Nhân “Ngày tiếng mẹ đẻ thế giới”, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã phát động chiến dịch bảo vệ ngôn ngữ mẹ đẻ nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sự đa dạng văn hoá ngôn ngữ và giáo dục đa ngôn ngữ. UNESCO nhắc nhở đây là thời điểm để mọi người trên thế giới thông qua việc sử dụng công nghệ mới như mạng xã hội Twitter và Facebook, để thúc đẩy đa dạng của ngôn ngữ và nhận ra tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ bởi theo LHQ một nửa trong số 6.000 ngôn ngữ của loài người hiện đang gặp nguy hiểm.
Brother A Tuấn Anh, Akira Phan, Takej Minh Huy Noo Phước Thịnh, thậm chí Chan Than San, Wanbo hay Baby J là người Việt 100%, nhưng nghe tên gọi người ta cứ tưởng ở nơi nào xa lắm. Chính vì vậy việc Wanbi Tuấn Anh được gọi rõ là Nguyễn Tuấn Anh, Nathan Lee thành Trúc Lân (tên thật) trong đêm trao giải “Album Vàng” khiến khán giả ít nhiều ngạc nhiên và từ đó một câu hỏi được đặt ra. Có nên cấm nghệ danh tiếng nước ngoài?
Lâu nay, đã có không ít những phản ánh, ý kiến trái chiều của khán giả về việc nghệ sỹ ta chuộng tên nước ngoài, hoặc thích gây sốc bằng những nghệ danh nửa Tây, nửa ta… Chuyện chẳng có gì đáng ầm ĩ (bởi nghệ danh thuộc về quyền của mỗi cá nhân), nếu những nghệ danh mà ca sĩ chọn đặt cho mình khi đọc lên nghe hợp lý, thuận tai và không vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam thì có thể… chấp nhận được. Việc nghệ sĩ lấy nghệ danh Tây - Việt xuất phát từ xu thế hội nhập của dòng chảy văn hoá. Tuy nhiên, phản ánh, lên án là một chuyện, còn nghệ sĩ có tiếp thu, rút kinh nghiệm hay không lại là chuyện khác bởi hiện chưa có một văn bản luật nào cấm cả (!?).
Người càng nổi tiếng thì lại dễ bị dư luận “soi”. Thông tin Uyên Linh đòi cát-sê cao chưa nguôi thì lại đến tin chị hát nhép trong chính cuộc thi, chuyện nữ diễn viên mới nổi N. từng làm “gái vũ trường”, người mẫu L. bị “đánh ghen” trên phố đều do sự đố kỵ giữa các fan mà ra. Chính những hành vi khích bác thiếu kiềm chế và thiếu văn hoá đã vô tình đẩy các ngôi sao vào những tình huống khó xử và đôi lúc họ bị biến thành “con tin” giữa những cuộc “ném đá chữ nghĩa” ầm ĩ trên mạng. Nên chăng cần có một cái nhìn cảm thông mang thái độ tích cực sẽ tốt hơn giữa những người hâm mộ và thần tượng để có một nền showbiz lành mạnh, nhằm mang lại những giá trị tinh thần thuần tuý cho mọi người thưởng thức?
Và để đỡ nhức đầu bởi những cái tên nửa Tây, nửa Việt kệch cỡm, nhức đầu vì những cuộc “ném đá chữ nghĩa” trong làng giải trí nhạc nhẽo bình dân chúng ta nên vào rạp thưởng thức một siêu phẩm điện ảnh do hai tên tuổi lừng danh: đạo diễn Verbinski - người “ai cũng biết” với loạt phim Cướp biển Caribean, và minh tinh màn bạc Johnny Depp. Bộ phim này có tiêu đề là Rango (là một chú tắc kè hoa bị sổng khỏi khu bảo tồn). Phim là một hình ảnh mới của việc duy trì “tiếng mẹ đẻ” đặc sản của điện ảnh Hollywood; điện ảnh miền Viễn Tây hoang dã. Rango là một chú tắc kè hoa nhỏ bé vốn đang yên vị với kiếp sống thú cảnh, ngắm nhìn thế giới trôi qua phía ngoài lồng kính của một khu bảo tồn thì bỗng nhiên bị lạc trong sa mạc Mojave và cuối cùng tới thị trấn Dirt, điểm cuối của miền tây hoang dã, một thị trấn đầy sỏi đá như chính cái tên của nó. Rango hy vọng chú có thể hoà nhập vào đây, giữa những cư dân gồm thị trưởng rùa cạn, tên rắn chuông bội bạc, băng hội cẩu chuyên cướp nhà băng, những quái vật Gila đeo súng và nàng thằn lằn cái. Khi Rango bị buộc trở thành cảnh sát trưởng mới của thị trấn, chú biết mình đang ngồi trên một đống rắc rối bởi những người tốt khó… sống thọ tại Dirt. Nhưng Rango lại sẵn sàng đánh liều một phen; sống để trở thành một anh hùng…
Theo: Quân đội nhân dân