Văn hóa: Yếu tố đảm bảo phát triển bền vững

07:03, 04/03/2011

Con người là yếu tố trước nhất đưa doanh nghiệp đi đến thành công hoặc có thể là thất bại. Khi xây dựng được một chiến lược kinh doanh, mà không có người thực thi chiến lược đó thì dù chiến lược có tốt, ý tưởng có hay thì cũng khó có thể biến nó thành hiện thực. Không chỉ mộc mạc, đơn thuần là con người và ý tưởng, nhiều khi còn là trách nhiệm và ý thức cống hiến cùng một mục tiêu vun đắp lý tưởng xây ngôi nhà chung hoàn thiện hơn và giá trị hơn. Thế nhưng vấn đề đặt ra là những con người mà mình sử dụng có gắn bó keo sơn với mình vì cùng một mục đích hay không? Họ có dám chấp nhận khó khăn gian khổ, cùng vượt qua những thách thức mạo hiểm không? Có sẵn sàng cống hiến, sẵn sàng sáng tạo để hoàn thành công việc cho hiệu quả tối ưu không?

Đôi khi một bộ phận cán bộ luôn có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, sẵn sàng tìm cơ hội ở một nơi khác nếu nơi đó có điều kiện hoặc cơ hội tốt hơn! Doanh nghiệp dần trở thành nơi dừng chân cho khách qua đường hoặc nhà bảo trợ cho hàng loạt lao động “dôi dư”. Có không ít nhà quản lý doanh nghiệp than thở rằng: “kẻ thừa người thiếu”. Đó thực sự là một bài toán khó, tốn giấy mực cho những nhà quản lý về vấn đề nhân sự. Vậy làm thế nào để gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp, để người lao động bước theo chiến lược, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi thách thức để chung tay tạo dựng ngôi nhà chung?

Mỗi nhà quản lý, mỗi doanh nghiệp có cách thu nạp và giữ nhân viên của mình khác nhau (có thể là cơ chế lương, thưởng, có thể là cơ hội thăng tiến…). Họ có thể nghĩ ra nhiều cách, “mẹo” khác nhau để thu hút, níu chân người lao động trung thành gắn bó với mình và cũng có không ít trong số họ đã dùng chính môi trường văn hóa tại doanh nghiệp để giữ chân người lao động. Họ tự hào với những gì họ đã làm, tự hào khi nhắc đến đơn vị mình đã và đang làm việc và sẵn sàng cống hiến.

Một quốc gia không thể tồn tại và phát triển nếu không gìn giữ được nền văn hóa truyền thống của quốc gia mình, một gia đình sẽ không thể hòa hợp nếu không có gia phong, gia giáo và một doanh nghiệp sẽ không thể có một sự nghiệp lâu dài, bền vững nếu không có một nền văn hóa đặc thù hoặc tệ hơn, môi trường văn hóa của doanh nghiệp lại là một bầu không khí căng thẳng… VHDN không thể tách rời văn hóa của cộng đồng xã hội. “Mọi cái khác có thể bị mất đi, bị quên đi, nhưng văn hóa thì không”. VHDN là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng lên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, nó trở thành quan niệm truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, nó chi phối tình cảm hành vi của mọi thành viên trong doanh nghiệp. VHDN được xây dựng không phải ở một thời điểm nào mà nó được tích lũy ngay từ ngày đầu thành lập.

 

Phân xưởng sản xuất sợi, Nhà máy Sợi (Cty CP Dệt may Sơn Nam, KCN Hòa Xá).  Ảnh: Dương Đức
Phân xưởng sản xuất sợi, Nhà máy Sợi (Cty CP Dệt may Sơn Nam, KCN Hòa Xá).
Ảnh: Dương Đức

Mỗi doanh nghiệp đều có văn hóa riêng, giá trị văn hóa đó được đánh giá cao hay thấp, được tôn vinh hay cười chê là do doanh nghiệp đó có chú tâm đến hay không? Có vun đắp xây dựng và tô đẹp nền văn hóa đó hay không? Nói đến VHDN là nói đến cả một hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể. Giá trị vật thể doanh nghiệp có thể dễ dàng xây dựng và quy ước bắt đầu từ cái đơn giản nhất, đó là các nội quy, quy chế... Nhưng giá trị phi vật thể mới là cốt lõi, nó cần phải được xây dựng lên bởi toàn thể thành viên trong doanh nghiệp, đó là những chuẩn mực sống và làm việc, từ cách ứng xử, sinh hoạt, đối xử với nhau, bắt đầu từ mỗi cá nhân, phòng ban bộ phận và toàn doanh nghiệp. Có xây dựng được VHDN tốt chúng ta mới có được môi trường làm việc tốt, có được môi trường làm việc tốt công việc của người lao động mới thực sự có hiệu quả và càng có điều kiện đưa VHDN lên tầm cao mới.

Nhu cầu cá nhân ngày một tăng lên, càng phát triển thì nhu cầu càng cao, càng tinh túy hơn. Doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là giải quyết nhu cầu sinh lý như ăn, mặc, ở mà còn là nhu cầu được an toàn, được giao lưu, được quý trọng, được phát triển và thể hiện mình. Do vậy nếu chỉ quan tâm đến tiền lương, tiền thưởng, nếu chỉ quan tâm đến vấn đề tạo thu nhập cho họ, giữ chân họ bằng giá trị hiện vật thì họ cũng chỉ giải quyết được một góc cạnh của cuộc sống. Có nhiều người có tiền thực sự họ cũng chẳng biết làm gì ngoài việc tiêu pha vô kế hoạch, nhiều người làm ra đồng tiền dễ dãi nhưng không biết quý trọng đồng tiền, thậm chí còn đối xử với nhau vì tiền, nếu chỉ như vậy văn hóa thực sự đang bị bôi nhọ. Giá trị của con người đang dần bị hạ thấp, dẫn đến kết cục là họ sẵn sàng đánh đổi mọi thứ bằng giá trị của đồng tiền. Tâm lý trong con người họ cực kỳ bất ổn. Nếu doanh nghiệp khó khăn, họ sẵn sàng dời bỏ để đi tìm cơ hội ở một doanh nghiệp khác, họ sẽ chẳng gắn bó, chẳng cùng chung tay xây dựng cơ đồ cho ngôi nhà chung. Ở đây, vấn đề là kiến thức xã hội, họ có thể rất quan tâm tới bản thân, bạn bè, gia đình thậm chí những vấn đề lớn của quốc gia, thế giới nhưng lại thờ ơ hoặc không biết cách thể hiện sự quan tâm tới sự sống còn, tồn tại hay không tồn tại, hiệu quả hay lãng phí của cái cộng đồng mà họ gắn bó suốt 8 tiếng quý giá nhất của một ngày.

Gắn bó giữa những người lao động bằng VHDN đặc trưng của doanh nghiệp mình, đó là xây dựng một phong cách sống vì tập thể, vì cộng đồng, tạo nên niềm tin, niềm vui và sức sáng tạo, với phương châm tôn trọng con người, xây dựng một tập thể tôn trọng lẫn nhau, sống vì mọi người, vui là niềm vui chung, buồn là nỗi buồn chia sẻ, người lao động sẽ nghĩ rằng mình đang được sống trong ngôi nhà của mình, được thấy sự yên tâm, tin tưởng, được thấy mình đang làm việc cho chính mình, được thấy sự đóng góp công sức của mình là niềm vui và hạnh phúc. Một môi trường sống như vậy có lẽ không còn ai nghĩ đến việc rời xa và nhận thức được rằng đồng tiền không phải là tất cả, xung quanh ta còn nhiều cái tốt đẹp hơn, đáng quý hơn.

Ngày nay nền kinh tế phát triển, nhu cầu về ăn, mặc, ở không còn là vấn đề cấp thiết nữa, nhu cầu của con người chẳng bao giờ dừng lại, họ cần được yên tâm làm việc, cần sự yên ổn. Một số người muốn được giao lưu, cần sự tôn trọng, tôn vinh. Một số lại mong muốn được học hỏi, được thăng tiến, được khẳng định mình thì VHDN lại càng cần đòi hỏi sự tinh túy, đa dạng và đẳng cấp, không chỉ là sự gò bó quanh 4 bức tường, bên bàn làm việc đủ 8 tiếng mà là cả một không gian rộng mở. Có khi ngồi quán café cũng là giải quyết công việc, ngồi bàn nhậu cũng có thể đem lại hiệu quả, dù ở trong nước hay đi nước ngoài, dù đi chơi hay bàn thảo cũng là công việc.

Làm thế nào để người lao động gắn bó yên tâm công tác, toàn tâm vì công việc chung? Chúng ta không thể bắt họ, yêu cầu họ thực thi công việc khi trong đầu họ không nghĩ đến cái chung, khi họ đang ở trạng thái tâm lý căng thẳng và ức chế. Nếu cứ bắt buộc thì chúng ta sẽ chỉ nhận được một kết quả khó tin cậy hoặc thậm chí có thể là một kết quả không mong muốn. Có được VHDN, mọi người sẽ luôn được biết, được hiểu thông tin về chiến lược của doanh nghiệp, về sứ mệnh của đơn vị, họ biết họ đang là mấu chốt nào trong chuỗi mắt xích đó, họ cảm thấy tự hào về công việc mà họ đang làm, đang được giao, có như thế người lao động sẽ phát huy tính chủ động sáng tạo, sẵn sàng làm việc vì ngôi nhà chung. Trong họ sẽ hình thành lên một tinh thần tập thể, hoạt động có trách nhiệm vì một tập thể chung dù đó chỉ đơn giản là buổi hội thảo hay dã ngoại. Đi đâu, ngồi ở đâu trong họ cũng hướng về cái chung đó, họ sẽ là người xây dựng và bảo vệ uy tín, thương hiệu cho chính đơn vị mình và lại chính là người tạo lên VHDN, làm cho nó ngày càng trở lên hoàn thiện và sinh động hơn.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của VHDN, thiết nghĩ xây dựng và phát triển VHDN cần phải đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp. VHDN vừa phải có tính truyền thống, tính kế thừa vừa biết khơi dậy sự sáng tạo của từng cá nhân, tạo niềm vui, động lực trong lao động sản xuất, tôn trọng con người. Nếu làm được như thế chắc chắn doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững, lâu dài và là nơi “đất lành cò đậu”./.

Theo: vinacomin.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com