Với nỗ lực đưa “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ đã và đang làm hết mình để lễ hội Đền Hùng năm 2011 diễn ra trong an toàn, trật tự, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng của nhân dân.
Sẵn sàng
Năm nay, cơ sở vật chất hạ tầng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục được đầu tư khang trang hơn với tổng số kinh phí đầu tư trên 400 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2011, cho biết: Nhiều công trình tại nơi thờ phụng tổ tiên đã được trùng tu, xây dựng uy nghi, trang trọng, điển hình là đền Giếng và đền Hạ. Bên cạnh đó, hồ nước trước đền Lạc Long Quân; trục đường nối sân lễ hội với đường 32C; bãi đỗ xe lớn với sức chứa hàng nghìn xe ô tô; công trình cấp nước từ sông Lô vào các hồ xung quanh di tích nhằm tạo cảnh quan và phòng hộ cháy rừng… cũng đang được hoàn thiện.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ, lễ hội Đền Hùng năm 2011 diễn ra từ ngày 7 đến 12-4 (ngày 5 đến 10-3 âm lịch) do tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của các tỉnh: Tuyên Quang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Đồng Tháp. Nghi lễ cúng tế và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng được tổ chức tại đền Quốc Tổ Lạc Long Quân, đền Tổ Mẫu Âu Cơ và đền Thượng vào ngày mùng 5, 6 và 10-3 âm lịch.
Phần hội diễn ra trong 5 ngày, từ 8 đến 12-4 (tức từ ngày 6 đến 10-3 âm lịch) với các hoạt động như: Rước kiệu của các xã vùng ven khu di tích về đền Hùng; đánh trống đồng, múa sư tử, hát xoan; triển lãm các hiện vật cung tiến Đền Hùng với chủ đề “Tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế với Đền Hùng”… Đặc biệt, vào 21h ngày 11-4 (9-3 âm lịch), sẽ có màn bắn pháo hoa tầm thấp ở TP Việt Trì.
Lễ hội Đền Hùng.
Ảnh
: PV
|
Đưa tín ngưỡng thờ Vua Hùng thành di sản
Hồ sơ đề cử “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được Sở VH-TT và DL Phú Thọ thực hiện. Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở VH-TT và DL Phú Thọ cho biết: “Đến nay, Ban Xây dựng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đã tổ chức 5 hội nghị với Ban Chỉ đạo, các chuyên gia của Hội đồng Di sản quốc gia và các nhà khoa học nhằm thông qua đề cương chi tiết của hồ sơ. Ban xây dựng hồ sơ cũng đã tiến hành 2 đợt kiểm kê di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương tại hơn 200 di tích thuộc 106 xã trên địa bàn 12 huyện, thành, thị xã; thực hiện việc ghi hình, chụp ảnh để tư liệu hóa tư liệu sưu tầm; mua tư liệu ảnh, làm sách "Tuyển tập các công trình nghiên cứu về Hùng Vương"; điều tra thu thập tư liệu trong và ngoài nước về tín ngưỡng thờ Hùng Vương, đồng thời đã vận động hồ sơ lần 1 tại Kenya.
Từ việc kiểm kê di sản tín ngưỡng Hùng Vương, các chuyên gia nhận thấy: “Sự thiêng liêng và đức tin là hai yếu tố cơ bản của tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Đến với di tích thờ Hùng Vương như đến bên bàn thờ tổ tiên trong gia đình với ý nghĩa nhà là nước, nước cũng là nhà và ước nguyện của mỗi người cũng là ước nguyện của dân tộc. Do đó, tín ngưỡng và lễ hội Đền Hùng vừa có sự tập trung, vừa có sức lan tỏa”.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, khẳng định: "Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng, mà biểu tượng thì còn cao hơn cả sự kiện, mang tính tâm linh thống nhất của quốc gia. Dân tộc Việt Nam, quốc gia Việt Nam rất may mắn có một biểu tượng như thế làm chỗ dựa niềm tin trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước. Đây là giá trị độc đáo ẩn chứa trong lễ hội Đền Hùng, không nước nào trên thế giới có được”.
Nếu tín ngưỡng thờ Vua Hùng được hoàn thiện hồ sơ và công nhận là Di sản Văn hóa của thế giới sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn di sản văn hóa dân tộc và cùng với việc thực hiện lễ giỗ Tổ hằng năm thể hiện sâu sắc thêm đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt./.