Phát huy giá trị văn hoá của hệ thống bảo tàng, nhà lưu niệm

07:04, 15/04/2011

Tỉnh ta hiện có 47 bảo tàng, nhà lưu niệm, trong đó có 7 bảo tàng, 12 nhà truyền thống, 8 nhà lưu niệm với hơn 29.800 hiện vật các loại (phim ảnh, hiện vật khối, hiện vật giấy). Thông qua các tài liệu, hiện vật, các bộ sưu tập được trưng bày tại hệ thống bảo tàng, nhà lưu niệm nhằm tuyên truyền, giới thiệu cho khách tham quan về những đặc điểm lịch sử, tự nhiên - xã hội, quá trình hình thành, phát triển của mảnh đất, con người Nam Định. 

Bảo tàng Lịch sử Quân sự trưng bày những hiện vật và tài liệu giới thiệu quá trình ra đời và trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.  Ảnh: Internet
Bảo tàng Lịch sử Quân sự trưng bày những hiện vật và tài liệu giới thiệu quá trình ra đời và trưởng thành của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Ảnh: Internet

Bảo tàng Nam Định là một trong số ít các bảo tàng trên toàn quốc có số lượng hiện vật lớn với gần 20 nghìn hiện vật, tài liệu về các lĩnh vực đời sống, xã hội của tỉnh; trong đó có nhiều bộ sưu tầm cổ vật có giá trị, vừa phong phú ở loại hình vừa đa dạng ở chất liệu. Những năm qua, Bảo tàng Nam Định đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả công tác sưu tầm, bổ sung tài liệu, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc. Thông qua các đợt đào thám sát, khai quật khảo cổ học đã bổ sung vào Bảo tàng tỉnh nhiều bộ sưu tập quý như: rìu, bôn, bàn mài bằng đá của người Việt cổ có niên đại 4.000-5.000 năm; điêu khắc đá thời Lý, đất nung thời Trần, chạm khắc gỗ thời Hậu Lê… Đặc biệt trong những năm qua, Sở VH-TT và DL, Bảo tàng Nam Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành thám sát và khai quật thăm dò một loạt vị trí dưới lòng đất thuộc quần thể Khu di tích lịch sử văn hoá Trần như: Vạn Khoảnh, Lựu Phố, Đệ Tam Tây, Hậu Bồi, cánh đồng giữa Đền Trần - Chùa Tháp, đã tìm thấy hàng ngàn di vật gạch ngói, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc với các đề tài rồng phượng bằng đất nung, ngói cong, gốm men ngọc, đồ kim loại; làm rõ một phần dấu tích của cung Trùng Hoa, là cơ sở khoa học để khẳng định Hành cung Thiên Trường là kinh đô thứ 2 của nhà Trần sau Thăng Long. Hàng năm, Bảo tàng Nam Định tuyên truyền vận động các tổ chức, các cá nhân tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gìn giữ, tôn tạo các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Qua đó, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận gần 1.000 hiện vật hiến tặng của các tổ chức và cá nhân, trong đó, có nhiều bộ sưu tập cổ vật có giá trị cao như: sưu tầm gốm thời Lý - Trần, sưu tầm đồ đồng thuộc nền văn hoá Đông Sơn. Cơ cấu trưng bày tại Bảo tàng Nam Định được xếp theo phòng chuyên đề, gồm: phòng lịch sử (nhấn mạnh giai đoạn Lý - Trần); phòng khai hoang, lấn biển; phòng các làng nghề thủ công truyền thống; phòng nghệ thuật trình diễn dân gian (Chiếu chèo Nam, rối cạn, rối nước); phòng tôn giáo - lễ hội; phòng danh nhân. Phần trưng bày ngoại thất là những hiện vật, các mảng kiến trúc cổ, các tượng danh nhân, tượng linh vật phản ánh trung thực và sinh động diễn trình lịch sử, đồng thời làm nổi bật những tính chất đặc trưng, tiêu biểu về các mặt tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước, của địa phương.

Bên cạnh hệ thống bảo tàng, tỉnh ta còn có hệ thống nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm, nhà truyền thống; trong đó, hệ thống nhà lưu niệm là nơi tưởng niệm, lưu giữ lại những tài liệu, hình ảnh, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các bậc danh nhân, các vị Anh hùng dân tộc, các chiến sỹ cách mạng đã có công trong sự nghiệp dựng nước và đấu tranh chống xâm lược. Tiêu biểu như các Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Nguyễn Phúc, Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Đức Thuận, Trần Huy Liệu, Nguyễn Bính. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn của dân tộc, nhà lưu niệm là nơi dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ; đồng thời, các tổ chức đoàn thể và nhân dân tổ chức lễ rước đuốc truyền thống tại nhà lưu niệm, nhà tưởng niệm với ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của cha ông. Không chỉ chính quyền các cấp quan tâm huy động xây dựng bảo tàng, nhà lưu niệm mà nhiều cá nhân cũng tích cực tham gia sự nghiệp này. Tiêu biểu là bảo tàng tư nhân với tên gọi “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” của cựu chiến binh Vũ Đình Lưu, phường Cửa Bắc (TP Nam Định). Bảo tàng của ông hiện có gần 400 hiện vật và những kỷ vật chiến tranh do ông sưu tầm. Với mục đích lưu giữ, giáo dục các thế hệ công nhân trong ngành cũng như các tầng lớp nhân dân về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của cha anh, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã thống nhất chọn Nhà truyền thống, lưu niệm của Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng Cty cổ phần Dệt May Nam Định) để xây dựng Nhà Bảo tàng ngành Dệt May Việt Nam vào tháng 10-2010. Theo dự án, Bảo tàng có diện tích gồm 1,2ha, tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn, thời gian thực hiện dự án là 21 tháng, gồm các hạng mục như: nhà trưng bày, nhà hội trường, cụm tượng đài, kho bảo quản, cảnh quan công viên cây xanh và một số hạng mục phụ trợ khác. Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Bảo tàng ngành Dệt May Việt Nam khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ là một công trình văn hóa lưu giữ, trưng bày các hiện vật, hình ảnh giới thiệu với các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân trong đấu tranh chống xâm lược, lao động sản xuất; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ động, sáng tạo cho thế hệ trẻ, góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển quê hương, đất nước./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com