Trong các quan hệ của mỗi người trong gia đình, với hàng xóm láng giềng ở khu phố hay làng, xã không ai tránh khỏi những va chạm. Xử lý các tình huống phức tạp trong các mối quan hệ, người Việt ta thường theo phương châm “Hoà vi quý” được hiểu là lấy sự hoà thuận làm trọng.
Những ngày đầu năm, dân ta càng cố gắng giữ gìn hoà thuận.
Chữ “Hoà” thì ai cũng nhớ, cũng muốn giữ để sống với nhau cho vui vẻ, không giúp được gì cho nhau thì cũng không để xảy ra căng thẳng, xung đột. Với anh chị em trong nhà thì ăn ở sao cho hoà mục. Với xóm giềng thì sống sao cho êm ấm. Có sự xung đột thì cố dàn xếp, hoà giải, phải “chín bỏ làm mười”.
Muốn thế thì phải nhường nhịn để giữ hoà hiếu. Nhưng chữ “Hoà” nào cũng có giới hạn. Không thể cúi mình để bị chèn ép, chịu nép mình dưới cường quyền của những kẻ ngạo mạn “cả vú lấp miệng em”. Hoà của người hiền, kẻ dũng, người nhân ái, muốn trong ấm ngoài êm chứ không phải là kẻ hèn cúi đầu chịu sự bắt nạt. Lịch sử dân tộc và truyền thống văn hoá dân tộc đã chứng tỏ chữ Hoà của người Việt. Đạo Nhân Nghĩa của Nguyễn Trãi là phải trừ gian, trừ bạo ngược.
Trong tổ chức, chữ Hoà cũng được người đảng viên phát huy truyền thống cha ông trong quan hệ đồng chí, đồng nghiệp. Muốn sống hoà thuận thì cần có lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng, không chấp nhặt những chuyện nhỏ, càng không “bé xé ra to”. Nhưng nét đẹp truyền thống nào trong thời kỳ mới cũng có mặt trái của nó. Phương châm sống lấy sự hoà thuận làm trọng đang bị biến dạng ở không ít nơi. Thấy đồng chí, đồng nghiệp mắc sai lầm hoặc sắp mắc vào sai lầm không góp ý, can ngăn vì sợ mất lòng nhau, nguyên tắc tự phê bình và phê bình là động lực phát triển không được tôn trọng thậm chí bị quên lãng. Nguy hiểm hơn, với cái gọi là “dĩ hoà vi quý” được vận dụng vô nguyên tắc, anh có tội, tôi “tha” cho anh để khi tôi mắc lỗi thì anh “tha” cho tôi, cùng nhau che giấu tổ chức, che giấu nhân dân để giữ cho “trong ấm ngoài êm” nhưng là sự êm ấm trong trì trệ, trong sự dung túng nhau làm sai. Thế rồi đến mức không thể chịu đựng họ góp ý với nhau lại bị hiểu là anh “moi” chuyện của tôi thì tôi cũng “moi” chuyện của anh trở thành đấu đá lung tung, cũng không phải là nguyên tắc đấu tranh phê bình mà chúng ta mong muốn.
“Hoà vi quý” nhưng không bỏ các vấn đề nguyên tắc, thực hiện tự phê bình và phê bình thì sòng phẳng nhưng có lý có tình, theo phương châm “phải trái phân minh, tình nghĩa trọn vẹn” phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, giữ được hoà khí nhưng trong sáng./.
Hữu Thọ