Bài ca không quên

06:04, 29/04/2011

"Bài ca không quên" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn ra đời năm 1981, đầu tiên được biết đến như một bài hát trong bộ phim truyện cùng tên. Và "Bài ca không quên" ngay lập tức có cuộc sống riêng.

Trong cuộc bươn trải để mưu sinh hằng ngày, chắc chắn cũng có nhiều lúc con người xao lãng quá khứ, vô tình quên những điều cần nhớ. Những lúc như thế, bên tai tôi luôn vang vọng âm điệu thống thiết của một bài ca: “Bài ca tôi không quên, tôi không quên tháng ngày vất vả. Bài ca tôi không quên tôi không quên, gót mòn hành quân hối hả...”. Ba tiếng “tôi không quên” được lặp lại khá nhiều lần trong bài, lại rơi vào âm khu cao nhất với việc ngân dài tiếng “quên” cứ xoáy vào lòng tôi như một sự đánh thức, nhắc nhở về nhân nghĩa, lẽ sống ở đời. Bắt đầu bài hát cũng bằng một câu thật ấn tượng: “Có một bài ca không bao giờ quên...” và được nhắc lại rất nhiều lần. Sự cố ý lặp lại này của nhạc sĩ chẳng những không hề nhàm mà còn khắc ghi “đóng chốt” vào tâm khảm người nghe những suy nghĩ, tình cảm sâu sắc, có sức nặng đáng kể. 

Phút giải lao trên thao trường.  Ảnh: Internet
Phút giải lao trên thao trường.
Ảnh: Internet

Đó chính là bài hát “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, một tác giả không xa lạ với công chúng yêu nhạc qua những ca khúc nổi tiếng: Qua sông, Mùa xuân từ những giếng dầu, Đường tàu mùa xuân, Khát vọng, Đất nước... Ngay từ lần vang lên đầu tiên của bài hát "Bài ca không quên", người nghe đã cảm thấy gai người bởi một ấn tượng rất mạnh, lại được thể hiện bằng giọng hát Cẩm Vân - một giọng nữ trung ấm áp, đầy đặn, sâu sắc, sang trọng. Chị đã hát với tất cả những ưu thế của một giọng hát quý hiếm, với cảm xúc chân thật, giản dị. Mỗi lần bài hát vang lên, người nghe bồi hồi chìm đắm vào những kỷ niệm oai hùng của quá khứ ít nhiều có gắn với vận mệnh của đất nước và day dứt hơn với trách nhiệm của mình.

Người lính áo vải gánh sứ mạng giải phóng quê hương và sau đó là "bảo vệ Tổ quốc" hiện ra trong bài hát vô cùng giản dị bằng lời tự sự, tâm niệm với chủ thể cảm xúc là tôi. Họ luôn tự nhủ một điều, đồng thời cũng biểu hiện lý tưởng sống cao đẹp “Bài ca tôi không quên, tôi không quên”. Không quên gì? Đó là “những tháng ngày vất vả”, là “đồng đội tôi còn ôm cây súng giữ biên cương” và “những mùa nước đổ, em chống xuồng vượt qua pháo nổ”. Những thứ họ không thể quên vừa hiện thực, vừa lãng mạn, có hy sinh, đổ máu, lại có cả tình yêu đằm thắm “chỉ một lần quen mà mang nỗi nhớ mênh mang”. Cuộc sống của họ rất đỗi bình dị. Những tâm sự, nỗi niềm của họ rất đỗi con người nhưng là những con người được sản sinh từ một dân tộc anh hùng, luôn kiêu hãnh một niềm tự tôn dân tộc để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu và đón nhận tất cả.

Bài hát có giai điệu ngọt ngào đằm thắm, tha thiết với việc tạo dựng những quãng giai điệu rất dân tộc, lại khống chế âm vực không rộng nên rất dễ hát. Tác giả vận dụng triệt để thủ pháp nhắc lại, mô phỏng cả giai điệu và tiết tấu nên đã gây ấn tượng hết sức hàm súc, cô đọng. Sự cao tay của tác giả còn thể hiện ở chỗ, bài hát được viết ở thể 3 đoạn đơn, là hình thức nếu non tay sẽ rất dễ gây cảm giác lễnh loãng, rườm rà. Song với Phạm Minh Tuấn, bài này lại vô cùng hàm súc, gọn ghẽ. Triệt để tiết kiệm chất liệu và âm hình tiết tấu để tạo nên ca khúc giàu có, phong phú xúc cảm, khiến người nghe và hát cảm thấy rất đã là đặc điểm nổi bật nhất của nghệ thuật sáng tạo ca khúc này mà không phải bất cứ nhạc sĩ nào cũng có thể làm được.

Từ một bài hát trong phim, “Bài ca không quên” đã bay ra và lan tỏa, đọng lại trong tâm hồn công chúng hơn hai chục năm qua. Nhắc đến những bài hát viết về người lính, không thể không nhắc đến bài này. Đó quả là một viên ngọc quý báu, sáng giá trong kho tàng ca khúc cách mạng Việt Nam./.

Theo: vov.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com