Qua 5 năm (2005-2010) thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá ở tỉnh ta đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: Văn hóa thông tin cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; thư viện, bảo tàng, điện ảnh; hoạt động quảng cáo, xuất bản, in và phát hành sách. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân trong tỉnh, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra.
Tiết mục Trống hội của Nhà hát Chèo Nam Định.
Ảnh:
Xuân Thu
|
I - Từ một chủ trương đúng
Mục tiêu Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo, cơ sở vật chất, công sức của nhân dân và các lực lượng xã hội cùng Nhà nước nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; đồng thời từng bước đổi mới cơ chế quản lý, mở rộng quyền và trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa. Xuất phát từ thực tiễn, nhiều địa phương đã kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước, ngân sách của địa phương và thực hiện phương châm “Lấy sức dân, trí dân xây dựng cơ đồ cho dân” để xây dựng các thiết chế văn hoá. Qua đó, hệ thống thiết chế nhà văn hóa (NVH) ở tỉnh ta trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở, thể hiện hiệu quả tích cực trong việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Đến nay, toàn tỉnh đã có 215/229 xã, phường, thị trấn có NVH; 1.435/3.682 thôn, xóm, tổ dân phố có NVH. NVH của xóm 2, xã Xuân Phương (Xuân Trường) là một trong những mô hình tiêu biểu về việc phát huy vai trò hệ thống các thiết chế văn hoá trong việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Đồng chí Trần Văn Chiến, Bí thư chi bộ xóm 2 cho biết: Để có được cơ ngơi NVH khang trang, hoạt động có hiệu quả như hiện nay là có sự đóng góp nhiều công sức của người dân trong xóm. Khi huyện có chủ trương khuyến khích hỗ trợ xây dựng NVH, chi bộ đã ra nghị quyết, triển khai họp, lấy ý kiến nhân dân. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, năm 2005, NVH xóm 2 đã được xây dựng trên diện tích 1.000m2, trị giá 125 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 90 triệu đồng. Nhiều năm qua, NVH xóm luôn “đỏ đèn”, được xếp lịch cả tuần, khi thì chi Hội Người cao tuổi sinh hoạt với chủ đề “Sống vui, sống khoẻ, sống hữu ích”; khi thì chi Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên sinh hoạt với chủ đề: Thanh niên phòng chống tệ nạn xã hội, CLB mái ấm gia đình, CLB không có người sinh con thứ 3… Chi bộ Đảng sinh hoạt đúng lịch mùng 3 hàng tháng, nhân dân họp 1 năm từ 3-5 lần để bàn “việc nước, việc làng”. Thông qua hoạt động của các CLB theo chuyên đề, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được chi bộ, các đoàn thể và nhân dân cụ thể hoá bằng những phong trào, việc làm thiết thực, trở thành “cú hích” quan trọng, tạo tiền đề giúp bà con xóm 2 phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn. 12 năm liền xóm 2 không có trường hợp sinh con thứ 3, không có người nghiện hút và các tai tệ nạn xã hội. Các hoạt động giải trí được nâng lên; đường dong, ngõ xóm được bê tông hoá với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. 100% số hộ trong xóm đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Xây dựng thôn, xóm không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội”. Phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT ngày càng phát triển; công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, con em xóm 2 thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Toàn xóm có 97% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Xóm 2 là một trong những xóm đầu tiên của huyện Xuân Trường đạt danh hiệu Làng văn hoá cấp tỉnh, trở thành điểm sáng trong phong trào huy động các nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hoá, phát huy hiệu quả hoạt động NVH trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Trên lĩnh vực hoạt động văn hóa cơ sở, nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong tỉnh được khôi phục, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 400 đội văn nghệ quần chúng, 1.568 CLB cùng sở thích với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Nhiều đội Chèo trong tỉnh hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự đóng góp kinh phí, mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. CLB nghệ thuật truyền thống huyện Ý Yên là một điển hình. CLB ra đời là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật Chèo, Ca trù với hơn 30 nghệ sỹ đồng quê là hạt nhân trong các đội văn nghệ quần chúng cơ sở. Bằng tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống, họ tự viết kịch bản “tự biên, tự diễn” phục vụ nhân dân địa phương trong các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và địa phương, tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng ở tỉnh ta ngày càng thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Các CLB và hội sưu tầm cổ vật cùng sự ra đời của các bảo tàng tư nhân góp phần khắc phục tình trạng “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận với các di vật, cổ vật quý giá của đất nước. Trong lĩnh vực bảo tồn bảo tàng, Bảo tàng tỉnh hiện có gần 20.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh về các lĩnh vực đời sống, xã hội của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử; trong đó có nhiều bộ sưu tập cổ vật có giá trị, vừa phong phú ở loại hình vừa đa dạng ở chất liệu. Do phát huy hiệu quả công tác xã hội hoá, hàng năm, Bảo tàng tỉnh vận động tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gìn giữ, tôn tạo các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Qua đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 4 đợt hiến tặng với 496 hiện vật của các tổ chức và cá nhân, trong đó, có nhiều bộ sưu tập cổ vật có giá trị cao như: Các hiện vật gốm thời Lý, Trần, đồ đồng thuộc nền văn hoá Đông Sơn.
Tỉnh ta hiện có 1.655 di tích, trong đó có hơn 200 di tích được Nhà nước xếp hạng và hàng trăm lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân hàng năm. Đi liền với phần lễ là phần “hội” có các trò chơi dân gian độc đáo, ngoài ý nghĩa vui chơi giải trí còn góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm. Những năm qua, việc tổ chức và quản lý lễ hội theo Quyết định 681 của UBND tỉnh đã từng bước được các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, đầu tư khôi phục như: đấu vật, chọi gà, tổ tôm điếm, cờ người, hoa trượng hội, thổi cơm thi… Tiêu biểu là lễ hội làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) mở vào ngày rằm tháng ba âm lịch với gần 20 trò chơi dân gian độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá địa phương: tam cúc điếm, thi dệt vải, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước, đua thuyền chở lương, thi bắt vịt... Nhiều địa phương trong tỉnh khi tổ chức lễ hội đã quan tâm khai thác nhiều trò chơi từ các cụ cao niên nhằm tôn vẻ đẹp, sức hút độc đáo cho lễ hội truyền thống. Cụ thể như tại lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc), các vị cao tuổi diễn tích trò “Thuyền chài đuổi bắt Tàu - Ngô” tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.
Từ một chủ trương đúng, hợp lòng dân, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã phát huy tiềm năng, trí tuệ, sự sáng tạo, công sức của nhân dân thực sự là “cú hích” trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy và phát triển các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội thời kỳ CNH-HĐH quê hương, đất nước./.