Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt

09:02, 11/02/2011

Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt ra đời từ lâu với niềm tin về sự bất tử của linh hồn sau khi con người đã chết và tin rằng sau khi chết, linh hồn vẫn về thăm nom, phù hộ cho con cháu. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, ngày Tết, hay ngày giỗ tổ, con cháu trong gia đình cũng đã thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tưởng nhớ những người thân đã khuất. Từ lâu, thờ cúng tổ tiên ông bà đã trở thành một phong tục, là chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc làm người, đồng thời là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Theo phong tục, bàn thờ gia tiên được đặt tại gian nhà chính. Nếu nhà giàu có thì đồ thờ phụng được sơn son thiếp vàng. Còn gia cảnh túng bấn thì cũng chỉ cần vài cây đèn nến sơn son, một bình hương và đồ thờ tự được coi là những vật linh thiêng. Con trai trưởng là người có trách nhiệm tổ chức. Nếu con trai trưởng không còn thì việc cúng giỗ sẽ do cháu đích tôn tổ chức (chỉ khi nào trưởng nam không may tuyệt tự, không có con trai nối dõi thì mới đến con thứ). Đến ngày giỗ, ông bà, cha mẹ tất cả con cháu tề tựu ở nhà người con trưởng và mang đồ lễ. Trước ngày giỗ, trưởng nam làm lễ cáo với Thổ công để xin phép với Thổ công cho hương hồn người đã khuất được về phối hưởng bởi vì người ta cho rằng "đất có Thổ công, sông có Hà bá", chỉ khi có phép của Thổ công hương hồn người đã khuất mới vào được trong nhà.

Người Việt Nam coi việc thờ phụng tổ tiên là một trong những nguyên tắc đạo đức làm người. Đó là hình thức thể hiện sự hiếu thuận và lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành.

Hương Tú (biên soạn)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com