Nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

06:03, 11/03/2011

Tại Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) vừa tổ chức tại Hà Nội, tỉnh ta có 9 tập thể, cá nhân được tuyên dương, trong đó, xóm 8 xã Hải Bắc (Hải Hậu) được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 8 tập thể, cá nhân được Bộ VH-TT và DL tặng Bằng khen là: Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); khu Rạng Đông, xã Nam Thanh (Nam Trực); thôn Lũ Phong, xã Yên Ninh (Ý Yên); Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vụ Bản; Trường THPT Giao Thủy, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy); Cty cổ phần vật liệu xây dựng Xuân Châu (Xuân Trường); ông Lê Vũ Đạo, phường Vị Xuyên (TP Nam Định); ông Trương Văn Dần, xã Trực Nội (Trực Ninh). Đây là những điển hình tiên tiến trong phong trào TDĐKXDĐSVH, có sức lan tỏa trong toàn xã hội.

Những điển hình tiên tiến

Về xóm 8, xã Hải Bắc (Hải Hậu), chúng tôi rất ấn tượng trước sự khởi sắc của miền quê trong công cuộc đổi mới. Năm 1998, xóm 8, xã Hải Bắc là một trong 5 xóm, thôn đầu tiên của huyện Hải Hậu được UBND tỉnh công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”. Trong nhịp sống mới, truyền thống yêu nước, cách mạng và những nét đẹp văn hoá của đất và người miền quê biển luôn được các thế hệ gìn giữ và phát huy. Từ nhiều năm nay, xóm 8 không còn hộ đói, số hộ khá, giàu đạt hơn 60%; 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn, sử dụng nước sạch, đường dong, xóm được bê tông hoá. So với các địa phương khác, tốc độ phát triển kinh tế của xóm 8 chưa mạnh, song lại có nhiều lợi thế về ngành nghề. Từ việc khôi phục nghề truyền thống như vê đay, dệt chiếu, thêu ren xuất khẩu, nhiều gia đình trong xóm từ diện nghèo đã vươn lên khá giả, tiêu biểu như gia đình các ông: Trần Văn Chiến, Đỗ Văn Bằng, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Du, Trần Văn Chính… Kinh tế phát triển, các hộ tích cực tham gia các phong trào thi đua, công tác xã hội. 100% số hộ trong xóm đăng ký thực hiện phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, “Xây dựng thôn, xóm không có tội phạm, không có ma tuý, không có tệ nạn xã hội”. Phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT ngày càng phát triển; công tác khuyến học, khuyến tài được đẩy mạnh, con em xóm 8 thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.

Trong quá trình triển khai phong trào, tuy mỗi địa phương có cách làm sáng tạo riêng, nhưng đều hướng tới sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Thôn Lũ Phong, xã Yên Ninh (Ý Yên) xây dựng đời sống văn hoá từ hướng khôi phục nghề mộc truyền thống. Toàn thôn có 210/275 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, mộc dân dụng; thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ phát triển nghề mộc truyền thống, mở mang ngành nghề mới, nhiều gia đình từ diện nghèo đã vươn lên khá giả như các gia đình anh Ninh Duy Hậu, Dương Xuân Phượng, Nguyễn Công Dũng, Ninh Công Trinh…, đưa tỷ lệ hộ nghèo của thôn còn dưới 5,3%. Thành tích trong phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá ở Lũ Phong phải kể đến vai trò quan trọng của chi bộ Đảng với hơn 90 đảng viên luôn phát huy vai trò “Nói cho dân hiểu, làm cho dân theo”, góp phần tăng cường sức mạnh của chi bộ trong việc lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các vấn đề quan trọng của địa phương đều được cấp uỷ - chi bộ thảo luận, bàn bạc dân chủ, thống nhất, sau đó đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Chính vì thế đã tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với dân, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong nhân dân cùng nhau chung sức xây dựng quê hương. Các hoạt động đoàn thể, tổ chức chính trị như Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Người cao tuổi diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung sinh hoạt thiết thực, vận động các gia đình hội viên thực hiện các mô hình: Gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc, không có con em mắc các tai, tệ nạn xã hội, không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế… Bên cạnh đó, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bằng nguồn vốn xã hội hoá, người dân Lũ Phong đã đóng góp kinh phí, ngày công, khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT, trong đó, xây dựng nhà văn hoá trị giá 470 triệu đồng, xây dựng nhà trẻ hơn 500 triệu đồng, bê tông hoá 3km đường dong với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Thông qua hoạt động của các CLB, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao của thôn phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Xã Nghĩa Hoà, nay là thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) triển khai xây dựng mô hình “xã văn hoá” từ năm 2000. Ban chỉ đạo phong trào của thị trấn đã xây dựng các đề án phù hợp với điều kiện của địa phương như: đề án trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, phát triển CN-TTCN, dịch vụ thương mại, đề án phát triển xã hội hoá văn hoá, TDTT, xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Gia đình văn hoá, là tiền đề cơ bản để triển khai xây dựng làng văn hoá, tiến tới xây dựng mô hình “xã văn hoá”. Ban chỉ đạo phong trào phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể vận động và gắn nội dung của từng đề án vào các buổi sinh hoạt CLB; đặc biệt là triển khai đề án phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển đa ngành nghề như: Vận tải, hàng hóa dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp… Ở thị trấn hiện có 50 đầu xe vận chuyển hành khách, 56 hộ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, 186 hộ kinh doanh dịch vụ. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 10%; năng suất lúa đạt 130 tạ/ha; giá trị canh tác đạt 65 triệu đồng/ha/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, trong đó, CN-TTCN, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 65%, nông nghiệp 35%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 13 triệu đồng/người/năm; số hộ khá giàu chiếm gần 60%. 100% các tuyến đường liên thôn được trải nhựa, các dong ngõ được bê tông hoá, chợ Quỹ Nhất được xây dựng mới, nâng cấp bến xe khách, bến đò phà, kè đá 2,4km bờ Thạch Giang, xây dựng trạm xử lý rác thải rộng 1,5ha… với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đến nay, 9/9 khu dân phố đạt danh hiệu khu phố văn hoá; có 1.681 số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 98%; 3/3 trạm y tế, trường học đạt danh hiệu Nếp sống văn hoá cấp tỉnh và đạt chuẩn quốc gia; 100% khu dân phố xây dựng Nhà văn hoá với các trang thiết bị hiện đại.

 

Các cá nhân, tập thể của tỉnh được tuyên dương tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến 10 năm thực hiện phong trào
Các cá nhân, tập thể của tỉnh được tuyên dương tại Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến 10 năm thực hiện phong trào

Sức lan tỏa từ phong trào
Qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban Chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở luôn tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; giữ vững an ninh chính trị, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng thiết chế văn hóa, TDTT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các tai, tệ nạn xã hội; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân vừa hưởng thụ, vừa tham gia sáng tạo các giá trị văn hoá mới. Mỗi địa phương có cách làm riêng, nhưng đều đạt mục tiêu là huy động được sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; xây dựng Làng văn hóa, Khu dân cư tiên tiến, Khu phố văn hóa gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị và bản sắc văn hoá truyền thống địa phương; xây dựng gia đình văn hoá đi đôi với các phong trào “Xây dựng thôn, xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, vận động toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các tai tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 1.583 xóm, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu Làng văn hóa, Khu phố văn hóa; 398.500 Gia đình văn hóa; 1.782 cơ quan, trường học đạt danh hiệu Nếp sống văn hóa; 27,5% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; có 179 NVH xã, phường, thị trấn, 1.568 NVH làng, thôn, xóm; 2.580 CLB tập luyện TDTT. Kết quả qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH ở tỉnh ta đã tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân, khơi dậy và phát huy tính tích cực sáng tạo của xã hội góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, thực hiện tốt công tác xã hội hóa. Trong đó, các phong trào xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa, Khu dân cư tiên tiến, đơn vị, cơ quan có Nếp sống văn hóa ngày càng đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động. Qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tai tệ nạn xã hội… góp phần củng cố hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương.

Để nâng cao chất lượng phong trào “TDĐKXDĐSVH” trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về mục tiêu, hiệu quả của toàn phong trào. Nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ thường xuyên, thống nhất và hiệu quả của các ngành, đoàn thể thành viên trong Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH từ tỉnh đến cơ sở. Đa dạng hóa nội dung, phương thức tập hợp quần chúng phù hợp với tính chất, đặc điểm ở các khu vực, vùng miền. Tăng cường nguồn lực phát triển phong trào, huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia xây dựng làng văn hoá. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tiên tiến trong phong trào xây dựng làng văn hoá, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng làng văn hoá, khắc phục tình trạng chạy theo số lượng, thành tích, kiên quyết không công nhận lại các làng văn hoá không đạt tiêu chuẩn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong việc lồng ghép thực hiện các nội dung tiêu chí chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng phong trào. Khơi dậy, phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình đăng ký và phấn đấu xây dựng gia đình văn hoá; ý thức và trách nhiệm tự quản cộng đồng của các tầng lớp nhân dân ở khu dân cư, phấn đấu giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá”./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com