Ca khúc mới về chiến sĩ hôm nay: Ít và thiếu dấu ấn

08:06, 09/06/2011

Những năm gần đây, người ta thấy thiếu vắng những ca khúc mới ca ngợi hình tượng người chiến sĩ hôm nay. Đó là một nghịch lý bởi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những ca khúc “đi cùng năm tháng” đã là nguồn động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn gian khổ, chiến đấu và chiến thắng. Bộ đội Cụ Hồ hôm nay đã và đang vững bước tiếp nối truyền thống ấy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sự thưa vắng những ca khúc về chiến sĩ, lý giải cách nào cũng là chưa thỏa đáng.

Nhìn từ sáng tác đến sân khấu và thương trường

Không khỏi chạnh lòng khi phải đối mặt với thực tế: Những ca khúc về người chiến sĩ hôm nay thưa vắng trên những sân chơi lớn về âm nhạc, những cuộc thi tài năng được truyền, phát qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một điều không lạ bởi trong đời sống xã hội hiện đại, cả người sáng tác và khán thính giả đều có quá nhiều lựa chọn cho mình những phong cách sáng tác và thưởng thức phù hợp. Riêng ca khúc về đề tài bộ đội đương đại, thời bình dù sao cũng mang đặc thù riêng - ít tính cạnh tranh, khó ganh đua trên các sạp băng đĩa của thương trường. Khó "đầu ra" nên việc đầu tư thời gian, công sức cho mảng đề tài này chưa thu hút được sự quan tâm thường xuyên của giới văn nghệ sĩ sáng tác. Nhìn vào các chương trình được dàn dựng biểu diễn phục vụ theo kế hoạch hằng năm của nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của quân đội, chúng ta cũng thấy thiếu vắng những ca khúc mới viết về chiến sĩ hôm nay. Tùy theo mục đích từng chương trình, các đoàn thường có khoảng 30% số tiết mục trực tiếp nói về bộ đội và những ca khúc trong đó thường vẫn là những bài hát đã được khẳng định trong chiến tranh được hòa âm, phối khí mới. Phần còn lại là những tiết mục với chủ đề chung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước... 

"Chúng tôi là chiến sỹ" - Trò chơi trên truyền hình của VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam thu hút đông đảo thanh niên quân đội tham gia. Ảnh: PV
"Chúng tôi là chiến sỹ" - Trò chơi trên truyền hình của VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam thu hút đông đảo thanh niên quân đội tham gia.
Ảnh: Internet

Trong các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hoặc liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi thoảng cũng bắt gặp những sáng tác mới về chủ đề này. Tuy nhiên, vì là những sáng tác mới, biểu diễn phục vụ một lượng nhất định khán giả, thiếu sự quảng bá rộng rãi nên chưa thực sự tạo được dấu ấn trong lòng người nghe. Chúng nhanh chóng trượt đi theo vòng quay cuộc sống và rõ ràng chưa khuyến khích được sự đam mê, sáng tạo của người sáng tác.

Lý giải về vấn đề này, Đại tá, nhạc sĩ, NSƯT Đức Trịnh cho rằng âm nhạc nói chung là dòng chảy khúc khuỷu… lúc tuôn chảy, lúc lững lờ trôi. Ca khúc về người lính đương đại cũng không tránh khỏi quy luật ấy dù chủ đề này trong quá khứ đã trở thành dòng thác mạnh mẽ góp vào chiến thắng chung của dân tộc. Trong khi đó, giai đoạn này, có thể nói về sự “trăm hoa đua nở” của ca khúc và một bộ phận xã hội lựa chọn, đón nhận. Tuy nhiên, giống như những con sóng trong biển nhạc mênh mông, qua cao trào, lại trở lại phẳng lặng để tìm tòi, khám phá những thử nghiệm mới... Do vậy, để một tác phẩm đọng lại được với thời gian là điều không đơn giản.

Với thế hệ những người lính sinh ra và lớn lên trong hòa bình, cơ sở văn hóa cùng những tác động từ xã hội giúp họ cảm nhận về cái hay, cái đẹp rất cao. Để có thể có được những tác phẩm chạm đến trái tim, khối óc của họ là thách thức, mà thiếu sự gắn kết, sẻ chia, lao tâm khổ tứ vì nó thì khó mà đạt được. Một thực tế khác cũng không thể phủ nhận là lớp trẻ hôm nay, với công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, có điều kiện để chọn lựa cho mình những món ăn tinh thần phù hợp. Một ca khúc có giai điệu đẹp, nội dung phù hợp với giới trẻ có thể vẫn chưa đủ khi người sáng tác chủ quan áp đặt mà thiếu sự tinh tế tôn trọng cập nhật những xu hướng âm nhạc của thời đại. Đó cũng là những thử nghiệm khi Tạ Quang Thắng, một người trẻ đã có ca khúc "Lá cờ" rất "đỏ" được một bộ phận thanh niên đón nhận khi nó mang phong cách rock country...

Đại tá, nhạc sĩ Minh Quang cho rằng, đề tài về chiến sĩ hôm nay không hề thiếu ca khúc hay nếu có sự quan tâm thích đáng. Trước đây trong chiến tranh, người lính ra chiến trường, đối mặt với kẻ thù, địch - ta rất rõ ràng. Điều đó tạo nên cao trào để các nhạc sĩ thăng hoa cùng những ca khúc ngợi ca. Người lính hôm nay, với nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sự căng thẳng khi đối mặt với những âm mưu, thủ đoạn của địch, đối mặt với những nguy cơ bất ngờ cùng những tác động từ xã hội là điều không hề đơn giản. Để có được ca khúc về chiến sĩ hôm nay đi vào lòng công chúng đòi hỏi nhạc sĩ có những trải nghiệm thực tiễn để hiểu trong môi trường quân ngũ ấy, những người lính của chúng ta làm gì, nghĩ gì và mong mỏi điều gì... Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Quan trọng hơn, qua những tác phẩm ấy, người nhạc sĩ muốn gửi gắm thông điệp gì với người nghe. Để có thể làm chủ "trận địa" này, người sáng tác không những cho ra đời những ca khúc có nội dung tốt, phù hợp mà còn phải vươn lên tạo ra những phong cách mới, "đi tắt, đón đầu" xu thế phát triển của âm nhạc đương đại. Bằng cách ấy, chúng ta không những có được tác phẩm mà còn thông qua đó chuyển tải đến thế hệ trẻ nói chung, chiến sĩ trẻ trong quân đội nói riêng những điều bổ ích, cần thiết.

Tìm một hướng ra

Cần tìm một "đầu ra" tích cực thì mới mong có được cái đích cuối cùng là những ca khúc chất lượng về chiến sĩ hôm nay là ý kiến chung của nhiều nhạc sĩ. Xin không chờ đến cái mốc 5 năm một lần Bộ Quốc phòng xét thưởng hoặc 5 năm một kỳ hội diễn chuyên nghiệp, liên hoan nghệ thuật quần chúng... đều đặn như xưa nay chúng ta vẫn tiến hành mà nên tạo những sân chơi mới, phù hợp để các nhạc sĩ "khoe" sáng tác mới của mình về người lính đương đại và qua đó khán thính giả có cơ hội thưởng thức những điều mới mẻ ấy. Sân chơi đó ở đâu? Đó là những cuộc thi viết ca khúc; là những live show giới thiệu tác phẩm mới trên truyền hình, đài phát thanh, là những góc media phát trên internet hoặc các chương trình biểu diễn thường xuyên của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tại các vùng miền của Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Đức Trịnh khá tâm huyết với câu chuyện này và tỏ ý sẵn sàng sử dụng thế mạnh của mình, đưa Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật quân đội trở thành một trong những đầu mối góp phần quảng bá rộng rãi ca khúc về bộ đội hôm nay đến với khán giả. Theo hướng ấy, quân đội không thiếu những tài năng về sáng tác, biểu diễn; đã và đang có trong tay những trái tim nhiệt huyết cùng những phương tiện truyền thông ngày càng cập nhật, hiện đại để mang hình ảnh người lính hôm nay qua những ca khúc gần gũi hơn với nhân dân, đặc biệt là các bạn trẻ - những người ngày mai sẽ gánh vác trọng trách cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Một sự chuyển động cần thiết từ các cơ quan chức năng; một cú hích vào đam mê, nhiệt huyết của người sáng tác và một cơ chế quảng bá phù hợp chắc chắn chúng ta sẽ có được những tác phẩm âm nhạc hay về Bộ đội Cụ Hồ. Nói như nhạc sĩ Minh Quang, trong chiến tranh khó khăn, các nhạc sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; trong hòa bình, các nhạc sĩ trẻ nói chung, quân đội nói riêng được đào tạo bài bản, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, có cơ hội làm việc, cống hiến nhiều hơn lớp cha anh đi trước thì không có lý do gì để những bất cập ấy tồn tại...

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com