Xoan cửa đình

09:04, 08/04/2011

Tích xưa tụng rằng: Hoàng hậu mang thai, khó sinh, Vua Hùng lo lắm. Có thị nữ tâu rằng, nên đón nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, hát hay về cung có thể mang điềm lành. Vua đồng ý cho truyền Quế Hoa. Giọng hát thánh thót như chim ca, điệu múa uyển chuyển, mềm mại của nàng đã làm hoàng hậu quên đau, vượt cạn dễ dàng. Từ ấy, lời ca, điệu múa của nàng Quế Hoa được dạy trong nhân gian trở thành điệu xoan lưu truyền cho đến ngày nay.

Phú Thọ ngày nay, hầu như làng nào cũng có phường xoan với khoảng 15 thành viên. Ngoài trùm xoan cao tuổi, còn lại các thành viên khác trong phường đều là nam thanh (kép) nữ tú (đào), tuổi độ trăng tròn, hăng say luyện tập trước mùa hội mở. Hội ở nơi này kéo dài từ cuối tháng Giêng đến hết ngày 10 tháng 3 âm lịch (ngày Giỗ Tổ). Những làn điệu xoan lúc ấy có khi ngân nga cả tháng khắp trong đình, ngoài bãi. 

Một tiết mục hát xoan. Ảnh: Internet
Một tiết mục hát Xoan.
Ảnh: Internet

 êm xoan cửa đình, các cô đào vấn khăn xanh, quần láng, áo the, thắt lưng đen; các kép đầu mang khăn xếp, quần trắng, áo the thâm, cổ quấn khăn nhiễu điều múa hát ở đình trung, xung quanh có các bô lão, quan viên và dân làng ngồi xem. Phần xoan lễ mở cuộc, trùm xoan cùng người chủ tế của hội làng năm đó bước ra hát điệu chúc tụng mang nghi thức khấn nguyện. Sau hát chúc đến màn giáo trống, giáo pháo do một kép đeo trống trước ngực diễn trò, hát lối có phụ họa của tập thể phía sau để cầu chúc cho mùa màng bội thu và sự thịnh vượng của thôn, xã. Màn cuối xoan lễ là hát thơ nhang do 4 thiếu nữ đứng trước hương án, miệng hát, hai tay múa quạt động tác giống như dâng hương. Phần xướng xoan (hát thờ) là các kép, đào dùng những lời hát trau chuốt, mượt mà để xướng đủ 14 quả cách (các làn điệu) như kiểu giang cách, nhâm ngâm cách, tràng mai cách, hạ thời cách, thu thời cách, tứ dân cách... trong tiếng vỗ tay, trầm trồ của khán giả.

Phần vui nhộn, hào hứng nhất trong đêm hội hát là màn diễn xoan đối đúm với các làn điệu từ hát bỏ bộ, hát xin hoa đến đố chữ, giải hoa rồi chơi bợm gái (còn gọi là hát giao tình)... Lúc này người hát lồng vào lời xoan những động tác lao động hàng ngày, những thành quả trong năm qua của quê hương thông qua lời hát đố, câu trả lời tế nhị thanh tao. Các đào và kép say sưa đối đáp, khán giả hát cùng, tiếng cười vọng vang, ăm ắp sân đình. Khoảng cách giữa những chàng trai, cô gái làng và các kép, các đào của phường xoan càng về cuối đêm hát càng xóa nhòa. Họ lúng liếng nhìn nhau, vừa tung quả đúm (chiếc khăn tay có thêu "cành hồng con bướm" bọc đồng tiền kẽm và đôi miếng trầu cau) cho nhau vừa hát.

Đêm đã về khuya, canh hát đã tàn, chia tay đêm xoan bên cửa đình, họ vẫn tình tứ, bịn rịn dặn dò: "Đã đến lúc chia tay xin nhớ lấy nhời/Hẹn ngày hoa nở sang chơi bạn làng..."./.

Theo: danviet.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com