Chiều sâu tranh thủy mặc

11:04, 22/04/2011

Việt Nam, dòng tranh thủy mặc chưa phổ biến rộng rãi nhưng trong những năm gần đây, những bức tranh này cũng dần được đi vào công chúng trong những dịp mừng nhà mới, Tết Nguyên đán hằng năm. Vậy tranh thủy mặc là gì mà nó có sức truyền cảm sâu sắc đối với công chúng yêu nghệ thuật? Tranh thủy mặc hiểu một cách đơn giản là dùng mực (tàu) hòa với nước theo một tỷ lệ hợp lý để họa sĩ miêu tả một sự vật hoặc một hiện tượng nào đó theo chủ đề, ý tưởng của tác giả hoặc theo yêu cầu của khách trên nền giấy hoặc chất liệu thích hợp.

Khác với vẽ tranh sơn dầu, tranh thủy mặc có cách vẽ riêng, phương thức thao tác cũng có khác, đòi hỏi người vẽ phải nhịp nhàng, uyển chuyển bàn tay khi biểu hiện nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm. Khi vẽ tranh sơn dầu, họa sĩ có thể sửa chữa nhiều lần, sử dụng màu sắc để diễn tả hình khối, ánh sáng,... song tranh thủy mặc đòi hỏi người vẽ phải thuần thục thao tác trong việc lấy mực vẽ nhiều hay ít, kết hợp các ngón tay trên bàn tay để đưa cánh tay nhịp nhàng nhanh chậm, tạo ra những đường nét đậm nhạt, cấu trúc khối hình. Sự kết hợp ấy thể hiện kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện, với ý tưởng nội dung tranh của tác giả. Nói một cách khác vẽ tranh thủy mặc rất khó, đòi hỏi phải thuần thục một cách nhuần nhuyễn giữa các yếu tố vật chất như bút lông, mực, nước nền vẽ mà chủ yếu là giấy chuyên dụng, với tư duy nghệ thuật cao của họa sĩ.

 

Bức tranh với chủ đề "Trăm hoa đua nở" do 18 họa sĩ và thư pháp gia Việt Nam phóng bút.   ( Ảnh: Quang Nhật )
Bức tranh với chủ đề "Trăm hoa đua nở" do 18 họa sĩ và thư pháp gia Việt Nam phóng bút.
Ảnh : Internet

Tranh thủy mặc đã có lâu đời và phát triển mạnh ở Trung Quốc. Nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của tranh thủy mặc. Song nhìn chung là xuất phát từ công cụ viết chữ bằng lông thú và sau này gọi là bút lông, viết chữ tượng hình như là chữ Hán. Từ những cách sử dụng bút lông điêu luyện của chữ viết mà những hình tượng do cách chấm phá của chữ viết ở Trung Hoa đã làm cho tranh thủy mặc trở nên kỹ năng, kỹ xảo hơn. Vì thế có những bức tranh vẽ xong người xem cảm thấy sâu thẳm, xa xăm, pha trộn nỗi nhớ man mác. Do tiến bộ khoa học, kỹ thuật, mà nhất là ngành chế tạo hóa chất ở phương Tây, đã cho ra đời chất liệu vẽ sơn dầu nhiều màu sắc bền đẹp, tạo cho các họa sĩ phương Tây bước vào vũ đài nghệ thuật tạo hình hiện đại. Dựa vào thế mạnh của chất liệu sơn dầu, phương pháp tạo hình đa sắc màu, không gian ba chiều, cách tiếp cận lập thể đã làm cơ sở cho giới họa sĩ phương Đông có cách nhìn mới cho tranh thủy mặc. Vì thế, tranh thủy mặc mỗi ngày được sáng tạo, đổi mới, cách tân khá toàn diện về không gian, bố cục, không đơn điệu như trước nữa. Nhiều tác phẩm thủy mặc của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,... trở nên phong phú, cả về đường nét, cấu trúc cho đến màu sắc. Những bức tranh sông núi, chim, cây tùng, cây bách, cành tre, khóm trúc,... của các họa sĩ ở thế kỷ sau này khá sinh động và gây được nhiều ấn tượng đối với người xem tranh thủy mặc.

Nghiên cứu nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc của các danh họa Trung Hoa, các nhà phê bình mỹ thuật thời nay không thể không thốt lên rằng, quả thật họ là những bậc thầy đáng kinh ngạc. Những đường nét uyển chuyển mềm mại, bay bướm, đậm nhạt theo cảm xúc và ý tưởng cấu trúc nội dung của tác phẩm đã tạo nên bức tranh sống động phóng khoáng mà không có loại tranh nào sánh được. Đó chính là đặc trưng, sắc thái riêng của tranh thủy mặc. Những bức tranh nổi tiếng của Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng vẽ về động vật, cây cối, chim, muông, tôm, cá, ngựa đã làm xao xuyến lòng người không những trong nhân dân, mà cả những người trong giới mỹ thuật. Là những bậc thầy của dòng tranh thủy mặc, các danh họa ấy không những để lại cho nhân loại những kiệt tác hội họa, mà còn hướng dẫn cho học sinh sau này về phương pháp tạo hình thủy mặc, một loại tranh nổi tiếng của phương Đông. Cũng như tranh sơn dầu và các loại tranh bằng chất liệu khác, tranh thủy mặc có sức hấp dẫn thuyết phục lòng người là vì nó phản ánh hiện thực khách quan của tự nhiên và xã hội một cách sâu sắc và tinh tế. Tranh thủy mặc từ xưa đã đi vào cuộc sống và bản thân nó nổi lên những cảm xúc yêu quý thiên nhiên, phản ảnh sự vui buồn, đắng cay bất công của xã hội đương đại. Mỗi tác phẩm có tính triết lý về xã hội, thiên nhiên rất đa dạng và huyền bí, dù đó là phong cảnh bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông, đàn ngựa, đôi hạc, cây tùng, hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn,...

Ở nước ta ngày nay, tranh thủy mặc đang được nhiều họa sĩ học tập sáng tác dòng tranh này và phổ biến nhiều nhất là trong cộng đồng người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chắc chắn, cùng với tranh sơn dầu, bột màu,... tranh thủy mặc ở Việt Nam sẽ phát triển rộng rãi và có nhiều tranh đẹp phục vụ nhân dân./.

Theo: nhandan.org.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com