Xuân Trường huy động các nguồn lực xã hội xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

07:03, 18/03/2011

Xóm 16, làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường) là vùng quê thuần nông. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi mùa vụ, năng suất lúa của xóm đạt trên 130 tạ/ha, thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xóm đã đoàn kết, hưởng ứng tích cực các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2005 đến nay, các hộ trong xóm đã tự nguyện đóng góp trên 200 triệu đồng “bê tông hóa” 3.250m đường giao thông, đóng góp hơn 20 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho các gia đình gặp khó khăn. Nhiều năm qua, nhà văn hóa xóm luôn hoạt động thường xuyên, chi bộ Đảng họp vào mùng 3 hàng tháng, các đoàn thể nhân dân như chi Hội Người cao tuổi sinh hoạt với chủ đề “Sống vui, sống khoẻ, sống hữu ích”; chi Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên sinh hoạt với chủ đề: Thanh niên phòng chống tệ nạn xã hội, CLB Mái ấm gia đình, CLB Không có người sinh con thứ 3… Thông qua các hoạt động của CLB kết hợp sinh hoạt chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được chi bộ, các đoàn thể và nhân dân địa phương cụ thể hoá bằng những phong trào, việc làm thiết thực, tạo tiền đề giúp bà con xóm 16 “xoá đói, giảm nghèo”, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở xóm 16 có nhiều khởi sắc. Các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu bị dẹp bỏ; số hộ khá, giàu chiếm trên 40%; 100% các hộ có phương tiện nghe nhìn, an ninh trật tự được giữ vững, không có tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp; công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, con em xóm 16 thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. 

Thi bơi chải trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Thi bơi chải trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Từ năm 2000 đến nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Xuân Trường được triển khai sâu rộng, được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Một trong những thành tích nổi bật nhất từ phong trào là công tác xây dựng thiết chế văn hoá thông qua công tác xã hội hoá, huy động các nguồn lực xã hội. Ban chỉ đạo phong trào của huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội nhằm tăng cường, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, đặc biệt là ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, khen thưởng. Những năm qua, nhân dân trong huyện đã đóng góp tiền, ngày công để cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng các công trình phúc lợi về y tế, giáo dục, xây dựng và đưa vào sử dụng 202 nhà văn hóa khang trang, 20 thư viện văn hóa xã, 150 câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao; tiêu biểu là các xã: Xuân Thượng, Xuân Phương, Thọ Nghiệp, Xuân Hồng, Xuân Ngọc, Xuân Tân, Xuân Kiên. Xây dựng nhà văn hoá phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng như là địa điểm hội họp của các tổ chức chính trị - xã hội và họp thôn, xóm; thông qua các buổi sinh hoạt nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao phục vụ đời sống tinh thần, vui chơi giải trí cho các tầng lớp nhân dân. Đến nay, 100% các thôn, xóm trong huyện đã xây dựng quy ước, hương ước; hàng năm, ban vận động phong trào các thôn, xóm đều tổ chức họp để sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước cho phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa. Toàn huyện có 206 làng, thôn, xóm đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, 28.500 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, 166 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư tiên tiến”. Xuân Trường cũng là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh có sáng kiến hướng dẫn chuyên đề thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hoá gắn với phong trào xây dựng Làng văn hoá. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và công tác quản lý lễ hội được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Toàn huyện có 800 từ đường, trên 100 đền, chùa, 70 nhà thờ, trong đó có 29 di tích được Nhà nước xếp hạng; có nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn như: Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng; lễ hội làng An Cư, xã Xuân Vinh. Các lễ hội được tổ chức đã chú trọng khai thác các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: bơi chải, nấu cơm thi, võ vật, cờ người, múa lân, múa rồng, tổ tôm điếm, hát chèo. Thông qua việc tổ chức lễ hội theo tinh thần xã hội hóa, huy động các tầng lớp nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công, đã góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân về ý thức trân trọng, gìn giữ và bảo vệ các tinh hoa văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quê hương. Qua đó, tình làng nghĩa xóm được củng cố, ngăn chặn các tai, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn thôn, xóm./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com