Kinh nghiệm của Hải Hậu trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

07:03, 25/03/2011

Huy động toàn dân tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở

Một trong những bài học kinh nghiệm để Hải Hậu hơn 30 năm giữ vững danh hiệu điển hình văn hóa huyện toàn quốc chính là các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân Hải Hậu giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những nét tinh hoa văn hoá, sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới trong thời hội nhập và phát triển, đồng thời luôn chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, mọi người, mọi ngành cùng tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và hưởng thụ những thành quả văn hóa do chính mình sáng tạo nên. Nét mới trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Hải Hậu trong những năm qua là cách làm sáng tạo khi các ngành, đoàn thể đã lồng ghép các nội dung tiêu chí thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa. Cụ thể như: phong trào “Gia đình nông dân văn hóa” của Hội Nông dân, phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không” do Ủy ban MTTQ phát động, phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm” của Công an, phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội Phụ nữ, phong trào “Xây dựng làng văn hóa sức khỏe” của ngành Y tế. Trong 10 năm qua, toàn huyện có 8.936 người tốt, việc tốt được các cấp khen thưởng; có 17 xóm, 72 gia đình được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết “20 năm phong trào xây dựng làng văn hóa”, “10 năm phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Trung ương và tỉnh. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình có đóng góp không nhỏ trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có sức lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần động viên, cổ vũ phong trào. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Đức Cương, và con trai là anh Nguyễn Văn Nam, xã Hải Anh - người tiên phong trong hoạt động xã hội hóa phát triển mô hình tủ sách, phòng đọc thư viện tư nhân với hơn 1 vạn cuốn sách và luôn mở rộng cửa phục vụ các tầng lớp nhân dân trong xã. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần vào việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Hải Hậu, phải kể tới công lao và tâm huyết các thế hệ diễn viên, nhạc công ở khắp các thôn, xóm. Đội chèo xã Hải Châu (Hải Hậu) với nhiều vở “tự biên, tự diễn” có nội dung sâu sắc, được đông đảo nhân dân trong vùng yêu thích. Người “giữ lửa” cho nhịp chèo Hải Châu là ông Đinh Thạch Biên với hơn 30 năm làm đội trưởng. Năm 1976, xuất ngũ trở về địa phương, ông Biên được giao phụ trách đài truyền thanh của xã, kiêm đội trưởng đội văn nghệ. Niềm say mê với nghệ thuật chèo là động lực khiến ông tận tuỵ tập hợp anh em nhạc công, tìm kiếm và truyền nghề cho diễn viên trẻ. Vừa chỉ huy dàn nhạc, ông Biên còn sáng tác gần 30 vở chèo ngắn, hoạt cảnh phản ánh những vấn đề hiện thực trong đời sống, trong đó xây dựng thành công những gương sáng, nhân tố mới trên các mảng đề tài, lĩnh vực: thương binh, liệt sỹ; chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, phong trào xây dựng nếp sống văn hoá mới, công tác DS-KHHGĐ…

Hải Hậu hiện có hơn 850 tổ, tốp, đội văn nghệ thuộc 35 xã, thị trấn, 525 xóm, thôn, làng và ở hàng trăm cơ quan, xí nghiệp; mỗi tổ, đội gồm từ 15 đến 30 hạt nhân văn nghệ, được trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, trang phục và nhạc cụ. Phong trào văn hoá, văn nghệ ở Hải Hậu phát triển đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật, có chiều sâu và diện rộng. Có những xã chuyên về nghệ thuật chèo như: Hải Châu, Hải Anh, Hải Tây, Hải Toàn, Hải Phúc, Hải Quang. Các đội văn nghệ mạnh về kịch nói, sân khấu kịch ngắn phải kể đến Hải Phú, Hải Long, Hải Cường, Hải Bắc, thị trấn Yên Định. Về ca múa nhạc tổng hợp có nhiều đội mạnh như: Thị trấn Thịnh Long, Thị trấn Cồn, xã Hải Hưng, Hải Thanh, Hải Lộc, Hải Hà, Hải Phương. Trong đó, có nhiều cá nhân là hạt nhân văn nghệ có khả năng tập hợp, tổ chức, phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, vừa sáng tác kịch bản, đạo diễn và biểu diễn như các bác: Hoàng Cần (Hải Phú), Thạch Biên (Hải Châu), Đăng Hoà (Hải Cường), Thanh Hứa (Thị trấn Cồn), Phạm Uy (Hải Trung)… Góp phần làm nên chất lượng của phong trào là các thế hệ diễn viên, nhạc công ở khắp các thôn, xóm. Đây là những “Giọng hát hay, tay đàn giỏi” từng nhiều lần đạt giải cao tại các hội thi, hội diễn nghệ thuật cấp tỉnh và khu vực như: Anh Hồng, Thu Hương, Huy Công, Thanh Nga, Thế Tài. Không chỉ là quê hương của nghệ thuật chèo, Hải Hậu còn có thế mạnh về nhạc cụ kèn đồng với trên 100 đội kèn, mỗi đội gồm 35 đến 40 nhạc công. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo, từ chỗ chuyên phục vụ các nghi lễ tôn giáo, những năm gần đây, các đội kèn đưa vào tập luyện và thể hiện thành công nhiều ca khúc cách mạng, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm, vào ngày hội văn hoá cách mạng 2-9, hội thi kèn đồng được tổ chức là một trong những hoạt động văn hoá tiêu biểu, độc đáo, thu hút đông đảo du khách. Hiện nay, phương thức hoạt động của các tốp đội văn nghệ hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự đóng góp kinh phí. Với lòng say mê nghệ thuật, đội ngũ diễn viên, nhạc công không chuyên hoạt động ở nhiều loại hình nghệ thuật, văn nghệ quần chúng ở Hải Hậu góp phần nâng cao đời sống và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hoá, văn nghệ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. 

Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu năm 2010.
Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu năm 2010.

Hướng đi đúng, cách làm sáng tạo

Hơn 30 năm qua, Hải Hậu liên tục giữ vững danh hiệu lá cờ đầu về sự nghiệp văn hóa. Thực hiện công cuộc đổi mới CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, Hải Hậu luôn quan tâm, chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng xã hội hoá các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Phó Bí thư Huyện ủy Hải Hậu cho biết: Triển khai các quy định, tiêu chuẩn theo Quyết định 681 của UBND tỉnh về việc cưới, việc tang, lễ hội, xây dựng làng, thôn xóm văn hoá, gia đình văn hoá, cơ quan trường học văn hóa, ban chỉ đạo của huyện đã phân công giao nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các xã, thị trấn; thường xuyên bám sát cơ sở, chăm lo kiện toàn, hướng dẫn, đôn đốc, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo cơ sở; xây dựng các nội dung chương trình phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng để chỉ đạo triển khai, tạo ra sự đồng bộ trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của huyện và hệ thống mạng lưới truyền thanh các xã, thị trấn, tổ chức sinh hoạt các CLB. Hàng năm vào dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), các địa phương trong huyện tiến hành bình xét công khai, dân chủ và tổ chức trao giấy chứng nhận cho các gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; thường xuyên quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời các gia đình văn hóa tiêu biểu. Đến nay, toàn huyện có hơn 60.300 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá; 220 Làng văn hóa; 447 Khu dân cư tiên tiến; 96 trường học, 33 trạm y tế, 49 cơ quan đạt tiêu chuẩn Nếp sống văn hóa. Tiêu biểu trong phong trào là các xã: Hải Sơn, Hải Phương, Hải Tân, Hải Thanh, Thị trấn Cồn, Hải Nam, Hải Hà, Hải Bắc, Hải Phú. Kết quả của phong trào xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hoá đã góp phần tích cực gìn giữ mối đoàn kết cộng đồng dân cư, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, thực hiện xoá đói, giảm nghèo, chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, ổn định an ninh trật tự nông thôn, tạo nguồn lực sức mạnh tổng hợp trong công cuộc phát triển quê hương thời kỳ hội nhập, đổi mới. Tốc độ phát triển kinh tế của huyện những năm gần đây tăng bình quân đạt 10%/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,42%, không còn hộ đói; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng.

Quán triệt chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội nhằm tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, TDTT ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng thiết chế nhà văn hóa. Đến nay, toàn huyện đã có 488 nhà văn hóa thôn, xóm với quy mô từ 250 đến 500 ghế ngồi. Chỉ tính riêng năm 2010, có 38 nhà văn hóa được xây dựng và đưa vào sử dụng từ nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp với hơn 12,5 tỷ đồng. Các nhà văn hóa được xây dựng khang trang, mỗi nhà văn hóa xóm đều có sân cầu lông, bóng chuyền phục vụ nhân dân tham gia các hoạt động TDTT. Toàn huyện có 120 câu lạc bộ thể dục thể thao; số người tham gia tập luyện thể dục thể thao đạt trên 25%. Phong trào xây dựng nhà văn hoá nói riêng và các phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá nói chung, Hải Hậu không chạy theo thành tích mang tính phong trào, hình thức, mà yếu tố chất lượng được người dân coi trọng. Mục tiêu xây dựng nhà văn hoá là gắn với các hoạt động như là địa điểm hội họp của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư; thông qua các buổi sinh hoạt nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể thao phục vụ đời sống tinh thần, vui chơi giải trí cho các tầng lớp nhân dân.

Với tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, quân và dân Hải Hậu sẽ vững tiến trong sự nghiệp CNH-HĐH, phát triển quê hương, xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hoá của vùng biển sáng anh hùng./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com