Đào tạo thế hệ diễn viên kế cận cho nghệ thuật kịch hát dân tộc

09:04, 08/04/2011

Trước sự bùng nổ của các loại hình nghệ thuật giải trí nên sân khấu kịch hát dân tộc Nam Định đang gặp nhiều khó khăn, thách thức: Sân khấu vắng khán giả, thiếu kịch bản hay, kinh phí đầu tư hạn chế, phương tiện hoạt động nghệ thuật lạc hậu. Do đời sống của nghệ sỹ, diễn viên gặp khó khăn nên sân khấu kịch hát dân tộc tỉnh ta đang đứng trước tình trạng thiếu vắng lực lượng diễn viên trẻ kế cận. 

CLB Chèo xã Giao Thanh (Giao Thủy) hoạt động theo phương thức xã hội hóa, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.  Bài và ảnh: việt thắng
CLB Chèo xã Giao Thanh (Giao Thủy) hoạt động theo phương thức xã hội hóa, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 Xác định công tác tuyển chọn, đào tạo lực lượng diễn viên trẻ có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương, thời gian qua, Nhà hát Chèo Nam Định đã phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh mở 2 lớp diễn viên chèo, đào tạo “tại chỗ” 25 diễn viên, nhạc công. Sau quá trình đào tạo, Nhà hát đã tuyển chọn được gần 20 gương mặt diễn viên trẻ; khôi phục 15 trích đoạn chèo cổ, dàn dựng 13 giá đồng; nghiên cứu, bảo tồn nhiều chương trình hát chèo, dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ, cử các diễn viên có kinh nghiệm tham gia tập huấn, giảng dạy, giúp các đơn vị, địa phương trong tỉnh tuyển chọn, đào tạo lớp diễn viên, nhạc công kế cận. Với Đoàn Cải lương Nam Định, công tác tuyển chọn và đào tạo lực lượng diễn viên kế cận còn gặp nhiều khó khăn hơn. NSƯT Quang Chí, Trưởng Đoàn Cải lương Nam Định cho rằng: Đối tượng công chúng của sân khấu trong từng loại hình nghệ thuật cũng có “gu” riêng, có thị hiếu mang tính vùng miền, địa phương. Nếu đơn vị nào năng động trong cách tiếp cận công chúng, nâng cao chất lượng vở diễn thì sẽ phát triển, và ngược lại, các đơn vị hoạt động, quản lý theo cơ chế bao cấp tất yếu sẽ bị tụt hậu. Yếu tố quan trọng là, các đơn vị nghệ thuật cải lương phải quan tâm đến công tác tuyển chọn và đào tạo lực lượng diễn viên trẻ kế cận. Với quan điểm trên, ngoài việc tổ chức dựng vở diễn có chất lượng, phục vụ nhân dân các địa phương trong tỉnh, Đoàn Cải lương Nam Định còn tổ chức lớp đào tạo diễn viên trẻ. Tuy vậy, sân khấu Cải lương Nam Định cũng không tránh khỏi tình trạng “khan hiếm” lớp diễn viên trẻ kế cận. Năm 2010, Đoàn có mở lớp, song chỉ tuyển được 12 em, nhưng qua một năm đào tạo, chỉ còn 6 em theo học. Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương ở tỉnh ta.

Khác với lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp, lĩnh vực hoạt động văn nghệ quần chúng, do triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, nên khôi phục, phát triển nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Là vùng quê có nhiều làn điệu dân ca, nghệ thuật kịch hát dân tộc như: ca trù, hát xẩm, chầu văn, tỉnh ta hiện có nhiều đội Chèo, CLB Ca trù hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự đóng góp kinh phí, mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn nên đã phát hiện và đào tạo nhiều gương mặt diễn viên trẻ, tài năng. Tiêu biểu là gương mặt trẻ Bùi Thị Ngọc Lan, CLB Ca trù huyện Ý Yên đã giành Huy chương Bạc và giải thưởng “Diễn viên trẻ triển vọng” tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005. Tiếp đó, tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật dân tộc khu vực và toàn quốc, Ngọc Lan đã khẳng định được tên tuổi trong nghệ thuật biểu diễn ca trù của cả nước với nhiều giải thưởng cao. Ngày 15-4-2010, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO công nhận nghệ thuật Ca trù là Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại, Ngọc Lan là một trong những ca nương trẻ được chọn biểu diễn.

Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật kịch hát dân tộc, vấn đề đặt ra là phấn đấu có nhiều vở diễn tốt phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực sân khấu chuyên nghiệp cần quan tâm và nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn, đào tạo lực lượng diễn viên trẻ kế cận; huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vừa tham gia nuôi dưỡng và tham gia tổ chức, quản lý nghệ thuật sân khấu. Đây không chỉ là trách nhiệm của các ngành hữu quan, các đơn vị nghệ thuật mà cần có sự “vào cuộc” của toàn xã hội./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com