Lễ hội đầu năm: Có còn là văn hóa?

07:03, 04/03/2011

Dịp đầu xuân, trên cả nước ta có hàng trăm lễ hội được tổ chức. Nhờ đó, nhiều nét văn hóa của dân tộc tưởng chừng thất lạc được tìm lại. Nhưng khi lễ hội được tổ chức quá nhiều, quá tốn kém thì tất nhiên những giá trị văn hóa, tâm linh sẽ bị nhạt dần.

Đến hẹn lại lên, các lễ hội được tấp nập tổ chức mỗi dịp đầu năm. Càng ngày các lễ hội được tổ chức nhiều hơn, lớn hơn. Có nhiều lễ hội được tổ chức liên tục trong một thời gian dài, cũng có những lễ hội đã bị lãng quên do nhiều yếu tố thì nay được tổ chức lại. Sự gia tăng không ngừng về số lượng và quy mô của các lễ hội trong thời gian gần đây phần nào đã phản ánh được sự phong phú và đa dạng của văn hóa Việt Nam.

 

Sắm lễ trước Phủ Mẫu, Khu Di tích Phủ Dầy (Vụ Bản).  Ảnh: Xuân Thu
Sắm lễ trước Phủ Mẫu, Khu Di tích Phủ Dầy (Vụ Bản).
Ảnh: Xuân Thu

Thông qua các lễ hội mà nhiều phong tục, tập quán, nhiều nét văn hóa của dân tộc tưởng chừng đã bị thất lạc thì nay được tái hiện lại một cách sinh động, có cơ hội được phục hồi và lưu truyền cho những thế hệ mai sau. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp, những mặt tích cực thì công tác tổ chức và thái độ của những người tham gia lễ hội đang có những biểu hiện rất đáng chê trách, thậm chí đi ngược lại truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Điều đầu tiên cần nói tới là dường như đã có sự ganh đua, phô trương không cần thiết. Nhiều lễ hội từ trước đến nay có ít người biết đến thì nay được tổ chức hoành tráng và tất nhiên là rất tốn kém.

Tâm lý chạy theo những cái “nhất” như độc đáo nhất, to nhất, thậm chí tai tiếng nhất... miễn sao là tạo được tiếng vang, càng thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận càng tốt... đang rất thịnh hành. Trong khi giá trị đích thực của các lễ hội là những yếu tố văn hóa lại ít được quan tâm. Khi lễ hội được tổ chức quá nhiều, quá tốn kém thì tất nhiên những giá trị văn hóa, giá trị tâm linh sẽ bị nhạt dần. Lễ hội vô tình sẽ là nơi của những toan tính tầm thường. Nhiều lễ hội còn tổ chức bán vé thu tiền, thậm chí những dịch vụ ăn theo với mục đích thu lợi mọc lên như nấm. Nạn chèo kéo khách, sự mặc cả giá trị tâm linh sẽ tất yếu diễn ra. Khi đó nơi tôn nghiêm sẽ trở thành những cái “chợ” bát nháo, không hơn không kém.

Nhìn chung tại các lễ hội đang diễn ra, bất cứ đâu cũng là nơi để con người trút cơn thịnh nộ vào thiên nhiên, vào môi trường. Giấy vàng bạc, đồ hàng mã đốt một cách khá hào phóng, tạo nên cảnh khói hương nghi ngút đến ngạt thở. Thậm chí tiền lẻ (tiền thật) cũng được người ta xem như rác. Một điểm nữa cũng đáng suy ngẫm là những nét văn hóa cúng bái đang dần biến tướng. Nếu như trước đây người ta cúng bái, đốt vàng mã với một lượng vừa phải, mang tính tượng trưng thì ngày nay có cả một ngành công nghiệp sản xuất vàng mã ra đời mới đủ đáp ứng "nhu cầu". Chỉ riêng việc đốt vàng mã, nhiều chuyên gia đã ước tính tiêu tốn của xã hội hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

Rõ ràng việc tổ chức lễ hội và gìn giữ những nét đặc sắc văn hóa của một quốc gia là việc nên làm. Đó không những là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với mai sau mà còn là sự thành kính tri ân những bậc tiền nhân. Một dân tộc giàu văn hóa cũng là cơ sở vững chắc để dân tộc ấy phát triển và trường tồn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra thực sự có còn là văn hóa nữa hay không thực sự là một câu hỏi lớn cần được làm rõ. Đây không chỉ là mối quan tâm của riêng gì những nhà văn hóa, nhà quản lý văn hóa mà đã thực sự là vấn đề của toàn xã hội./.

Theo: sgtt.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com