Xây dựng gia đình Việt Nam là tế bào lành mạnh của xã hội

09:05, 26/05/2011

Gia đình là tế bào cơ sở của xã hội. Gia đình tập hợp những người cùng chung sống thành một đơn vị nhỏ trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái.

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người.

Gia đình truyền thống đòi hỏi mỗi người trong gia đình phải biết giữ gìn và tuân theo lễ: Con cái có hiếu với cha mẹ, kính trên nhường dưới, sống nhân hậu với những người chung quanh, hàng xóm láng giềng.

Với gia đình hiện đại, chúng ta chủ trương xây dựng gia đình hòa thuận, dựa trên cơ sở dân chủ: Vợ chồng, cha mẹ, anh em tôn trọng lẫn nhau, cùng bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng. Vợ chồng có lòng chung thủy với nhau, cha mẹ có đức nhân từ, con cái biết hiếu đễ với cha mẹ, anh em thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau.

Nước ta đang thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành một nước công nghiệp tiên tiến trong thế kỷ 21. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua, có đề cập: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Đó là một nhận thức, một phương hướng lớn và chính xác để góp phần quan trọng ổn định xã hội.

Những chuyển biến kinh tế xã hội to lớn và sự giao lưu hội nhập quốc tế toàn diện, không thể không tác động sâu sắc đến gia đình Việt Nam hiện nay. Để gia đình Việt Nam bền vững, là tế bào lành mạnh của xã hội như chiến lược của Đảng, cần có sự kết hợp giữa nếp sống của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Công việc ấy là của toàn xã hội, nhưng trước hết là việc của mỗi gia đình, của mỗi thành viên trong gia đình cùng có trách nhiệm vun đắp cho tổ ấm của mình để hình thành nhân cách cho các công dân của xã hội.

Các gia đình Việt Nam hiện nay phổ biến là sống hai thế hệ, là gia đình hạt nhân: Cha mẹ và con cái. Gia đình sống ba thế hệ: Ông bà, cha mẹ, con cái ngày càng ít đi. Đặc biệt ở các đô thị, không gian nhà ở eo hẹp nên việc sống nhiều thế hệ rất khó khăn, dễ xảy ra va chạm giữa các thành viên gia đình. Vì vậy, nhiều ông bà già sống riêng rẽ, con cháu ở gần, thỉnh thoảng lại chăm nom và hỗ trợ về vật chất hoặc tinh thần, nếu có điều kiện.

Như vậy, khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa các thế hệ già - trẻ bị hạn chế. Việc bảo lưu và truyền đạt những giá trị văn hóa truyền thống cũng bị giảm đi.

Vậy sự kết hợp giữa gia đình truyền thống và gia đình hiện đại nên như thế nào?

Gia đình hiện đại cần biết giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình truyền thống.

Truyền thống gia đình đó là những gì mà khi lớn lên con cái sẽ tiếp tục gieo trồng trong gia đình của mình: Những kỷ niệm thời thơ ấu, những điểm cố kết gia đình bền chặt với nhau và tốt nhất. Nó khiến cuộc sống gia đình đầy đủ hơn, sâu sắc và thú vị hơn về mặt tinh thần và vật chất.

Trong gia đình hiện đại, cả cha mẹ và con cái cần học tập và trưởng thành. Họ phải thực hiện nhiều điều quan trọng trong cuộc sống chung, biết tôn trọng tự do cá nhân của nhau, biết cách hiểu nhau và biết cách giải quyết những mâu thuẫn luôn xuất hiện. Cha mẹ, con cái cùng nhau chung sống hòa thuận. Nếu mỗi người làm theo ý của mình thì gia đình sẽ gặp những lục đục, mâu thuẫn, ảnh hưởng đến cuộc sống hạnh phúc gia đình.

Một gia đình lý tưởng là gia đình mà tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau ngự trị, dưới những hình thức cụ thể, tùy điều kiện sống của mỗi gia đình.

Con cái thường lặp lại những cử chỉ và thói quen của cha mẹ, khi chúng lớn lên thường mang tất cả những điều ấy vào cuộc sống gia đình của mình. Con cái học hỏi cha mẹ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải xây dựng gia đình mình theo những nguyên tắc nhất định, trong đó nổi lên là tình yêu, lòng chung thủy, sự hy sinh cho nhau giữa các thành viên gia đình.

Để xây dựng một gia đình hạnh phúc, các bậc cha mẹ phải có những cách riêng để giải quyết xung đột, mâu thuẫn, thậm chí những việc rất nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, như tổ chức bữa ăn sáng, tối, việc con cái đi đâu, làm gì cần báo cho cha mẹ biết…

Các bậc cha mẹ cần có quan niệm đúng cái gì là điểm thực sự quan trọng trong cuộc sống gia đình, những gì họ có thể hy sinh vì gia đình. Đó là những nguyên tắc sống của mỗi gia đình.

Có rất nhiều điều cha mẹ cần học hỏi. Không phải tình cờ mà các cơ sở bàn về tâm lý gia đình thường xuyên được hỏi ý kiến. Nhiều cuốn sách dạy cho các bậc cha mẹ: Hãy trở thành những người bạn của con. Hiện nay, thường xuyên xuất hiện nhiều nhà tâm lý học gia đình. Biết sử dụng các phương tiện xã hội đó, các bậc cha mẹ có thể tránh được những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình.

Một gia đình lý tưởng là một gia đình mà con cái không phải cạnh tranh với nhau vì sự chú ý của cha mẹ và bất kỳ vấn đề nào cũng được giải quyết trong không khí êm ấm của gia đình.

Cuộc sống gia đình khó tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột trong sinh hoạt hằng ngày. Cha mẹ phải lắng nghe các xung đột ấy, xác định vai trò của mình và cải thiện các mối quan hệ, đặc biệt đối xử dân chủ với con cái, không thiên vị với đứa nào. Cha mẹ cần tìm cách thảo luận các vấn đề, thúc đẩy con cái nói ra, nói hết và đặc biệt những vấn đề gây tranh cãi.

Cha mẹ kiên nhẫn tìm cách làm cho các mâu thuẫn đó êm dịu đi. Đặc biệt là những xung đột có liên quan đến tuổi vị thành niên.

Các bậc cha mẹ không nên quan niệm xây dựng gia đình mình theo một mô hình lý tưởng nào đó. Chúng ta sẽ dễ bị thất vọng. Hãy kiên nhẫn từng bước tạo ra mô hình gia đình của riêng mình. Đó là lao động mỗi ngày vất vả nhưng sẽ có kết quả.

Thay vì mô phỏng những gia đình lý tưởng, các bậc cha mẹ hãy tập trung vào việc tạo ra những điều khác biệt phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình.

Gia đình là một tế bào xã hội, là cơ sở xây dựng nên xã hội rộng lớn. Do đó, sự hùng mạnh của một quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình. Trước khi là một công dân tốt, mỗi người hãy phấn đấu là một thành viên tốt trong gia đình. Mọi người đều là thành viên tốt, mọi gia đình đều tốt, chắc chắn cả xã hội sẽ tốt đẹp lên, các mục tiêu chiến lược của Đảng ta sẽ đạt được./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com