 6 cũng quy định “Người tốt nghiệp các khoá học nghề do người sử dụng lao động cấp học bổng, chi phí dạy nghề phải làm việc cho người sử dụng lao động theo thời hạn đã cam kết trong hợp đồng học nghề, trường hợp không thực hiện đúng cam kết phải bồi hoàn học bổng, chi phí dạy nghề”. Như vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp và người lao động đã được Nhà nước quy định. Vấn đề là cụ thể hóa chính sách sử dụng nhân lực của mỗi doanh nghiệp như thế nào để tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Đồng chí Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Dệt may Sơn Nam cho biết: Những doanh nghiệp chú trọng đến chiến lược và có chính sách tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho công nhân, nhân viên học tập nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp, nguồn nhân lực của doanh nghiệp sẽ vẫn tăng lên và mạnh về tri thức, kỹ thuật. Đặc biệt doanh nghiệp sẽ tạo được sự tin tưởng, yên tâm gắn bó làm việc với năng suất lao động hiệu quả của người lao động; tạo thương hiệu, uy tín về sử dụng nhân lực, thu hút được nhiều lao động và đó là cơ sở để doanh nghiệp phát triển trong tình hình thị trường lao động ngày càng cạnh tranh hiện nay./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com