Chuyện ghi ở "làng nghệ sỹ"

07:03, 04/03/2011

Lễ hội Rối nước truyền thống làng Bàn Thạch (còn gọi là làng Rạch) xã Hồng Quang (Nam Trực) cứ 5 năm mở một lần vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhằm tưởng nhớ vị tổ nghề là Thành hoàng làng Linh ứng Đại vương - người sáng lập ra nghệ thuật múa rối nước. Tổ chức hội làng để tôn vinh “Hội nghề”- đó là nét đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc của Lễ hội Rối nước truyền thống làng Bàn Thạch. Một truyền thống được nâng niu, tiếp nối là “chìa khoá” đem lại cho đất và người Bàn Thạch sức sống mới hôm nay.

Làng văn hóa -Làng "nghệ sỹ"

Khách thập phương đến thăm và dự Lễ hội Rối nước truyền thống làng Bàn Thạch, chứng kiến nét độc đáo từ những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, được “mục sở thị” các nghệ sỹ trong làng biểu diễn các tiết mục múa rối nước, tiếp xúc với nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây sẽ có được những cảm xúc, ấn tượng riêng cho mình. Bàn Thạch là vùng đất cổ, giàu trầm tích di sản văn hoá. Trong nhịp sống mới hôm nay, đất và người Bàn Thạch luôn năng động, phát triển làng nghề truyền thống, đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Những ngày diễn ra lễ hội, là dịp để người dân trong làng đoàn tụ, sum họp cùng nhau chia sẻ niềm vui. Gia đình ông Phan Văn Lương dù đang sinh sống và công tác tại Hà Nội, nhưng cứ vào dịp tôn vinh Đức Thánh Tổ nghề, gia đình ông cùng tề tựu về nơi quê cha, đất tổ, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ, tri ân công đức các bậc hiền nhân, giáo dục và động viên con cháu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Anh Phạm Văn Mạnh, trưởng ban tổ chức lễ hội làng Bàn Thạch dẫn chúng tôi đến thăm đền thờ Thành hoàng làng Linh ứng Đại vương. Hỏi chuyện một bé trai, 10 tuổi về lịch sử quê hương, về nghệ thuật rối nước cổ truyền của quê hương, em kể tường tận, mạch lạc. Thấy tôi ngạc nhiên, anh Mạnh giải thích: “… Con trẻ ở đất này được giáo dục thông tỏ về cội nguồn từ khi cắp sách đến trường. “Một thỏi vàng không bằng nang chữ”. Đó là truyền thống cao đẹp trong nếp sống, nếp nghĩ của đất và người Bàn Thạch luôn trọng nghĩa, trọng đức được tiếp nối qua bao đời nay”. Qua câu chuyện với anh Mạnh, được biết, làng Bàn Thạch là một trong 3 làng múa rối nước ra đời sớm nhất miền Bắc. Bàn Thạch trước đây là một trong 4 thôn của xã Cổ Chử, tổng Đỗ Xá, hiện vẫn còn đậm đặc hệ thống quần thể đền, chùa, tứ phủ và 14 ngôi từ đường. Không ai biết chính xác nghệ thuật múa rối nước ở Bàn Thạch xuất hiện từ khi nào, nhưng loại hình nghệ thuật này chính thức trở thành phường rối nước Nam Chấn vào khoảng năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755) do nghệ nhân Mai Văn Kha đứng ra tổ chức. Gắn liền với văn hóa nông nghiệp lúa nước, những người nông dân nơi đây đã sáng tạo ra những con trò ngộ nghĩnh mang đầy tính sáng tạo và tâm hồn đồng quê. Đồng hành cùng thời gian, người Bàn Thạch góp tiền, góp của bỏ công để tạc quân, chế máy và thả hồn mình để điều khiển con trò theo những tích diễn mang giá trị nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Thế rồi, nghệ thuật rối nước Bàn Thạch đã vượt qua khỏi lũy tre làng, có mặt trên mọi miền đất nước và quốc tế, được nhân dân yêu thích, trân trọng, tạo nên một sản phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo của quê hương và dân tộc. Nghệ nhân Phan Văn Ngải, 80 tuổi, với trên 60 năm tuổi “nghề”, là người thành lập đoàn nghệ thuật muá rối tư nhân đầu tiên của cả nước mang tên Sông Ngọc. Sinh ra trong một gia đình có 7 đời hành nghề múa rối nước, ông Ngải cũng là người có công mang rối nước Bàn Thạch “giới thiệu” với bạn bè thế giới. Trải nghiệm rồi chiêm nghiệm, nghệ nhân Phan Văn Ngải tâm sự: “Mỗi làng nghề là một di sản văn hóa độc đáo của dân tộc. Hiện nay, so với nghề đúc đồng, nghề gốm, nghề mộc, nghề trồng hoa, cây cảnh, múa rối nước chưa thể mang đến cho người dân Bàn Thạch cuộc sống sung túc, nhưng sự “giàu có” của người Bàn Thạch chính là sự nâng niu, trân trọng vẻ đẹp tinh túy của nghệ thuật rối nước; các nghệ sỹ đồng quê luôn đau đáu tấm lòng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông”.

Nếp sống văn hoá và truyền thống văn hiến cũng là cái “gốc” để Bàn Thạch trở thành “điểm sáng” trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp. Năm 2000, Bàn Thạch là một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Nam Trực được công nhân danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh. Không chỉ với du khách, mà cả đối với những ai đi xa lâu ngày có dịp trở lại thăm quê sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự “thay da đổi thịt” của quê hương. Bàn Thạch hôm nay được tách làm 3 xóm với dân số hơn 2.400 khẩu và gần 480 hộ. 70% gia đình khá, giàu, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá được quy hoạch, xây dựng khang trang, đồng bộ tạo điều kiện cho người dân nâng cao tri thức và đời sống văn hoá, tinh thần, tạo nên hiệu quả thiết thực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

 

Nghệ nhân Phan Văn Ngải, xã Hồng Quang (Nam Trực) lắp ghép các con rối trước giờ biểu diễn.
Nghệ nhân Phan Văn Ngải, xã Hồng Quang (Nam Trực) lắp ghép các con rối trước giờ biểu diễn.

Bảo tồn rối nước Bàn Thạch

Anh Phan Thanh Liêm, nghệ nhân rối nước của làng, là tác giả của chú Tễu đang trưng bày tại Bảo tàng Louver (Pháp) cho biết: nét độc đáo của quân rối Bàn Thạch là được làm từ gỗ sung và sơn ta, dễ điều khiển dưới nước. Để làm một quân rối hoàn chỉnh phải trải qua 8 công đoạn: tạo mẫu, sấy, hom, mài, sơn lót, sơn cầm, thếp bạc, phủ màu. Mỗi bước sơn cách nhau 5 ngày. Cuối cùng là gọt rũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật. Thông thường, quân rối nước gồm 2 phần: phần thân nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi, đồng thời là nơi lắp máy điều khiển. Tùy từng tính cách nhân vật, mỗi quân rối được tạc với những đường nét cách điệu riêng. Trước đây với sân khấu lớn, người nghệ sỹ phải ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để điều khiển con rối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Giờ đây, với sự cách điệu về sân khấu và thiết kế con rối, người nghệ sỹ có thể ngồi trên sàn và một lúc điều khiển đến 5 con rối.

Trong nghệ thuật múa rối nước, Bàn Thạch cũng là phường rối có nhiều tích trò, với hơn 40 trò cổ. Các tích trò của phường rối nước Bàn Thạch phản ánh sinh động về cuộc sống, có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, cổ vũ truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu như: Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên - Mông, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu, múa sư tử. Trước Cách mạng Tháng Tám, phường rối làng Rạch từng đi biểu diễn ở nhiều nơi với các tiết mục thiên về những điển tích Trung Quốc, và các trò mang yếu tố tâm linh như: Tiền Hán, Hậu Hán, Tây Du, Tây Bá đi săn, Hàn Tín điếu ngư, vua Thuấn, rước kiệu, tế thần, và một số tiết mục giải trí như múa Tễu, hề chăm, hề lười, bật cờ, cáo leo cây bắt gà… Có thời gian hoạt động của làng rối tưởng như ngừng hẳn. Nhưng sức sống của rối nước vẫn tiềm ẩn trong mỗi người dân làng Rạch để rồi hòa bình lập lại, phường rối được khôi phục và ngày càng có nhiều cải tiến, nâng cao. Thời gian này, phường cử người đi gặp gỡ, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đoàn rối nước ở Trung ương và các địa phương khác, xây dựng thêm nhiều tiết mục về lịch sử. Trong “hành trang” tiết mục của phường có thêm Lê Lợi khởi nghĩa, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Trưng Trắc - Trưng Nhị, Rước chân dung Hồ Chủ tịch, Bộ đội chào cờ; và các trò: cưỡi cá dâng hoa, xay thóc giã gạo, vợ chồng ông lão câu cá, bát tiên, tứ linh, múa lân, chọi trâu…Với sự nhạy bén và sáng tạo, phường rối làng Bàn Thạch luôn đổi mới tiết mục phục vụ nhiệm vụ chính trị, tùy theo từng giai đoạn như: “Đánh Pháp công đồn”, “Bình dân học vụ”, “Bắn máy bay địch”, “Mở hội xuống đồng”…

Bàn Thạch cũng là địa phương có công “giới thiệu” nghệ thuật rối nước độc đáo của dân tộc ra thế giới. Năm 1984, cùng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp của Nhà hát múa rối Trung ương và làng rối Nguyên Xá (Thái Bình), các nghệ nhân làng Bàn Thạch được mời sang Pháp biểu diễn. Chuyến đi ấy, đoàn có 12 người, trong đó làng rối Nguyên Xá 4 diễn viên chỉ góp một tiết mục “cáo bắt vịt”. Còn lại 5 người của làng Bàn Thạch và 3 người do làng  truyền nghề tham gia 13 tiết mục. Những tiết mục của đoàn biểu diễn đã làm cho công chúng thủ đô ánh sáng phải xôn xao, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. “Đốt pháo mở cờ” là một trong những tiết mục đặc sắc, với sự bố trí và điều khiển tài tình của những đôi tay vàng: chú Tễu mặt tròn, bụng phệ, vẻ mặt tươi cười xuất hiện, tay cầm nắm hương châm ngòi pháo một cách chính xác. Trong tiếng pháo nổ giòn giã cùng tiếng chiêng, tiếng trống dồn dập, một loạt cờ hội từ dưới nước bật lên vẫn hoàn toàn khô ráo, bay phần phật trước gió. Tiết mục múa “tứ linh” miêu tả cảnh long, ly, quy, phượng diễu võ giương oai xông vào hỗn chiến, rồng phun lửa đỏ rực, kỳ lân vờn xung quanh, phượng xòe cánh mổ vào mai rùa, rùa trụ 4 chân phòng ngự gan góc. Tiết mục “đánh cá” mô phỏng một sinh hoạt đời thường của nhà nông Việt Nam. Trên nền nhạc theo điệu lưu thủy, cò lả, cảnh những con cá bơi lội tung tăng, nhảy vót lên thuyền, rồi người đi đánh cá với nơm, vó bè, vó tay, tất cả đều sinh động, tươi tắn như cuộc sống thực… Chuyến đi ấy kéo dài hàng tháng trên đất Pháp, báo chí Paris ngợi ca rối nước Việt Nam kỳ diệu. Đối với bà con Việt kiều, đoàn rối nước đã thực sự đưa họ trở về với hồn quê. Sau những đêm diễn sôi động ở kinh thành Paris hoa lệ, đoàn đi biểu diễn ở 4 tỉnh khác của Pháp, rồi sang Ý biểu diễn. Đoàn đi đến đâu, rạp hát ở đó cũng chật ních khán giả và được chào đón nồng nhiệt.

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước ở Bàn Thạch được quan tâm, đội ngũ diễn viên thường xuyên được tập huấn nâng cao trình độ; tranh thủ khai thác những bí quyết, kỹ thuật nhà nghề, những trò độc đáo từ các nghệ nhân để xây dựng thêm nhiều tiết mục mới. Cuối năm 2002, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức 14 lớp đào tạo diễn viên rối nước trẻ cho 14 phường rối, trong đó có đoàn rối làng Bàn Thạch. Các nghệ nhân cao tuổi trực tiếp hướng dẫn, truyền nghề và trau dồi lý thuyết cơ bản cho học viên trẻ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc trong đời sống hiện nay./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

(Ghi chép)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com