Lễ hội Phủ Dầy được Nhà nước công nhận là một trong 5 lễ hội lớn của quốc gia. Từ năm 1994 đến nay, sau 3 năm mở hội thử nghiệm và 16 năm mở hội chính thức, Lễ hội Phủ Dầy đã thu hút đông đảo du khách về du xuân, lễ Mẫu, chơi hội với số lượng khoảng 1,5 triệu lượt khách/năm. Trong công tác tổ chức, Lễ hội Phủ Dầy theo tục thờ Mẫu được phục hồi, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và theo đúng quy chế mở hội của Bộ VH-TT và DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Do đặc thù là một quần thể di tích gồm 19 đền, chùa, lăng, phủ trải khắp gần 10km2, từ năm 1994 đến nay, công tác quản lý di tích và lễ hội chủ yếu thông qua hệ thống thủ nhang. Mỗi di tích có một thủ nhang (là người sở tại) được giao nhiệm vụ trông coi, bảo quản nguyên trạng di tích; là người trực tiếp nhận các nguồn công đức và các nguồn thu khác từ di tích có trách nhiệm đóng góp một phần vào ngân sách địa phương để xây dựng các công trình phúc lợi, tổ chức lễ hội, phần còn lại để trùng tu, tôn tạo di tích, bổ sung các thiết chế văn hoá của di tích sau khi được phép của các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, thủ nhang là người trực tiếp tổ chức đón và tạo điều kiện cho khách thập phương về tham quan di tích, thực hiện các khoá lễ theo tuần tiết cổ truyền trong khuôn viên di tích; là người có trách nhiệm huy động các lực lượng tham gia các chương trình lễ hội theo sự phân công của ban tổ chức. Theo thống kê, trong 16 năm qua, từ nguồn công đức của khách thập phương, các thủ nhang đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 18 di tích với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhìn chung, các thủ nhang sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích trùng tu, tôn tạo di tích, góp phần tạo cho quần thể di tích Phủ Dầy ngày càng hoàn thiện so với nguyên mẫu kiến trúc cổ.
Tiết mục biểu diễn của Nhà hát Chèo Nam Định trong ngày khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2010. |
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, trong công tác quản lý, tổ chức di tích và Lễ hội Phủ Dầy còn bộc lộ một số hạn chế. Một số nơi tu sửa di tích còn tuỳ tiện, nhất là công trình phụ trợ, trong nội tự đặt quá nhiều hòm công đức, trong khuôn viên thì bày bán hàng hoá, dịch vụ lộn xộn làm mất cảnh quan không gian di tích và lễ hội. Nạn hành khất và hoạt động cờ bạc, trộm cắp, bói toán vẫn chưa khắc phục được. Việc khai thác và quản lý các nguồn thu từ di tích và lễ hội chưa tương xứng với tiềm năng. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quản lý Nhà nước về di tích, chưa phân rõ chức năng và quyền hạn cụ thể giữa “cấp” và “ngành”, từ đó chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong quản lý và khai thác, phát huy giá trị quần thể di tích và Lễ hội Phủ Dầy.
Để chuẩn bị cho Lễ hội Phủ Dầy năm nay, Ban tổ chức đã thành lập 6 tiểu ban và đặt ra các yêu cầu: Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để du khách về dự lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn giá trị di sản quần thể di tích và nét độc đáo của Lễ hội Phủ Dầy - trung tâm thờ Mẫu lớn nhất của cả nước.
Lễ hội Phủ Dầy năm 2011 được tổ chức từ mồng 3 đến mồng 8 tháng 3 âm lịch (tức ngày 5 đến 10-4-2011). Trong chương trình kịch bản lễ hội, bên cạnh hoạt động lễ tế truyền thống như rước Thỉnh kinh, lễ rước Nước, lễ rước Đuốc, thì trong phần hội, có nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, các trò chơi thể thao dân tộc độc đáo như: thi hát Chầu văn, Ca trù, hát xẩm, thi cờ người, thi đấu vật, thi múa rồng, múa sư tử; Phủ Tiên Hương kéo bộ chữ “Quốc thái dân an”, Phủ Vân Cát kéo bộ chữ “Thiên hạ thái bình”. Dự kiến, số lượng du khách về dự lễ hội đông hơn mọi năm. Chỉ tính từ hội chợ Viềng Xuân Tân Mão đến đầu tháng 3 có khoảng hơn 1,5 triệu lượt khách trong nước, quốc tế về tham quan, lễ Mẫu. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, các bến bãi trông gửi phương tiện ô tô, xe máy được Nhà nước đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về dự lễ hội. Bên cạnh đó, Phủ Tiên Hương đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đón tiếp và tạo điều kiện cho khách thập phương về tham quan, nghiên cứu di tích, lễ Mẫu; tổ chức các khoá lễ, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao truyền thống trong khuôn viên di tích. Để đảm bảo an ninh trật tự, nhà đền đã ký hợp đồng với 30 vệ sỹ, làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự tại khu vực phủ, bố trí lực lượng làm công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường; chuẩn bị các bình cứu hoả phục vụ công tác phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, nhà đền còn trang bị, sắm mới 2.500 bộ trang phục, 1.500 bó đuốc, 1.000 chiếc đèn lồng, hệ thống điện thắp sáng dài 7km; Phủ Vân Cát là một trong 3 di tích của quần thể di tích Phủ Dầy được Bộ VH-TT và DL cấp bằng công nhận “Di tích lịch sử - văn hoá” cấp quốc gia năm 1975. Chuẩn bị cho Lễ hội Phủ Dầy 2011, theo sự chỉ đạo của ban tổ chức lễ hội, nhà đền đã triển khai các kế hoạch bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan văn hoá, an ninh trật tự. Khu vực nội tự được trang trí cờ Tổ quốc, đèn màu, cờ phướn và các băng zôn tuyên truyền, cổ động; tiến hành phun thuốc phòng ngừa bệnh dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là những yếu tố quan trọng để Lễ hội Phủ Dầy 2011 sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh của các tầng lớp nhân dân, tạo ấn tượng tốt đối với khách thập phương về dự hội./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc