Tăng cường quản lý và bảo tồn các di tích chưa được xếp hạng

09:04, 08/04/2011

Theo số liệu thống kê, tỉnh ta có hơn 2.000 di tích, trong đó có 74 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 214 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Như vậy, số di tích chưa được xếp hạng là rất lớn, cần có sự kiểm kê, công bố danh mục di tích ở từng địa phương, tạo thuận lợi cho việc quản lý và bảo vệ.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, nhiều địa phương trong tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích, kể cả các di tích chưa được xếp hạng. Hàng năm, từ kinh phí đóng góp của nhân dân, nhiều di tích được tu sửa, bảo quản, phục hồi. Ở thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), với ý thức, trách nhiệm cao của người dân trước vốn di sản quý báu của cha ông để lại, quần thể di tích trong thôn luôn được quan tâm bảo tồn. Là một làng cổ, thôn Bàn Thạch ngoài ngôi chùa thờ Phật có tên chữ là “Phúc Quang tự” còn có 2 ngôi đình: “Thanh Minh Từ” và “Cổ miếu” thờ đức thánh đệ nhất Linh ứng đại vương và đức thánh đệ nhị Lê Kiên đại vương. Hiện nay, trong ngôi đình “Thanh Minh Từ” vẫn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự có từ lâu đời như: Đôi cây quán tẩy bằng trúc, kiệu “Thượng long đình hạ bát cống”, kiệu võng, hai cỗ ngai, nhang án, câu đối, hoành phi, bức đại tự, đặc biệt là 4 sắc phong có từ thời nhà Nguyễn. Mặc dù chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá nhưng từ lâu, nhân dân địa phương thường xuyên quan tâm tu sửa những chỗ mối mọt, xây tường để bảo vệ di tích với kinh phí hàng tỷ đồng. 

Đình "Thanh Minh Từ", thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), thường xuyên được nhân dân địa phương bảo tồn, tôn tạo.
Đình "Thanh Minh Từ", thôn Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực), thường xuyên được nhân dân địa phương bảo tồn, tôn tạo.

 Tuy nhiên ở nhiều địa phương trong tỉnh, tình trạng tu bổ di tích làm biến dạng và mất đi yếu tố gốc vẫn đang diễn ra. Do chưa được quản lý chặt chẽ, chưa có sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, không ít các di tích chưa được xếp hạng khi bảo tồn không theo đúng quy trình. Có nơi, người dân còn tuỳ tiện lát nền di tích bằng gạch hoa, xây thêm các công trình làm giảm giá trị vốn có của di tích. Đặc biệt, tình trạng mất cắp cổ vật, cổ thư vẫn xảy ra ở nơi này nơi khác. Do việc đô thị hoá nông thôn nhanh chóng, ở nhiều làng thôn, môi trường cảnh quan truyền thống của các di tích đình, chùa, đền, miếu bị biến dạng một phần khi các công trình mới xây dựng xung quanh di tích không phù hợp với quy hoạch truyền thống của khu di tích cả về vị trí, màu sắc, hình dạng. Không gian của di tích cũng bị lấn chiếm. Vì vậy, các di tích không chỉ đứng trước nguy cơ bị biến dạng “nửa cổ nửa kim” mà còn có nguy cơ bị mai một(!).

Để bảo tồn các di tích chưa được xếp hạng, trước mắt cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền vận động thực hiện Luật Di sản văn hoá; qua đó ngăn chặn việc vi phạm, làm xuống cấp di tích. Ngành VH-TT và Du lịch cần đẩy mạnh việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý và hướng dẫn các địa phương trùng tu, tôn tạo di tích chưa được xếp hạng bảo đảm đúng pháp luật./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com