Trẩy hội mùa Xuân

08:02, 11/02/2011

Là vùng quê giàu truyền thống văn hiến, vào dịp mùa Xuân tỉnh ta có hàng chục lễ hội được tổ chức. Trên nền tảng văn hóa tâm linh, lễ hội mùa Xuân được tổ chức và quản lý theo Luật Di sản Văn hóa trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp.

 

Chợ Viềng Xuân Vụ Bản 2011.  Ảnh: Xuân Thu
Chợ Viềng Xuân Vụ Bản 2011.
Ảnh: Xuân Thu

Lễ hội  Xuân - Nét đẹp văn hóa dân tộc

Chợ Viềng xuân năm họp một phiên với những sắc thái văn hoá độc đáo là “địa chỉ” du xuân của nhân dân vùng đất Nam Sơn Hạ, nay đã thu hút đông đảo nhân dân từ vùng cao Tây Bắc đến đất Mũi Cà Mau về chơi chợ trong dịp Tết cổ truyền. Tỉnh ta có hai chợ Viềng Xuân là chợ Viềng Vụ Bản và chợ Viềng Nam Giang (Nam Trực). Trong tâm thức dân gian, chợ Viềng là chợ cầu may. Phiên chợ Viềng trước kia chỉ mở hội vào mùng tám, nhưng vài năm lại đây, từ chiều mùng bảy đến hết ngày mùng tám tháng Giêng âm lịch. Các sản phẩm được đem ra mua bán tại đây chủ yếu là cây cảnh, các nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm đúc đồng, mỹ nghệ, mây tre đan và cả đồ cổ… Người bán ai cũng muốn bán được sản phẩm và khách chơi chợ, ai cũng muốn mua một thứ gì đó. Với những người làng nghề trồng hoa cây cảnh, bán được sản phẩm trong ngày đầu năm, thì cả năm gia đình sẽ “Tấn tài, tấn lộc”, cây trồng sẽ được bội thu. Bởi lẽ ấy, người bán không nói thách, người mua không mặc cả, nếu “băn khoăn” về giá cả sẽ mất đi ý nghĩa linh thiêng. Có thể nói, ngoài đặc sản “Thịt bò thui”, thì phiên chợ Viềng Xuân ngày nay thực sự trở thành một ngày hội giao lưu của các sản phẩm hàng hoá. Bên cạnh những giá trị kinh tế, chợ Viềng Xuân là nét đẹp văn hoá đầy giá trị nhân văn về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân nông nghiệp.

Tại tỉnh ta, có nhiều lễ hội mùa Xuân được tổ chức với quy mô lớn như Lễ Khai ấn Đền Trần (TP Nam Định), lễ hội Phủ Dày (Vụ Bản), lễ hội chùa Lương (Hải Hậu), lễ hội Hoa làng Vị Khê (Nam Trực), lễ hội làng An Khê (Xuân Trường). Lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta không chỉ “bề thế” về quy mô mà còn đa dạng về phương thức tổ chức, trong đó có nhiều lễ hội gắn với di sản làng nghề tự bao đời nay. Lễ hội nghề đúc truyền thống làng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) cứ 3 năm mở một lần (ngày 12 tháng hai âm lịch) nhằm tưởng nhớ các vị tổ nghề và các bậc danh nhân có công khai ấp, lập thôn, động viên các thế hệ con cháu giữ vững và phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Tham dự lễ hội làng nghề Tống Xá, du khách được “mục sở thị” những hoạt động tế, rước đuốc trang nghiêm trong phần lễ và được thưởng thức những tiết mục văn hoá văn nghệ, những trò chơi dân gian như: hát Chèo, diễn Quan họ, tổ tôm điếm, cờ người, thi bắt vịt dưới hồ, võ vật. Lễ hội được tổ chức theo nếp sống mới vừa trang trọng, văn minh, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, không có tệ nạn bói toán, mê tín, cờ bạc. Trong các ngày diễn ra lễ hội cũng là dịp để con cháu trong gia đình xum họp sau những ngày lao động vất vả, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống; từ đó, nhân dân trong làng đều tham gia đóng góp kinh phí, vật chất và ngày công theo phương thức xã hội hoá trong việc tổ chức lễ hội. Nhiều người con quê hương đang sinh sống và làm ăn tại phương xa không có điều kiện về tham dự cũng gửi một phần công đức, nén nhang dâng lên đền làng tỏ đạo hiếu nghĩa, tri ân với Đức Thánh Tổ. Nếp sống văn hoá và truyền thống văn hiến của đất và người Tống Xá được kết tinh từ sự nâng niu, trân trọng của mỗi cá nhân đối với từng giá trị nhỏ bé, giản đơn trong cuộc sống do chính bàn tay, công sức của cha ông gây dựng bền vững; coi trọng và phát huy văn hoá truyền thống, có kế thừa và tiếp thu có chọn lọc những nét tinh hoa văn hoá để sáng tạo nên những nét văn hoá mới trong thời kỳ phát triển và hội nhập. 

 

Rước trong lễ hội làng Nhuộng xã Yên Trung (Ý Yên).
Rước trong lễ hội làng Nhuộng xã Yên Trung (Ý Yên).
Ảnh: Việt Thắng

Tổ chức và quản lý lễ hội mùa Xuân theo Luật Di sản Văn hóa
Những năm qua, công tác tổ chức và quản lý các lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta đã thực hiện nghiêm túc theo Luật Di sản Văn hóa, trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế. Tiêu biểu như Lễ hội Phủ Dày được Nhà nước công nhận là một trong 5 lễ hội lớn của quốc gia theo Quyết định 39/QĐ-BVHTT. Từ năm 1994 đến nay, qua 15 năm được tổ chức Lễ hội Phủ Dày đã thu hút đông đảo du khách về du xuân, lễ Mẫu, với số lượng khoảng 1 triệu lượt khách/năm. Nội dung và hình thức trong Lễ hội Phủ Dày theo tục thờ Mẫu được phục hồi, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hoá truyền thống, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương theo đúng quy chế mở hội của Bộ VH-TT-DL và Quyết định 681 của UBND tỉnh. Để bảo vệ quần thể di tích theo tín ngưỡng thờ Mẫu và phục hồi lễ hội truyền thống lớn vào bậc nhất nước ta như hiện nay đó là sự nỗ lực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành của TW, của tỉnh và huyện. Do đặc thù là một quần thể di tích gồm 19 đền, chùa, lăng, phủ trải khắp gần 10km2, từ năm 1994 đến nay, thực hiện mô hình công tác quản lý di tích và lễ hội chủ yếu thông qua hệ thống thủ nhang; trong đó, mỗi di tích có một thủ nhang (là người sở tại) được giao nhiệm vụ trông coi, bảo quản nguyên trạng di tích; là người trực tiếp nhận các nguồn công đức và các nguồn thu khác từ di tích có trách nhiệm đóng góp một phần vào ngân sách địa phương để xây dựng các công trình phúc lợi, tổ chức lễ hội, phần còn lại để trùng tu, tôn tạo di tích, bổ sung các thiết chế văn hoá của di tích sau khi được phép của các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo thống kê, trong 15 năm qua, từ nguồn kinh phí công đức của khách thập phương, các thủ nhang đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp hơn 200 hạng mục công trình tại 19 di tích với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Nhìn chung, nguồn lực vật chất, tinh thần từ xã hội hoá di tích và lễ hội được các thủ nhang sử dụng hiệu quả, đúng mục đích trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, góp phần tạo cho quần thể di tích Phủ Dày ngày càng hoàn thiện so với nguyên mẫu kiến trúc cổ.

Bên cạnh đó, đến với lễ hội mùa Xuân như Lễ hội Chợ Viềng Xuân, Lễ Khai ấn, Lễ hội Phủ Dày, Lễ hội chùa Đại Bi…, du khách không chỉ tỏ đạo “uống nước nhớ nguồn” đến 14 vị vua triều Trần, Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Không Lộ Thiền Sư, Mẫu Liễu Hạnh…, mà còn được tham quan các di tích lịch sử văn hoá và cầu tài lộc, may mắn. Lễ Khai ấn đầu Xuân tại Đền Trần ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, số lượng du khách ngày càng đông. Qua hơn 10 năm tổ chức, Lễ Khai ấn đã thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đặc biệt là thời Trần; thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với khách trong nước và quốc tế. Trong đó, Lễ Khai ấn được tổ chức trang trọng, theo nghi thức truyền thống, thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội theo Luật Di sản Văn hoá. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tổ chức lễ hội ngày càng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội.

Để bảo tồn, khai thác và phát huy tiềm năng văn hoá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh; cần đẩy mạnh những giải pháp tổ chức và quản lý lễ hội mùa Xuân theo Luật Di sản Văn hoá. Trước hết, việc bảo tồn, tôn tạo di tích phải quan tâm đến các thành tố cấu thành di tích. Vì vậy, trong quá trình đầu tư, tôn tạo di tích phải quan tâm đến những yếu tố cấu thành di tích. Khi triển khai “Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá Trần tại Nam Định” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 252 không chỉ chú trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng, những hạng mục công trình phụ trợ mà “xem nhẹ” các giá trị về mặt kiến trúc, hệ thống di vật, cổ vật có ý nghĩa biểu trưng cho những giá trị văn hoá Trần. Tăng cường công tác tổ chức và quản lý Nhà nước theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 681 của UBND tỉnh về việc tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá di tích; huy động các nguồn lực đầu tư, bảo tồn di tích, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tâm linh ngày càng cao. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp hài hoà các biện pháp xây và chống trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội; phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi mê tín, dị đoan, thương mại hoá di tích, cờ bạc, nạn hành khất… Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian, dân vũ. Điều này cho thấy, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá và hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội ở một số địa phương chưa sâu rộng. Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa ngành và cấp trong công tác tổ chức Lễ Khai ấn đầu Xuân cũng như quản lý Quần thể di tích Lịch sử Văn hoá Trần vẫn còn có sự “chồng chéo”, nhiều hạn chế. Cần có sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể giữa chính quyền sở tại và ngành văn hóa theo đúng  quy định của Luật Di sản Văn hoá. Số kinh phí do nhân dân tiến cúng hàng năm cần được đầu tư có hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Việc khai thác các lễ hội mùa Xuân, đặc biệt là Lễ Khai ấn có quy mô cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh là “đòn bẩy” to lớn đối với sự phát triển ngành du lịch Nam Định; cần có quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược, phát triển bền vững. Qua đó, các cấp, các ngành chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho việc quản lý và tổ chức lễ hội mùa Xuân, nhất là các dịch vụ và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân./.

Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com