Đọc và sưu tầm các danh ngôn là một công việc thú vị và có ích. Đấy là việc “Nhặt chữ cho đời”. Với danh ngôn, đọc và suy ngẫm hàng ngày, nhờ đó mà một phần sự khôn ngoan, sự hiểu biết của nhân loại trở thành của ta.
Không phải ngẫu nhiên, trên các tờ báo, các tạp chí Đông Tây đều có in những danh ngôn. Trên truyền hình, cuối những chương trình, nhiều khi cũng thấy các phát thanh viên đọc những câu danh ngôn nổi tiếng.
Từ điển học sinh nói: “Danh ngôn là lời nói, câu văn có ý nghĩa sâu sắc được xã hội truyền rộng”. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) nói: “Danh ngôn là lời nói hay, được người đời truyền tụng”. Từ điển Đào Duy Anh thì nói: “Danh ngôn là lời nói minh chính, mọi người đều phục là lời nói có nghiệm!”. Còn Kinh Phật thì nói: “Chân lý mở rộng cửa cho mọi người. Kẻ nào có tai thì nghe!”.
Những nhân vật vĩ đại của loài người, những bộ óc thông thái của các thời đại, những nhà văn lớn, những danh nhân văn hoá đều gắn liền với các danh ngôn. Một phần trong những di sản quý báu mà họ để lại cho các thế hệ, chính là những lời nói, những tư tưởng hay, những câu nói có ích cho đời sống. Đó là những chiêm nghiệm trong đời sống danh nhân, những suy ngẫm từng trải của một đời người hay của những thế hệ đã qua. Danh ngôn là cái túi khôn của loài người đã được đúc kết, truyền lại cho hậu thế, hay có thể nói đó là thư viện của cuộc đời. Goethe, nhà thơ Đức nổi tiếng đã nói: “Một sưu tập của những danh ngôn là một kho tàng vĩ đại, để con người nhớ lại đúng lúc của mỗi câu”.
Ba thế hệ ham mê thư pháp ngày Xuân.
Ảnh: PV
|
Danh ngôn không nói dài dòng. Nó được đúc lại, ngắn gọn, rắn đanh, súc tích, và sáng lên trong một vài dòng. Nó không ra mệnh lệnh cho ai, không bắt buộc ai, không áp đặt ai, mà chỉ là những lời khuyên nhủ. Nó không có giá trị tuyệt đối, nhưng mọi người trên thế giới, xưa và nay, Đông và Tây, và có lẽ cả ngày mai nữa cũng vẫn quý trọng nó, suy ngẫm và truyền tụng nó.
Dưới những tiêu đề “Lời hay, ý đẹp”, “Sổ tay vào đời”, “Đọc và suy ngẫm”, “Những chiêm nghiệm từ cuộc đời danh nhân”, “Tìm trong túi khôn của loài người”, “Danh ngôn và cuộc sống”… chúng ta có thể đọc được hàng trăm, hàng nghìn những câu danh ngôn đầy ý nghĩa. Không chỉ trên báo, mà còn trên những cuốn sách “Danh ngôn thế giới” dày hàng ngàn trang, trên những cuốn lịch tờ, lịch bàn, lịch lốc, những câu danh ngôn được in màu đẹp đẽ đã đến với mọi người, mọi gia đình. Còn gì thú vị bằng, mỗi buổi sáng xé tờ lịch cũ, ta lại được đọc một lời hay, ý đẹp.
Không chỉ có thế, những câu danh ngôn nổi tiếng còn được khắc vào đá hoa cương trước các thư viện, các viện bảo tàng, các lăng mộ danh nhân. Ở nhiều thư viện đều thấy ghi trang trọng những câu nói: “Không có sách vở, không có tri thức”, “Học, học nữa, học mãi”. Trước cửa viện bảo tàng cười ở Bungari, người ta đã khắc một dòng chữ lớn: “Loài người sống được là nhờ có tiếng cười!”. Trước một nghĩa trang ở nước ngoài, người ta đã khắc câu nói: “Hôm nay là chúng tôi, ngày mai là các bạn!”.
Đã có những Bách khoa danh ngôn dày hàng gang tay, với hàng vạn câu. Đã có những cuốn danh ngôn in ra bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và ngay trong những cuốn sổ nhỏ của hàng ngàn học sinh, sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường kia, cũng đã được ghi chép những câu danh ngôn về tình yêu và lý tưởng, về hạnh phúc và tình bạn…
Tác giả của những danh ngôn nhiều khi không phải chỉ là những nhân vật vĩ đại, những văn hào, những nhà khoa học, những nhà tư tưởng… mà nó còn là những ngạn ngữ, châm ngôn đã được truyền lại từ nhân dân, từ trong đời sống của các dân tộc. Nó đã đi qua mồ hôi, qua nước mắt, qua những con đường gập ghềnh của đời sống, qua cả những thất bại, đắng cay, đau khổ, sướng vui… để còn lại cái lõi của triết lý nhân sinh, mà ngôn ngữ ghi lại trong vài dòng cô đọng.
Airxtốt đã nói: “Con người có trí lực ngắn thì lời nói thường rất dài!”. Còn Anatole France lại nói: “Chính trong những câu ngăn ngắn, người ta tìm thấy những tư tưởng bao la”.
*
Mùa xuân đến, trong khi chúng ta đang “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xin mời bạn hãy đọc một vài câu danh ngôn đẹp về đạo đức của loài người:
“Đạo đức làm cho con người được yêu khi sống và được nhớ khi chết” (Gra-xian - Tây Ban Nha), “Không bằng lòng về mình là dấu hiệu của nhân đức" (Plan-te - La Mã), “Trong tất cả mọi phong cách, cái đẹp nhất là sự giản dị” (Lông-phen-lô - Mỹ), “Trong đạo đức cũng như trong nghệ thuật, vấn đề không phải ở lời nói, mà là ở việc làm” (R.Rơnây - Pháp), “Tất cả mọi chiến thắng, bắt đầu từ sự chiến thắng chính bản thân mình” (Lê-ô-nốp - Nga), “Trong phần đầu của đêm, anh hay nghĩ về lỗi lầm của chính mình. Trong phần sau của đêm, anh hãy nghĩ đến lỗi lầm của kẻ khác” (Ngạn ngữ phương Đông), “Ở đâu vàng bạc chiếm tâm hồn, thì lương tâm bị đẩy ra khỏi cửa” (Ngạn ngữ Đan Mạch), “Con mắt thấy tất cả, nhưng không tự nhìn thấy nó” (Ngạn ngữ Nga), “Hãy truyền đạo đức cho con cái anh. Chỉ có đạo đức mới làm cho chúng sung sướng chứ không phải là tiền bạc” (Bét-tô-ven - Đức), “Điều gì mình không muốn thì đừng đem đến với người khác” (Khổng Tử), “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông, gần người lành thì có đức, gần kẻ nịnh hót thì a dua, gần kẻ tham lam thì trộm cướp” (Mạnh Tử), “Khi ném bùn vào người khác, tay bạn sẽ bị bẩn” (Péc-sơ - Pháp), “Khi kẻ kém đạo đức ở ngôi cao, thì dân chúng sẽ rên xiết” (Ngạn ngữ Nga), “Thà từ chối bảy lượt, chứ không được sai hứa một lần” (Ngạn ngữ Trung Quốc), “Nếu làm vua mà làm cho dân giàu, nước mạnh thì hãy làm. Còn ngôi vua ư? Ta coi ngôi vua như chiếc dép rách mà thôi!” (Trần Nhân Tông)./.
Bùi Thái Bình