Âm nhạc cách mạng: Dòng chảy bất tận

09:05, 26/05/2011

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã làm cả dân tộc đổi đời, giới văn nghệ sĩ có một sức sống mới. Một nền nghệ thuật mới đã hừng lên. Sôi nổi nhất là phong trào âm nhạc. Từ những năm đầu thập niên 30, trong xu thế phát triển của phong trào yêu nước, phong trào giải phóng dân tộc ngày càng dâng cao đã xuất hiện khuynh hướng cách mạng trong giới tân nhạc, vận dụng âm nhạc, ca hát như một công cụ tuyên truyền, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân, giành lại chính quyền về tay nhân dân. Tác phẩm đầu tiên của dòng âm nhạc này được ra đời trong cao trào Xô-viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đó là bài hát Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, một chiến sĩ cách mạng. Tiếp sau đó hàng loạt nhạc phẩm hừng hực khí thế tranh đấu xuất hiện, đỉnh cao là các tác phẩm Chiến sĩ Việt Minh, Tiến quân ca của Văn Cao, Du kích ca của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi…

Hơn 8 thập kỷ qua, âm nhạc cách mạng đã làm rung động, xốn xang bao nhiêu trái tim con người Việt Nam đang sinh sống trên khắp mọi miền đất nước và cả những người con Việt đang sống trên đất khách quê người. Những bài hát có khi chỉ là những địa danh mà mỗi khi nhắc đến không khỏi xúc động nghẹn ngào, như: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Huế tình yêu của tôi, Thăm bến Nhà Rồng, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Thanh Hóa anh hùng, Tiếng hát sông Lam… Lại có những bài hát được phát triển bởi những làn điệu dân ca cụ thể như: Hò sông Mã - Sông Mã anh hùng, hò Huế - Huế thương, Huế, tình yêu của tôi, hò Đồng Tháp - Thăm bến Nhà Rồng; Lý giận thương - Bài ca bên cánh võng, Ca dao em và tôi, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Lý thương nhau - Đi tìm người hát lý thương nhau; Ru con Nam Bộ - Dáng đứng Bến Tre, Ru con Bắc Bộ - Mẹ yêu con… Tất cả, tất cả đã làm nên một giai điệu Việt Nam, một tiếng nói Việt Nam, một tâm hồn Việt Nam.

Niềm tin nội tại trong mỗi con người khiến những ca khúc mang âm hưởng anh hùng ca trở nên thanh thoát, mềm mại, sâu lắng cả về ca từ lẫn giai điệu. Giá trị nghệ thuật của những ca khúc được xác định, khiến chúng có sức lan tỏa mạnh mẽ theo cả độ dài năm tháng và chiều sâu lòng người. Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Biết ơn Hồ Chủ tịch được các nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận viết ra từ hơn nửa thế kỷ trước, vẫn giữ vững vị thế trang trọng trong đời sống âm nhạc hôm nay. Đảng là cuộc sống của tôi, một trong những tác phẩm hay nhất làm nên tài năng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, giúp ông giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật, được nhiều ca sĩ mà tuổi đời còn ít hơn cả tuổi ca khúc lựa chọn biểu diễn.

Hiện tại, dòng âm nhạc cách mạng không những không bị khuất lấp giữa bộn bề cuộc sống mà trái lại, luôn rạo rực, luôn được công chúng trẻ đón nhận. Các ca khúc một thời đạn bom rực lửa vẫn mang vẹn nguyên sức hấp dẫn, lôi cuốn lòng người. Công chúng trẻ hôm nay, bằng trách nhiệm công dân và sự nhiệt thành hiếm có, bằng tình yêu với dòng âm nhạc cách mạng, tiếp tục quảng bá, lan truyền để những ca khúc bất hủ đi xa hơn.

Dòng chảy của các ca khúc cách mạng chưa một giây phút nào ngưng đọng, thế hệ kế bước thế hệ, các nhạc sĩ, ca sĩ đều xác định bổn phận và trách nhiệm của mình với Đảng, Bác Hồ, với đất nước và nhân dân. Cảm hứng bất tận về Đảng, Bác Hồ, về cuộc đấu tranh giành tự do của đất nước là ngọn nguồn cho mọi sáng tạo.

Theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, có nhiều ý kiến cho rằng, thời gian gần đây có quá ít sáng tác cho thể loại cách mạng, nhưng thực tế không phải vậy. Các nhạc sĩ của dòng nhạc này vẫn sáng tác và các tác phẩm vẫn thu hút đông đảo người nghe ở mọi lứa tuổi. Và đối với ông, nhạc truyền thống, nhạc đỏ vẫn luôn tồn tại và có sức sống mãnh liệt trong mọi thời đại./.

Theo: qdnd.vn



Cách tải capcut pro apk

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com