Dòng họ với việc giáo dục con cháu

09:03, 18/03/2011

Trong một lần trò chuyện cùng Khoa, người bạn học phổ thông, về mô hình gia đình hiện nay, tôi bất ngờ khi được nghe bạn kể một cách say sưa về truyền thống gia đình, dòng họ mình: “… Dù đã có gia đình riêng và sống ở thành phố, nhưng mỗi lần về quê, nhìn thấy dòng chữ được treo trang trọng trong nhà thờ họ “Đạo nhà có trước, phép nước có sau”, tôi cũng như các anh em khác trong gia đình đều tự răn lòng về ý thức với gia đình và dòng họ”.

Ngày học phổ thông, Khoa là một trong những bạn có hoàn cảnh khó khăn nhất của lớp. Bố là bệnh binh nặng, mẹ làm nông nghiệp nuôi 3 con ăn học. Khi Khoa thi đỗ vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cũng là lúc anh trai Khoa thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi đó anh trai Khoa đã tình nguyện ở lại nhà để đi làm kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em và trích một phần dành dụm để nuôi chí vào đại học. Thương anh, Khoa lao vào học để giành được suất học bổng cao nhất. Quanh năm Khoa chỉ có hai bộ quần áo đến trường nhưng sách vở thì không hề thiếu. Và, Khoa đã đoạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Lúc đó, cùng với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, dòng họ, anh trai Khoa tiếp tục thi đỗ vào Đại học Bách khoa, rồi người em gái út cũng thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Đến giờ, khi cả ba anh em đã có công việc ổn định, nhớ đến thời kỳ khó khăn luôn có người thân, gia đình bên cạnh, các anh lại quay về giúp đỡ, nhắc nhở những người em họ ở quê học hành và giữ tròn đạo nghĩa với gia tộc, với những người xung quanh. 

Dòng họ Đào, xã Nam Thanh (Nam Trực) trong ngày rước Bức trướng Khuyến học, Khuyến tài.
Dòng họ Đào, xã Nam Thanh (Nam Trực) trong ngày rước Bức trướng Khuyến học, Khuyến tài.

Ở thôn Nhự Nương, xã Phương Định (Trực Ninh) dòng họ Vũ Minh Đức Viễn là một dòng họ lớn có truyền thống hơn 400 năm, qua 16 đời và hiện có hơn 100 hộ, 500 nhân khẩu, làm ăn, sinh sống ở quê và khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Trong số 15 vị tiên hiền khoa cử được thờ ở Văn chỉ làng Nhự Nương, thì dòng họ Vũ Minh Đức Viễn có 12 cụ. Thời Nho học, dòng họ có nhiều người đỗ cử nhân, tú tài, thầy đồ giáo học… Kế thừa truyền thống của tổ tiên, các thế hệ con cháu trong họ nối tiếp, noi gương, chăm chỉ học hành, cần cù lao động xây dựng quê hương. Khi chi hội khuyến học của dòng họ thành lập (năm 1998), dòng họ đã tuyên truyền, vận động từ cụ già đến từng thành viên trong họ chung sức, chung lòng chăm lo cho con cháu học hành, 100% gia đình trong họ đã tự nguyện tham gia chi hội khuyến học dòng họ. Các bậc ông bà, cha mẹ đều nhận trách nhiệm với họ quan tâm, nuôi dạy, tạo điều kiện cho con cháu học tập tốt. Vì vậy, các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường, không có cháu nào bỏ học và mắc các tệ nạn xã hội. Được chăm lo, khích lệ, cùng với ý thức, trách nhiệm với gia đình, dòng họ, nhiều học sinh trong họ đã vươn lên trở thành những học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh như các em Vũ Thị Hà, Vũ Minh Thùy, Vũ Anh Dũng, Vũ Thị Thương, Vũ Thị Thúy Hà, Vũ Văn Thảo, Vũ Công Tuyên. Hơn 10 năm qua, dòng họ đã phát thưởng khuyến học, khuyến tài cho trên 500 lượt học sinh giỏi, trong đó có khoảng 40 cháu đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Dòng họ cũng kịp thời giúp đỡ những gia đình khó khăn nuôi con ăn học và động viên các em thi đỗ vào đại học, cao đẳng. Đến nay, dòng họ đã có trên 100 người thành đạt, đang công tác ở khắp mọi miền đất nước. Năm 2011, dòng họ Vũ Minh Đức Viễn phấn đấu có 100% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình hiếu học, 60% gia đình cả nhà cùng đi học và 30% gia đình có người trong độ tuổi đi học học đại học, cao đẳng. Mỗi dịp giỗ tổ, con cháu trong họ lại hội tụ, nhớ về cội nguồn, về dòng họ và tổ chức phát thưởng cho các em chăm ngoan, học giỏi.

Gia đình - dòng họ, với ý nghĩa xã hội là sự cảm nhận đầy tự hào về những phẩm chất đặc thù đang ngầm chảy trong dòng máu mỗi thành viên như một niềm tin, một lẽ sống! Nó cũng chuyên chở những giá trị văn hóa một cách lặng lẽ mà vô cùng bền chắc. Trong xã hội ngày nay, khơi dậy cũng như xây dựng ý thức dòng họ không chỉ là việc của mỗi gia đình mà còn là việc giữ vốn văn hóa mà ông cha xưa đã dày công gây dựng, để qua đó, mỗi cá nhân đều cố gắng phấn đấu trong rèn luyện, học tập và làm điều tốt đẹp./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com