Chiếc đòn gánh

07:05, 06/05/2011

1. Mỗi lần nhìn thấy bà lão quảy chiếc đòn gánh trên vai rao bán bánh chuối trước nhà là lòng tôi lại xốn xang. Hình ảnh chiếc đòn gánh oằn ở hai đầu và chính giữa là đôi vai chai sạn qua bao năm tháng của cuộc đời đã nuôi những con người lớn lên, chiếc đòn gánh có lẽ là phương tiện cho kế sinh nhai của gia đình bà. Và những ký ức về chiếc đòn gánh mà nội tôi cùng đôi vai không bao giờ biết mệt mỏi đã để lại trong tôi những ký ức không thể phai mờ.

2. Chiếc đòn gánh tre ấy dài độ khoảng hơn mét rưỡi, có màu nâu bóng loáng, bà nội tôi càng quảy chiếc đòn gánh càng bóng, nó bóng có lẽ vì thấm nắng thấm mưa và thấm cả những giọt mồ hôi của bà tôi nữa. Lâu dần chiếc đòn gánh cong ở giữa mỗi lúc một nhiều như một chiếc cung thì cũng là lúc lưng nội tôi cũng còng thêm đôi chút. Nhìn chiếc đòn gánh ít ai có thể ngờ nó có thể chịu sức nặng ở hai đầu trên chục bó lúa. Hồi ấy, từ gieo trồng, cho đến gánh mạ và đến lúc gánh lúa về sân nhà đều dùng đòn gánh cả. Rồi khi mùa vụ đi qua, chiếc đòn gánh được nội tôi cất giữ kỹ càng cùng đôi gióng gánh làm bằng dây thép gai thật chắc chắn. Bà thương cây đòn gánh lắm, làm công việc gì hơi nặng nhọc đôi chút là bà lại cẩn thận lấy chiếc đòn gánh ra để nó “tiếp sức” mình, như thể không có chiếc đòn gánh bà không thể làm được việc.

3. Khi bà đã về già, đến lượt cha tôi, ông đã dùng lại chiếc đòn gánh của nội như một sự chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác rất rõ ràng. Bà nội bảo: đời mẹ chỉ có chiếc đòn gánh, nó đã được ông bà ngoại con làm nên từ hồi đi khai hoang mở đất, dựng xóm dựng làng. Vì thế, con dùng nó phải thật cẩn thật. Rồi những trưa hè, khi mùa khô về trên đất phương Nam, cây đòn gánh được cha tôi dùng đi gánh nước ở cái giếng sau nhà về cho mẹ vo gạo, nấu canh và lắng trong để uống.

4. Khi cha cưới mẹ về, chiếc đòn gánh lại một lần nữa được chuyển giao cho mẹ - mẹ tôi coi nó như là của quý của nhà chồng. Vì thế, nội tôi rất vui khi nhìn thấy mẹ quảy đôi gióng gánh với chiếc đòn gánh trên vai những lúc mẹ đi gánh lúa trên đồng hay gánh củi, gánh chuối sau vườn vào nhà. Như thể nội tôi thấy hình ảnh thời còn sức của mình qua hình bóng của mẹ tôi vậy. Rồi khi mùa vụ đi qua, những ngày ngơi nghỉ, mẹ tôi dùng chiếc đòn gánh của nội đi gánh nước thuê và bán hàng rau ngoài chợ xã mỗi ngày. Mà cũng lạ, trải qua mấy chục năm, cây đòn gánh vẫn kiên trì cùng với sức người, không hề thoa dầu mỡ mà vẫn cứ bóng loáng như thường. Càng dùng lại càng bóng, càng đẹp ra. Mẹ tôi giờ đây khi tuổi đã xế chiều, bà cũng ý thức được rằng cũng cần cho cây đòn gánh nghỉ ngơi vì nó cũng đã có tuổi quá rồi. Mẹ treo chiếc đòn gánh lên cái gác bếp để bảo quản tránh bị con mọt ăn. Chiếc đòn gánh “ngửi” khói lâu lâu, mẹ tôi lại đem xuống lau chùi, rồi lại cất lên cẩn thận. Mỗi lần sửa nhà, mẹ ưu tiên cất giữ và dời cây đòn gánh trước như gìn giữ những gì hết sức quý báu của cha ông để lại. Đến bây giờ, khi đã già yếu, mẹ tôi vẫn không quên kể cho các cháu nghe về chiếc đòn gánh mà bà yêu quý như một báu vật gia truyền./.

Theo: Báo Sóc Trăng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com