Tiếng Việt của người Việt

07:03, 18/03/2011

Ngay sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chính phủ nước ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào, trong đó có “Bình dân học vụ”, để đồng bào ta ai cũng được học tiếng Việt, biết chữ quốc ngữ. Ngoài ra Bác kính yêu còn căn dặn, nhắc nhở những người làm báo, tuyên truyền là: “Các chú phải viết cho đồng bào ta hiểu, nói cho đồng bào ta nghe”.

Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, những nhà ngôn ngữ học của ta đã tìm cách chuyển nhiều từ tiếng Pháp sang tiếng Việt cho dân ta dễ đọc, dễ hiểu, thí dụ như: “Gác đờ bu” là chắn bùn, “pê đan” là bàn đạp, “ten nít” là quần vợt...

Phải rèn tiếng Việt từ học sinh bậc tiểu học. Ảnh: pv
Phải rèn tiếng Việt từ học sinh bậc tiểu học.
Ảnh: Internet

Ngày nay, đất nước ta độc lập, nhân dân ta được sống trong hoà bình, tự do, con em ta được học hành đầy đủ và đã hội nhập với thế giới. Khi chúng ta là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều người phải học ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh. Học để hiểu biết, để giao lưu và nắm bắt được nền khoa học kỹ thuật của thế giới là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên không phải học ngoại ngữ để dùng nó lấn át tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ của chúng ta, thậm chí nhiều người còn dùng ngoại ngữ bừa bãi, thiếu hẳn đi lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Thực trạng này đã và vẫn đang xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc kể cả những cơ quan tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương. Nói ra thì nhiều, nhiều lắm, chỉ xin đưa ra vài thí dụ rất cụ thể:

Ở nước ngoài người ta đọc là gì không biết nhưng về ta gọi “Lễ hội hoá trang”, “Lễ hội Cà chua”... dễ nghe quá, dễ hiểu quá. Vậy mà lúc đầu ta có “Lễ hội Sắc hoa Đà Lạt” sao lại đổi thành Festival Hoa Đà Lạt, rồi nữa Festival Lúa gạo... Sao không dùng lễ hội (khi có nghi lễ) hoặc hội hay hội chợ để cho người Việt dễ hiểu. Nếu cái đà này không có ai đứng ra chỉ đạo về “giữ gìn tiếng mẹ đẻ” sẽ có lúc gọi bừa bãi các lễ hội lớn, tôn nghiêm của dân tộc thành “Festival chọi trâu Đồ Sơn” hoặc “Festival Đền Hùng”... Dân ta có thừa tự trọng, nhưng một số người sính ngoại cứ thích “ôkê”, “thanh kiu”, “bái bai” để con trẻ chúng ta quên đi những từ vô cùng lễ phép và dễ thương như “Vâng!”, như “Cảm ơn ông ạ!” và “con chào bố, con chào mẹ, thưa ông, thưa bà cháu đi học về”...

Đáng nói nhất là những phát thanh viên, bình luận viên của các cơ quan truyền hình. Là người Việt và cơ quan 100% Việt như Tập đoàn Điện lực Việt Nam viết tắt là EVN, sao lại đọc là I vi en. Tập đoàn Bưu chính viễn thông viết tắt là VNPT sao lại đọc Vi en pi ti. Còn nữa, nhiều khi phát thanh viên đọc “Ngân hàng Ai xi bi” hoặc “A xi át mười sáu” nghe sao khó chịu vì nửa tây nửa ta. Thêm nữa giải bóng đá của Anh, tiếng Anh là “Premiership” đã dịch cho dân ta là: Giải bóng đá ngoại hạng Anh. Sao giải bóng đá của ta lại: “Tên nhà tài trợ + Vilíc”. Dùng “giải bóng đá ngoại hạng Việt Nam” do công ty X tài trợ có hay hơn không? Nói đến bóng đá là nhớ đến thể thao, những vấn đề này, bình luận viên đã làm cho người xem, nghe rất khó chịu. Đã có từ “phạt đền” sao lại hét toáng lên “pê nan ty”. Vẫn dùng giải “quần vợt Úc mở rộng”, “quần vợt Mỹ mở rộng” sao phải “Ốt xây lia a âu pần”, “U ét âu pần”... Mai này bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ... không biết sẽ gọi thế nào cho sành điệu đây? “Nói cho đồng bào ta nghe” là phải nói bằng tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ như nói về quần vợt: đánh trái tay, đánh phải (hoặc thuận) tay, quả kết thúc chứ đừng “bác hen, pho hen, mách poi”... thì mới gọi là bình luận bằng tiếng Việt. Vì người Việt có tiếng của người Việt và lòng tự tôn dân tộc, ngoài ra chỉ có rất ít người biết ngoại ngữ.

Đừng lấn át tiếng Việt, đừng bóp méo tiếng mẹ đẻ. Hãy thực hiện lời dạy của Bác lúc sinh thời: “Viết cho đồng bào ta hiểu, nói cho đồng bào ta nghe”. Chúng ta phải giữ gìn để tiếng Việt mãi mãi là của người Việt./.

Trần Quang Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com