Qua Discovery châu Á: Hơn 400 triệu khán giả thế giới sẽ xem phim Việt Nam

11:04, 22/04/2011

Lâu nay, hầu như các phim hay về đề tài VN chiếu rạp và phát sóng trên truyền hình ở nước ngoài đều do người nước ngoài thực hiện. Trong khi đó, cho dù có thế mạnh hiểu các vấn đề của VN đã trải qua; hiểu văn hóa Việt hơn ai hết nhưng các nhà làm phim Việt lại khá chật vật trong việc đưa phim ra thế giới. Nguyên do được chỉ ra là thiếu công nghệ, thiếu kỹ thuật làm phim tiêu chuẩn quốc tế - điều kiện để phim ra thế giới. Thêm một lý do không kém quan trọng - thiếu một “bà đỡ” có uy. Nên với dự án First time Filmmakers Viet Nam (tạm dịch là lần đầu làm phim VN), ngay từ đầu mọi người đã thấy được cái kết có hậu khi “bà đỡ” cho dự án này là kênh truyền hình Discovery - một trong những kênh truyền hình "ăn khách" của thế giới. Theo đó, ít nhất sẽ có khoảng 400 triệu khán giả của chuyên mục ăn khách Travel & Living (tạm dịch: Đi và sống) sẽ xem Thành phố 1000 tuổi (đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà), Những chiến binh chống tắc đường (đạo diễn Phan Duy Linh), Rạp chiếu phim di động của bác Long (đạo diễn Nguyễn Mạnh Cường) và Lễ cải táng (đạo diễn Đào Thanh Tùng).

Đầu tư 20.000 USD/phim - số tiền khiêm tốn (tại VN, kinh phí sản xuất một phim tài liệu khoảng 400 triệu đồng), trên cơ sở đề tài về đô thị hóa, phía Discovery bắt buộc các nhà làm phim phải trình ra những câu chuyện thật, nhân vật thật và kịch bản chỉ được xem là hoàn thiện khi ê kíp làm đã “ngấm” câu chuyện và đồng cảm với nhân vật sau nhiều lần làm việc thực tế ngoài hiện trường và tiếp xúc với các nhân vật. Cách làm này quá “lạ” so với ta. Thậm chí tạo áp lực lớn, khi mà tiền ít mà yêu cầu cho nghệ thuật ngặt nghèo gấp vài chục lần. Và các đạo diễn khi nhập cuộc buộc phải bỏ thói quen làm phim chụp giật, ứng tác tự do ngoài trường quay, thấy gì làm nấy, chi tiêu đúng chỗ, đúng lúc, ép mình vào “luật” của các nhà làm phim quốc tế. Không phải ai cũng chịu được áp lực này, những người về đích là những người ngay từ đầu đã chấp nhận cách làm phim được “áp đặt” từ phía đơn vị tổ chức - kênh Discovery châu Á và Hãng Uproar Productions. Đó cũng chính là lý do mà đơn vị được giao quản lý dự án tại VN - TV& Film Prodution Service tiếc cho dự án Thành phố đam mê của Phan Ý Ly, khi đạo diễn này không trình ra những chứng từ tài chính hợp pháp thể hiện các mục chi tiêu. Cực chẳng đã, đơn vị tổ chức phía nước ngoài phải nhảy vào trực tiếp quản lý dự án của Phan Ý Ly và sau đó chẳng hiểu vì lý do gì, bộ phim này đã không về đích.

Lên sóng Discovery trong chuyên mục Travel & Living, 4 bộ phim Việt do các nhà làm phim Việt Nam thực hiện là 4 câu chuyện phản ánh sự chuyển đổi mạnh mẽ của đô thị Việt thời hội nhập. Những chiến binh chống tắc đường giới thiệu “giải pháp” khá xa xỉ - dùng người làm dải phân cách mềm chống ùn tắc giao thông. Chẳng phải tới bộ phim này, người nước ngoài mới biết tình trạng giao thông ở VN nhưng dùng người làm dải phân cách chống tắc đường thì chắc chỉ VN mới có. Và để khẳng định quyết tâm không chịu bó tay trước vấn nạn tắc đường, bộ phim vén màn hậu trường của kênh VOV Giao thông - kênh phát thanh có độ “ăn khách” tỉ lệ thuận với tắc đường ở VN.

Nếu để thỏa mãn sự tò mò của khán giả, Lễ cải táng của Đào Thanh Tùng gây ấn tượng mạnh với người xem bởi sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh, âm thanh, ánh sáng. Dựng kỹ, với nhiều hình ảnh ép phê, bộ phim giới thiệu trình tự những công đoạn của một lễ cải táng mang tính chất tâm linh của người Việt.

Ở một góc nhìn khác về sự chuyển mình của quá trình đô thị hóa, đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà chọn 3 nhân vật để kể trong phim Thành phố 1000 tuổi. Đó là bà cụ đã sống trong hốc nhỏ ở Ô Quan Chưởng. Thành phố kỷ niệm 1000 năm tuổi, Ô Quan Chưởng được trùng tu, bà lão buộc phải rời nơi đã ở hơn 40 năm, trong lúc họa sĩ Đào Anh Khánh như “lên đồng” với dự án Cầu âm thanh hoành tráng mừng Đại lễ. Đan xen với 2 nhân vật này là một kỹ sư trẻ đắm đuối với dự án xây dựng một thành phố chuẩn xanh - sạch - đẹp.

Thú vị nhất trong 4 phim sẽ lên sóng Discovery là câu chuyện về ông Long chiếu phim dạo của đạo diễn Mạnh Cường. “Đây là nhân vật lạ không chỉ ở VN mà còn lạ cả với thế giới. Ông là người “cải lùi” ngành điện ảnh tới cả trăm năm mà vẫn khiến khán giả phát sốt vì thú vị”. Những ai đã từng đến Công viên Thủ Lệ, Hà Nội vài năm trở về trước, chắc chắn đã gặp ông Long chiếu phim dạo. Với chiếc máy quay cổ lỗ sĩ, những thước phim cũ sưu tầm được, phải đến hàng trăm phim, trong đó có hàng chục phim kinh điển của VN; những bộ phim vẽ trên giấy tự làm... ông đã thực hiện công cuộc “cải lùi” điện ảnh bằng cách chiếu phim không giống ai của mình. Đơn cử như bộ phim tài liệu về lễ Giỗ tổ Hùng Vương, khi trên màn hình hiện lên cảnh cúng lễ, ông đốt mấy nén nhang khua gần mũi người xem; trong phim có cảnh nhân vật ăn kẹo, ông nhanh tay bóc ngay viên kẹo bỏ tọt vào miệng khán giả. Cảnh mưa, gió, ông vừa làm tiếng động ùng oàng. Nhà có nghề dệt vải, kinh tế cũng dư giả, mọi người trong gia đình đều khuyên ông bỏ việc chiếu phim chẳng nuôi nổi ai nhưng ông không chịu. Ngày ngày đạp xe hàng chục km, lỉnh kỉnh đồ nghề đến Công viên Thủ Lệ. Rồi ông ngã bệnh, không còn sức đạp hàng chục km, gội nắng, mưa hành nghề như trước, ông vào Megastar xem phim với sự tự hào của một người “cải lùi điện ảnh” mà vẫn ăn khách không kém các cụm rạp hiện đại. Sau đó, ông làm bộ phim cuối cùng - Thánh Gióng với sự hỗ trợ của một đạo diễn phim hoạt hình để công chiếu tại Bảo tàng Dân tộc học VN trong ngày đơn vị này đưa bộ đồ nghề chiếu phim của ông lên hệ thống trưng bày của bảo tàng./.

Theo: baovanhoa.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com