Hằng năm, ngoài những ngày tết lớn của dân tộc là Tết Nguyên đán, Thượng nguyên, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Táo quân, nhân dân 3 thôn: Thượng, Tâm, Tiền (xã Liên Minh, Vụ Bản) còn đón thêm một tết nữa trong năm mà nhân dân thường gọi là Tết Lùng Cùng (hay Tết Bánh khúc) vào ngày mùng 1 tháng 2 âm lịch.
Sau Tết Nguyên đán và Tết Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), nhân dân 3 thôn: Thượng, Tâm, Tiền lại háo hức chuẩn bị cho Tết Lùng Cùng. Tết Lùng Cùng có một đặc sản không thể thiếu là bánh khúc. Các cụ cao niên từ bao đời nay vẫn truyền nhau câu chuyện về sự tích Tết Lùng Cùng. Ngày xưa, làng sinh ra một vị tướng tài giỏi, cả cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ bờ cõi. Năm ấy, vì phải lo đánh đuổi giặc ngoại bang, giữ cho nhân dân ăn Tết Nguyên đán bình yên, ông và binh lính của mình không kịp về vui tết cùng gia đình. Đầu tháng 2 (âm lịch) năm đó, đội quân do ông làm thủ lĩnh đã giành chiến thắng. Ông quyết định tổ chức ăn tết lại cho quân lính của mình. Vì rau khúc gắn bó với ông từ khi lớn lên ở làng quê này, trong chiến tranh, nhiều khi binh sỹ của ông phải lấy rau khúc làm quân lương phụ ăn để đánh giặc... Ông đã nghĩ ra cách giã rau khúc và trộn với gạo nếp làm thành chiếc bánh khúc để tế cáo trời đất, sau đó phát cho quân sĩ và nhân dân nơi đây. Tết Lùng Cùng xuất phát từ đó. Trải qua hàng trăm năm, Tết Lùng Cùng còn có nhiều tên gọi Tết Bánh khúc, Tết Vỗ bồ. Song người dân bản địa thường gọi là Lùng Cùng. Cụ Nguyễn Kim Đa, 87 tuổi ở thôn Thượng nói với chúng tôi: Gọi là “Lùng Cùng”? bởi chính vì cuộc sống bần cùng của người dân thuần nông, cái ăn hồi đó còn thiếu thốn, nhưng bất cứ là ai trong ba thôn kể trên cũng không quên làm bánh khúc truyền thống vào dịp tết mùng 1 tháng 2 âm lịch, nhất định phải duy trì thêm một tết của riêng mình để nhớ ơn tổ tiên...
Về ba làng Thượng, Tâm, Tiền vào những ngày giáp Tết Lùng Cùng thấy nhà nào cũng đang chuẩn bị cho nồi bánh khúc. Ngày 30 tháng giêng, khi chuẩn bị mọi thứ đã tươm tất, không khí chẳng khác nào không khí bên nồi bánh chưng xanh đêm 30 Tết Nguyên đán. Cách làm bánh khúc đơn giản, nhưng cái khó là tạo được hương vị riêng của quê hương. Các bậc cao niên ở đây luôn nhắc nhở con cháu làm bánh khúc của Tết Lùng Cùng sao cho tất cả các sản phẩm của quê hương phải có trong vị bánh khúc. Để làm được điều đó, rau khúc phải giã nhỏ cho đến khi dẻo quẹo, có thể vắt thành khối rồi đem trộn đều với bột gạo đã xay sanh sánh như nước. Gạo quê phải chọn loại gạo tẻ ngon, dẻo đem ngâm với nước nóng trong thời gian khoảng tám tiếng thì cho vào cối xay với nước. Dùng một chiếc thúng bên dưới có lót tro bếp và rơm, đặt tấm vải sạch lên trên rồi đổ bột nước gạo vừa xay xong để lọc. Khi đã lọc xong bột, cho rau khúc đã giã nhuyễn vào trộn thật đều. Cứ 1kg gạo cho khoảng 3 lạng rau khúc.
Hai thứ rau, gạo nhào kỹ đến lúc khô cầm trên tay thì nặn hình gì cũng được. Đó là thứ vỏ ngoài để bọc nhân bánh. Nhân bánh thường là thịt lợn nạc và mỡ gáy thái nhỏ trộn gia vị đem xào cho chín tới. Bánh gói bằng lá chuối đem luộc hoặc hấp, khi nào chín kỹ vớt ra để khô là được. Sau này nhiều gia đình chỉ dùng nguyên liệu rau khúc bọc nhân bánh rồi cho vào nồi đồ xôi cùng gạo nếp ngâm. Gạo chín đều bám chặt vào các viên rau khúc là có thể đưa bánh ra ngoài để ăn.
Bánh luộc xong có màu xanh lấm tấm của rau khúc, rất mịn, khi ăn mới cảm nhận được hết vị ngon của bánh: vừa dẻo dẻo, vừa bùi bùi của đậu xanh, ngậy ngậy của thịt và đặc biệt là mùi thơm rất lạ, đặc trưng của rau khúc không thể so sánh với bất kỳ mùi vị gì.
Đến hẹn lại lên, cứ sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, nhân dân 3 thôn Thượng, Tâm, Tiền của xã Liên Minh nhà nào cũng có lễ bánh khúc để dâng lên tổ tiên, sau đó thăm hỏi nhau, mời nhau bánh khúc. Con cháu trong thôn dù đi làm ăn xa nơi đâu nhưng đến ngày này lại tụ hội về đây ăn tết và cùng sum vầy nghe các cụ cao niên kể lại những chiến công lừng lẫy của các vị tướng năm xưa… Khói từ nồi bánh khúc nghi ngút bốc lên như tấm lòng thơm thảo của lớp hậu thế thoảng vào đất trời linh thiêng, mùa xuân ấm áp./.