Nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê di tích, góp phần bảo tồn di sản văn hoá Hán - Nôm và chống xâm hại di tích

06:04, 29/04/2011

 Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, tỉnh ta có hơn 2.000 di tích và hệ thống văn hoá Hán - Nôm (chữ viết), góp phần tạo nên những giá trị văn hoá phi vật thể phong phú và độc đáo. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm kê di tích, góp phần chống xâm hại di tích nói chung và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Hán - Nôm nói riêng, đòi hỏi sự “vào cuộc” của toàn xã hội với mục tiêu: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Di tích và di sản văn hoá Hán - Nôm

Luật Di sản văn hóa quy định: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm lưu truyền bằng chữ viết, trí nhớ, truyền miệng và các hình thức lưu truyền, lưu trữ khác…”. Văn hóa Hán - Nôm là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa phi vật thể dân tộc. Vấn đề đặt ra là: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể của hệ thống văn hóa Hán - Nôm thể hiện ở những mặt nào? Các dạng thức tồn tại và biểu hiện của nó trong hệ thống các quần thể di tích? Vai trò và ý nghĩa của di sản văn hóa Hán - Nôm trong tổng thể di sản văn hóa dân tộc? Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hán - Nôm trong đời sống hiện nay?

Nhận diện về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Hán - Nôm, GS.TS Trần Đức Minh, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh cho biết, chữ Hán xuất hiện và phát triển ở Việt Nam từ rất sớm thông qua các cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến phương Bắc. Song, văn hóa Hán - Nôm chỉ thực sự trở thành văn hóa bác học (đặt trong mối quan hệ với văn hóa dân gian) từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Nghĩa là, khi Nho giáo được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng làm ý thức hệ (quốc giáo) và chữ Hán được coi là văn tự quốc ngữ. Đến thế kỷ XV, để chống lại tư tưởng đồng hóa về mặt bản sắc dân tộc của đế chế cai trị phương Bắc, các nhà Nho học yêu nước đã sáng tạo ra loại hình chữ Nôm, dựa trên sự cải biến từ chữ Hán. Như vậy, trải qua mười thế kỷ tồn tại và phát triển, văn tự Hán - Nôm và đặc biệt là di sản văn hóa Hán - Nôm có vị trí quan trọng trong đời sống, chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ trung, cận đại. 

Đền Trùng Hoa thuộc quần thể Di tích Lịch sử văn hóa Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).  Ảnh: PV
Đền Trùng Hoa thuộc quần thể Di tích Lịch sử văn hóa Trần, phường Lộc Vượng (TP Nam Định).
Ảnh: Internet

Di sản văn hoá Hán - Nôm được phân thành 3 mảng: cổ vật; cổ thư (câu đối, đạo sắc phong, đại tự, thần phả…); cổ sử (các văn bản chữ Hán khác). Văn hoá Hán - Nôm dạng cổ vật, cổ thư có nguồn gốc và gắn liền với các di tích, hệ thống công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng tẩm. Tỉnh ta hiện có hơn 2.000 di tích (trong đó, có 74 di tích được công nhận cấp quốc gia, 214 di tích được tỉnh công nhận) bao gồm các loại hình: kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, cách mạng kháng chiến, danh thắng… Khảo sát các di tích ở tỉnh ta, ngoài những đặc điểm có giá trị về mặt kiến trúc, thì hệ thống các văn bia, câu đối, sắc phong, thần phả, đại tự chính là yếu tố “phần hồn” đem lại giá trị của hệ thống quần thể di tích. Về giá trị lịch sử, loại hình văn hoá Hán - Nôm dạng cổ vật và cổ thư trực tiếp (là tư liệu duy nhất cho tới nay tại các di tích) ghi lại dấu ấn các sự kiện, sự việc quan trọng của các giai đoạn phát triển đất nước. Mặt khác, thông qua câu đối, văn bia, sắc phong… là căn cứ khoa học để chúng ta xác định về nguồn gốc và sự ra đời của các di tích nói chung, nhất là di tích lịch sử, di tích kiến trúc, di tích danh thắng. Bởi văn tự cổ vật, cổ thư trong mỗi di tích mang nội dung ca ngợi công lao của các vị anh hùng dân tộc đã có công trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước; hay ca ngợi những danh nhân bản địa có công trong quá trình quai đê, lập ấp, các vị tổ nghề. Đến thăm đền Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chúng ta không chỉ thưởng thức nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo của hệ thống cột trụ, tháp đá, tòa giải vũ; thông qua hệ thống văn tự chữ Hán của đền, chúng ta còn biết được văn hóa làng truyền thống của nhân dân nơi đây. Đó là mảnh đất được hình thành từ thế kỷ X với công lao khai hoang của ông Hoàng Thiện Tâm. Hạ Kỳ cũng là vùng đất có truyền thống yêu nước, đánh giặc tiêu biểu là danh tướng Đinh Lôi. Đôi câu đối ở đền Hạ Kỳ đã trân trọng ca ngợi hai ông: “Hoàng Tướng khai điền công tự hải. Đinh Vương khước địch đức như sơn” (Hoàng Tướng mở đất công tựa biển. Đinh Vương đánh giặc đức bằng non). Còn xét về giá trị văn hóa, tinh thần thì văn hóa Hán - Nôm dạng cổ vật, cổ thư là phương tiện lưu giữ, cụ thể hóa phương thức ứng xử, sinh hoạt văn hóa tinh thần của cha ông. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, truyền thống yêu nước, nhân văn, nhân đạo cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Và đây cũng là giá trị nhân văn cao quý của di sản văn hóa Hán - Nôm. Nó cũng là đối tượng nghiên cứu khoa học của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: triết học, sử học, văn học, khảo cổ học giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về lịch sử dân tộc.

Cần có sự vào cuộc của toàn xã hội

Những năm qua, thực hiện Luật Di sản văn hoá, tỉnh ta đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá nói chung và công tác kiểm kê di tích góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán - Nôm, chống xâm hại di tích nói riêng. Công tác kiểm kê và tu bổ, tôn tạo di tích nhìn chung tuân thủ chặt chẽ theo luật định. Nhiều địa phương có di tích đã thành lập ban quản lý di tích, tổ chức phiên âm, dịch nghĩa các văn tự Hán - Nôm, phổ biến công khai, giúp cho người dân và du khách tham quan hiểu biết giá trị chung của di tích. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí tôn tạo di tích hàng năm của tỉnh được quản lý và sử dụng có hiệu quả; qua đó, các di tích được tôn tạo đều đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc, tiêu biểu như: Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền, chùa Đệ Tứ, đền Trùng Hoa, đình Hưng Lộc, đền Cao Đài. Năm 2010, Ban Quản lý di tích và danh thắng phối hợp với Phòng Văn hóa các huyện, thành phố tổ chức việc kiểm kê, đánh giá di tích tại các địa phương, trong đó, tổ chức nghiên cứu thực trạng của hai di tích có giá trị văn hóa, lịch sử là chùa Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) và phủ Bà, xã Bình Minh (Nam Trực) để làm thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Thông qua công tác kiểm kê di tích, các cơ quan chức năng (Bảo tàng Nam Định, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh) đã sưu tầm hàng ngàn bản dập văn bia, câu đối, đại tự, hiện vật. Những năm qua, với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày và tuyên truyền về di sản văn hoá, Bảo tàng Nam Định đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả công tác sưu tầm, tổ chức các đợt đào thám sát, khai quật khảo cổ học, bổ sung tài liệu, đổi mới nội dung và hình thức trưng bày góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm kê di tích nói riêng và công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích nói chung vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Việc phân cấp quản lý di tích vẫn có sự “chồng chéo” giữa cấp và ngành. Đối với các di tích chưa được xếp hạng (số lượng rất lớn với gần 1.800 di tích) thì các địa phương tự ý sửa chữa mà không xin ý kiến và có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Do đó, ở một số di tích khi tiến hành tu bổ, tôn tạo chỉ mới dừng lại ở mặt kiến trúc mà không chú ý đến hệ thống văn tự Hán - Nôm, dẫn đến các câu đối, văn bia, sắc phong bị thất lạc, mai một. Tình trạng “thương mại hoá di tích” cũng như mất cắp cổ vật, hiện vật vẫn xảy ra ở một số di tích. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác mảng văn hoá Hán - Nôm rất thiếu. Cụ thể như tại Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, để quản lý về mặt chuyên môn mảng văn tự Hán - Nôm của hơn 2.000 di tích trong tỉnh hiện nay, chúng ta chỉ có 3 cán bộ chuyên trách. Còn đối với các địa phương, cơ sở, 100% các Phòng Văn hóa các huyện, thành phố không có cán bộ được đào tạo chuyên ngành Hán - Nôm, do đó, việc quản lý Nhà nước và công tác kiểm kê di tích cũng như sưu tầm, bảo tồn di sản Hán - Nôm và di tích còn nhiều hạn chế, chưa đạt được kết quả và mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các nghệ nhân am hiểu, thông tỏ văn tự Hán - Nôm ở các địa phương ngày một vơi dần. Điều này cho thấy, công tác xã hội hoá trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở một số địa phương chưa sâu rộng, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng quê hương. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hán - Nôm cần có chính sách đào tạo, tăng cường và khuyến khích những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hoá Hán - Nôm. Nhất là đối với văn hoá Hán - Nôm dạng cổ sử cần khuyến khích các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính chuyên luận, chuyên sâu về tác giả học, văn hoá học, triết học, kiến trúc, lịch sử đã trường tồn gần 10 thế kỷ gắn liền với hệ thống di sản văn hoá Hán - Nôm.

Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã xác định: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá”. Nâng cao chất lượng công tác kiểm kê di tích bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Hán - Nôm, chống xâm hại di tích vừa là mục tiêu, động lực vừa là yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp phát triển đất nước thời kỳ đổi mới, xây dựng một nền văn hoá Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Văn hóa mà cần có sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com