Có 4 lĩnh vực căn bản tạo nên đời sống văn hoá giao thông (VHGT). Đó là, môi trường VHGT (các yếu tố thiên tạo và nhân tạo), văn hoá kỹ thuật giao thông (là toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của ngành Giao thông quốc gia), văn hoá cơ chế giao thông (gồm toàn bộ tổ chức bộ máy của ngành Giao thông từ Trung ương đến cơ sở), văn hoá tâm thức giao thông (ai cũng muốn hướng tới sự ổn định, trật tự, an toàn và tự do cho người tham gia giao thông).
Như vậy, VHGT là những hành vi ứng xử của người (chủ thể), tham gia giao thông đối với môi trường giao thông, kỹ thuật giao thông, các hình thái phương tiện giao thông và cộng đồng tham gia giao thông được quy chuẩn thành quy chế, luật lệ để mọi chủ thể tham gia giao thông nhận thức, tự nguyện phục tùng và thực hiện đầy đủ, chính xác vì sự an toàn, tự do của bản thân và của cộng đồng những người tham gia giao thông.
Thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
Ảnh: PV
|
Thực tế, một bộ phận không nhỏ những người tham gia GTĐB ở nước ta, nhất là những người tham gia giao thông ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, tâm thức không ổn định, tâm thần bất an, không tự chủ được hành vi, không quan tâm đến an toàn và tự do quá trớn - tự do vô ý thức, không có tinh thần trật tự và ý thức nhân văn cộng đồng. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phần lớn là do: tính ích kỷ của đời sống thực dụng, tiện nghi và vật chất hoá sinh ra; những tệ nạn xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường; ảnh hưởng của các loại văn hoá phẩm, đặc biệt là phim ảnh và các trò chơi “cảm giác mạnh”; sử dụng bia rượu và các chất kích thích khi tham gia giao thông; tâm thần bất định, lảng bảng, không tập trung, lo lắng, vướng mắc, vội vàng, bệnh tâm thần… khi tham gia giao thông; kẻ ác tính, thích khác đời, ngông nghênh tham gia giao thông.
Chính vì vậy, để khắc phục những điều này, cần giáo dục rèn luyện trẻ con tính từ thiện và hành vi dịu dàng trong mọi ứng xử, đối nhân xử thế ngay tại gia đình từ tuổi còn thơ; mọi thanh, thiếu niên Việt Nam cần học những bài học tu tập thiền định, vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa tu tâm tích đức; từ nhà trường tiểu học, trước hết hãy dạy cho các cháu làm người. Đưa giáo dục VHGT thành một phần của chương trình môn học “cách trí” ở trường tiểu học. Số giờ học không nhiều, nhưng cụ thể và thiết thực. Các phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày cần có những bài học cụ thể tuyên truyền, giới thiệu về VHGT. Văn học nghệ thuật cần có nhiều tác phẩm hay về hoạt động VHGT, nhất là các loại hình nghệ thuật. Điều chỉnh lại các khung hình phạt cho tương xứng với các hành vi vi phạm để đủ sức răn đe và điều chỉnh hành vi của người thi hành công vụ VHGT và người tham gia giao thông. Cần giáo dục ý thức cộng đồng cho từng người Việt Nam, đặc biệt là trẻ con Việt Nam. Điểm yếu nhất của người Việt Nam giờ đây là tình thương yêu và ý thức gắn kết cộng đồng./.
PGS, TS. Phạm Duy Khuê