Các di tích lịch sử - văn hoá ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thể hiện óc sáng tạo, sự tài hoa của các nghệ nhân xưa.
Chùa Phổ Minh trong quần thể di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp hiện còn lưu giữ được nhiều dấu tích kiến trúc bằng đá có từ thời Trần. Nằm rải rác trong khu vực chùa còn 96 chân tảng đá chạm hoa sen. Ở cổng tam quan và quanh chân tháp còn nhiều đôi sóc đá gắn vào bậc lên xuống. Trước toà bái đường có hai đôi rồng đá thân hình mập mạp, uốn khúc nhẹ với 4 chân to, móng khoẻ. Toà tháp có tầng dưới cùng bằng đá là hình ảnh của một cỗ kiệu. Bệ tháp được xây bằng đá tạo thành một khối hộp kín. Dưới đáy và phía trên của kiệu đá chạm lớp cánh sen bao quanh bốn mặt. Nhờ phương pháp chạm sâu, gọt tỉa công phu nên các hoa văn trang trí trên các mặt của phần bệ và kiệu đá rất tinh xảo, mềm mại, sinh động.
Rồng đá tại Di tích Chùa Phổ Minh (TP Nam Định). |
Trong số các di tích của tỉnh ta được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, đền Đá thuộc thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh (Nam Trực) là di tích tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật bằng đá. Đền thờ ba anh em họ Vũ là những vị tướng thời Hùng Vương và 12 vị tổ của 12 họ sớm về đây tạo dựng xóm làng. Qua nhiều lần tu sửa, công trình hiện nay còn 4 toà chính và một dãy giải vũ. Độc đáo nhất là toà bái đường 5 gian được tôn tạo cách đây hơn 60 năm, kiến trúc hoàn toàn bằng đá. Lan can bái đường chạm ba con rồng to khoẻ, uy nghi, uyển chuyển theo tư thế chầu vào ba chữ Hán trong ba vòng tròn. Các cây cột của bái đường đặt trên trụ quả bồng có hoa văn đẹp. 8 cột đá là 8 bức phù điêu, chạm nổi những con rồng đang bay lên giữa những đám mây. Mỗi gian của toà bái đường đều có bộ cửa võng bằng đá nguyên khối, chạm khắc công phu với các hình tượng mặt hổ phù, các đề tài: long thăng, long cuốn thuỷ. Phía trên cửa võng còn trang trí theo nhiều đề tài: cánh sen, bầu rượu, túi thơ, phượng hàm thư và các hoa lá sinh động...
Bệ đá hoa sen đặt tại toà tam bảo chùa Đô Quan, xã Yên Khang (Ý Yên) cũng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá độc đáo, cầu kỳ về đường nét, khoẻ mạnh ở kiểu dáng, phong phú về đề tài. Theo các nhà nghiên cứu, đây là chiếc bệ đá hoa sen thời Trần duy nhất còn lại ở tỉnh ta. Trải qua hơn 700 năm, chiếc bệ đá vẫn được giữ gìn làm tăng thêm giá trị của di tích.
Trong khi phần lớn các kiến trúc bằng đá có nội dung chạm khắc mang phong cách truyền thống, thể hiện quan niệm thẩm mỹ của người xưa với các đề tài: hoa sen, hoa văn sóng nước, tứ linh, tứ quý, tứ dân (ngư, tiều, canh, mục)... cây tháp đá ở chùa Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) lại được nghệ nhân sáng tạo thêm những chi tiết đời thường sống động. Cây tháp đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) gồm 5 tầng, cao 2,11m ngoài 4 mặt chạm các hoạ tiết long chầu, sen quy, người câu cá; mái tháp hình hoa sen được thu nhỏ dần từ chân lên đỉnh; các tầng tháp chạm lá lật, cúc dây đan xen cả lá hoả, đáng chú ý là cạnh phía tây ở tầng 2 có chạm nổi một người phụ nữ đang cho con bú. Việc đưa hình tượng dân gian vào ngôi tháp thờ Phật đã thể hiện sự hoà đồng, gần gũi của Phật giáo đối với tâm thức bình dị của người dân, đồng thời gửi gắm ước muốn nhân khang vật thịnh, vạn vật sinh sôi.
Đền Xuân Bảng thuộc Thị trấn Xuân Trường với vật liệu kiến trúc chủ yếu bằng đá được xây dựng vào đời vua Tự Đức năm thứ 22 (1869) cũng đan xen nhiều hình ảnh đậm sắc thái dân gian. Gánh đỡ toàn bộ phần hiên tiền đường là bộ khung với xà, cột bằng đá chạm khắc hoạ tiết tứ linh, tứ quý. Hai cột đồng trụ tại hai góc đốc có phần đế hoàn toàn bằng đá xanh liền khối cao 4m. Ngăn cách giữa các toà nhà của tiền đường là hệ thống máng nước được gánh đỡ bởi các xà dọc và 8 cột đá cạnh vuông. Trên mỗi cột, xà, đấu bằng đá, bên cạnh các đề tài tứ linh, tứ quý, cúc, mai hoá long, nghệ nhân dân gian còn chạm khắc hình ảnh luỹ tre làng, phong cảnh cùng các con vật, hình tượng của cuộc sống bình dị, dân dã như vịt, sóc, hươu nai, hoa lá. Tại toà trung đường, trên các xà đá, cột đá được chạm các hình cuốn thư, sơn thuỷ, tứ linh, tứ quý cùng hoa lá cách điệu.
Trong quần thể di tích Phủ Dầy, lăng Mẫu Liễu Hạnh xây dựng năm 1938 do Nam Phương Hoàng hậu hưng công đã được Bộ Văn hoá xếp hạng năm 1975 là một kiến trúc bằng đá xanh độc đáo. Lăng gồm 5 tầng hình vuông, mỗi tầng đều để bốn cửa theo 4 hướng đông - tây - nam - bắc. Các cửa đều có trụ cổng, trên đặt bông sen chớm nở. Toàn bộ có 60 búp sen hồng, trông xa như một hồ sen cạn.
Các kiến trúc bằng đá tại một số di tích tiêu biểu ở tỉnh ta với trình độ chạm khắc điêu luyện là những sản phẩm văn hoá vật thể có giá trị bền vững, thể hiện công sức sáng tạo của ông cha ta trước đây. Trải qua thời gian, những thành tựu nghệ thuật, phong cách tạo hình mang dấu ấn của các thời kỳ lịch sử vẫn được nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, gìn giữ, thể hiện lòng trân trọng, thành kính trước những di sản văn hóa truyền thống, tôn vinh tài năng, trí tuệ của cha ông./.
Bài và ảnh: Lam Hồng