Tại sao gọi tiền thù lao viết sách báo là “nhuận bút”

11:04, 22/04/2011

Từ hơn một nghìn năm trước, khai quốc công thần của triều đại nhà Tùy (Trung Quốc) là Trịnh Dịch được Tuỳ Văn Đế Dương Kiên trọng dụng, bổ nhiệm giữ chức quan to trong triều. Nhưng về sau, do Trịnh Dịch lơ là công việc, không liêm khiết, lại bất hiếu với mẹ nên bị giáng chức.

Không lâu sau, Tùy Văn Đế nhớ lại rằng Trịnh Dịch xưa kia có nhiều công lao, cho nên lại gọi ra dùng và cho làm chức Thứ Sử. Một hôm, trong buổi thiết yến Tùy Văn Đế nói với Trịnh Dịch: Trẫm giáng chức khanh đã lâu lắm rồi, việc này làm cho lòng trẫm không sao nguôi được. Rồi sau đó, Tùy Văn Đế truyền chỉ tại chỗ, bổ nhiệm Trịnh Dịch làm Thượng Trụ Quốc và ban cho tước vị quốc công đất Bái. Trịnh Dịch nghe thấy thế hết sức cảm động, bèn dâng chén xin được chúc thọ Tùy Văn Đế. Tùy Văn Đế sai quan nội sử lệnh là Lý Đức Tâm lập tức thảo chiếu thư, phong tước và bổ nhiệm quan chức cho Trịnh Dịch. Thừa tướng Cao Quýnh đứng ở bên cạnh nói đùa với Trịnh Dịch: Bút khô mất rồi, phải “nhuận bút” thôi (nhuận bút là làm cho bút ướt và trơn). Trịnh Dịch trả lời: Tôi đã phải ra làm quan địa phương vừa được thánh chỉ là lập tức đánh ngựa trở về ngay, chẳng có một đồng chữ nào. Vậy lấy gì để “nhuận bút” cho các vị bây giờ?

Từ đó về sau người ta thường dùng hai chữ "nhuận bút" để chỉ tiền thù lao khi nhờ người khác thảo thơ văn, viết thư pháp hay vẽ tranh và đã trở thành một cách nói thông thường!

Hương Tú (biên soạn)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com