Mấy suy nghĩ về phong trào xây dựng làng văn hoá

09:06, 30/06/2011

Làng quê xã Trung Thành (Vụ Bản) trong công cuộc đổi mới hôm nay.
Làng quê xã Trung Thành (Vụ Bản) trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Tỉnh ta là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa với cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương. Kết quả từ phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để có được kết quả đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực trong việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung, làng văn hóa nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng làng văn hóa ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế. Ở một số địa phương, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng làng văn hóa theo Quyết định 681 của UBND tỉnh, những quy định, quy ước về nếp sống văn hóa chưa được tự giác thực hiện. Hệ thống nhà văn hoá, phong trào TDTT hoạt động chưa thường xuyên, hiệu quả; các hoạt động văn hóa, thông tin gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các làng văn hóa chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra; chưa khai thác, phát huy các yếu tố văn hóa và nhân tố con người trở thành nội lực có tính bền vững và bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình triển khai xây dựng làng văn hóa. Điều đáng lưu ý là, phong trào xây dựng làng văn hóa thiên về chiều rộng, thiếu chiều sâu; trong đó, nhiều nơi chất lượng làng văn hóa giảm sút, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa thường xuyên, quy chế dân chủ chưa được thực hiện, phát huy đầy đủ; các tệ nạn xã hội làm mất ổn định an ninh nông thôn, ảnh hưởng tới đạo lý, truyền thống dân tộc. Trong thực tế tại một địa bàn dân cư, triển khai quá nhiều phong trào, các cuộc vận động do nhiều cơ quan chủ trì với nhiều nội dung trùng lặp, dẫn tới chồng chéo, phân tán trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, gây lãng phí thời gian, công sức, kinh phí và khó khăn trong việc tổ chức thực hiện, bình xét thi đua ở cơ sở. Việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa ở một số địa phương, cơ sở còn hình thức, dẫn đến chất lượng phong trào còn hạn chế; mục tiêu xây dựng con người về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nếp sống văn hóa chưa được tập trung chỉ đạo thực hiện.

Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế nêu trên là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng làng văn hóa chưa thường xuyên, chặt chẽ; ý thức chủ động, tích cực và vai trò tự quản của cộng đồng dân cư chưa được phát huy mạnh mẽ; sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho các làng văn hóa còn thấp; hệ thống chính sách pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa nói chung, phong trào xây dựng làng văn hóa nói riêng được ban hành và triển khai chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, lãnh đạo chính quyền ở một số địa phương còn nhận thức đơn giản, thiếu tích cực trong chỉ đạo cơ sở, dẫn đến vẫn còn “địa bàn trắng” về làng văn hóa. Hoặc, khi đã được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” nhưng không giữ vững, không còn hội đủ tiêu chí của làng văn hoá, như: vẫn có người sinh con thứ 3, có người nghiện ma tuý...

Tổ chức và thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa trong những năm tới đòi hỏi gắn liền với những điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi so với những năm trước. Sự mở rộng thông tin, phát triển các ngành nghề dịch vụ mới, sự nghiệp CNH-HĐH được đẩy mạnh sẽ dẫn tới quá trình đô thị hoá tăng nhanh và tác phong công nghiệp sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới trình độ dân trí, cách tổ chức không gian môi trường sống, tổ chức hoạt động kinh tế. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí về xây dựng làng văn hóa nhằm tạo điều kiện phát huy hơn nữa sự tham gia sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, từ đó khai thác, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi vùng quê. Các tiêu chí, nội dung xây dựng làng văn hóa đã được thống nhất trong nội dung phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đó là: Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng văn hóa; Nghị quyết 04/NQ-HĐND ngày 17-1-1998 của HĐND tỉnh về việc ban hành các quy chế, quy ước, tiêu chuẩn nếp sống văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu xây dựng làng văn hóa trong điều kiện hiện nay nhằm tạo lập một nếp sống mới, lối sống mới, vừa nối tiếp tinh hoa truyền thống, loại bỏ những hủ tục vừa hội nhập được các yếu tố tiên tiến của đời sống văn hoá hiện đại. Nhưng thực tế đang đặt ra những thách thức mới khi tính chất "thuần nhất" của các làng cổ cũng không còn như trước. Cơ cấu và tính chất làng, thôn, xóm ở khu vực nông thôn đã thay đổi nhiều theo nhịp độ phát triển của đời sống xã hội. Trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng, nhiều làng, thôn đã mang diện mạo của phố phường, đã trở thành các khu vực sản xuất ngành nghề, dịch vụ khác nhau. Yếu tố công nghiệp hoá cũng dẫn đến những thay đổi trong cung cách lao động sản xuất, nếp sống, lối sống... của người nông thôn. Vì vậy, xây dựng làng văn hoá không thể mang tính khuôn mẫu theo mô hình nhất định mà đòi hỏi phải có sự sáng tạo trong nội dung cũng như các bước tổ chức thực hiện, đồng thời cần quan tâm củng cố, xây dựng các thiết chế văn hoá mới phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hoá - thể thao của nhân dân. Muốn vậy, cần quy hoạch tổng thể, tạo được khu dân cư thoáng đãng, hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm đáp ứng được nhu cầu lưu thông thuận lợi của một loại phương tiện giao thông thiết yếu, đặc biệt là các làng ven đô, làng có xu hướng phát triển ngành nghề, dịch vụ gắn với sản xuất công nghiệp. Những thiết chế văn hoá và cơ sở hạ tầng phải đảm bảo kỹ thuật và tiện nghi. Thực tế đang diễn ra tình trạng xây dựng thiếu quy hoạch ở nhiều làng quê, vi phạm những yêu cầu và quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Những bài học về thiếu quy hoạch giao thông, quy hoạch về thiết chế văn hoá đã dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, đường giao thông không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế như ở các làng nghề: Vân Chàng (Nam Trực), làng đúc đồng Tống Xá, làng mộc La Xuyên (Ý Yên)... Ngoài ra, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt không những gây khó khăn trong phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân mà còn ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng, trong đó có các thiết chế văn hoá. Nếu không tính đến những yếu tố này thì việc đưa ra tiêu chí chung về chất lượng xây dựng làng văn hoá sẽ không bảo đảm công bằng giữa các vùng miền.

Trong xây dựng làng văn hoá, vấn đề xây dựng thiết chế văn hoá được chú ý như một nhiệm vụ trọng tâm. Bằng biện pháp xã hội hoá, tỉnh ta đã huy động được nhiều nguồn lực, trong đó chủ yếu từ nhân dân để xây dựng thiết chế văn hoá như nhà văn hóa - nơi sinh hoạt của làng. Việc xây dựng các quy ước, hương ước văn hoá cũng được coi là biện pháp chủ yếu vì đây là một dạng văn bản mang tính tự quản và thiên về điều chỉnh hành vi con người theo dư luận, đạo lý và tình cảm xóm, làng, phù hợp trong việc giáo dục, xây dựng nếp sống, lối sống có văn hoá. Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, ở tỉnh ta, các nội dung của hương ước, quy ước văn hoá ở nhiều địa phương đã được xây dựng và điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật nên đã phát huy hiệu lực rõ rệt trong phong trào xây dựng làng văn hoá.

Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hoá, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về mục tiêu, hiệu quả của phong trào. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các ngành, đoàn thể thành viên trong ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở. Đa dạng hoá nội dung, phương thức tập hợp quần chúng phù hợp với tính chất, đặc điểm ở mỗi địa phương. Tăng cường huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng và phát triển phong trào xây dựng làng văn hoá. Xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng làng văn hoá; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng làng văn hoá, khắc phục tình trạng chạy theo số lượng, thành tích; kiên quyết không công nhận các làng văn hoá chưa đạt tiêu chuẩn./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com