Tín ngưỡng trong lễ hội: Hướng thiện và mê tín - đừng nhầm!

09:02, 25/02/2011

Mong muốn lớn nhất của người dân đi lễ hội đầu xuân là cầu phúc, cầu tài, cầu lộc cho bản thân và gia đình. Vẻ đẹp hướng thiện này là lý do chủ yếu để người dân đến chiêm ngưỡng, bái vọng ở các đền, chùa. Tuy nhiên, ranh giới giữa nhu cầu tín ngưỡng mang tính hướng thiện và sự mê tín cũng rất mong manh nếu như mỗi người dân không có nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử đúng đắn khi tham gia lễ hội.

Nối đuôi nhau mà… vái!

Chúng tôi đã có dịp tham dự một số lễ hội lớn như chùa Hương, đền Trần, đền Bà Chúa Kho, đền Hùng, hội Gióng Phù Đổng… với sự tham gia của hàng vạn người dân. Vào những thời điểm chính hội, phải vất vả lắm chúng tôi mới len được vào khu vực nội cung ở các điểm chùa thiêng, ở các khu di tích lịch sử này.

Theo quan niệm và trong suy nghĩ sâu xa của nhiều người dân, nếu đi lễ hội mà không vào làm lễ ở các chùa, đền thì cảm thấy chuyến đi của mình… vô tích sự. Hơn thế, không ít người có tâm lý áy náy, “dằn vặt” lương tâm khi không được vào chiêm bái, cúng lạy thánh thần ở những chốn linh thiêng. Sẽ không có gì đáng nói nếu người ta thể hiện cử chỉ chiêm bái nhẹ nhàng, đúng nơi, đúng chỗ và có thái độ văn hóa ứng xử lịch sự trước bàn thờ, anh linh các vị thần, thánh.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, xung quanh chuyện đi lễ bái cũng nảy sinh biết bao phiền toái, phức tạp. Có một bộ phận người dân đi làm lễ ở đền, chùa đã mang theo nhiều đồ cúng tế, nhẹ thì cũng một vài cân hoa quả, nặng hơn là mâm xôi gà, thủ lợn, thậm chí có người kèm theo cả các loại đồ uống thời hiện đại như bia, coca cola, bánh kẹo, thuốc lá… Đấy là chưa kể có người còn rềnh rang ôm theo hàng đống vàng mã cồng kềnh vào đền, chùa để tế lễ. Trong khi lượng người đi dự lễ hội đông đúc, đường đi lối lại chật như nêm, nếu ai cũng mang vào nội cung đền, chùa nhiều đồ thờ cúng, tế lễ thì càng khiến không gian di tích trở nên chật hẹp. Đã từng xảy ra tình trạng: Người dân chen nhau vào chùa, đền không được, đành phải nối đuôi nhau khấn vái từ ngoài sân vào trong nội cung. Chúng tôi đã từng tận mắt chứng kiến có những đền, chùa vào dịp cao điểm lễ hội, mâm xôi gà này xếp chồng lên mâm xôi gà kia cao ngất ngưởng như là… xếp gạch! Còn người nọ chen chúc nhau vái lạy vào… mông người kia, trông thật phản cảm!

Nói về sự tín ngưỡng thái quá này, Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: “Đi lễ hội là để được thư thái, thảnh thản tâm hồn, tâm linh mới có ý nghĩa. Còn việc bằng mọi cách để được chiêm bái, cầu nguyện như thế chỉ thêm mệt mỏi, chứ không mang lại lợi ích gì”.

 

Quầy bán ấn phẩm văn hóa tại Phủ Dầy (Vụ Bản).  Ảnh: Xuân Thu
Quầy bán ấn phẩm văn hóa tại Phủ Dầy (Vụ Bản).
Ảnh: Xuân Thu

Không nên tín ngưỡng thái quá

Thể hiện và thực hành tín ngưỡng trong tham gia các hoạt động lễ hội là một nhu cầu chính đáng của người dân. Điều đó đã được pháp luật thừa nhận và bảo đảm. Tuy nhiên, ranh giới giữa thể hiện tín ngưỡng lành mạnh và sự thái quá mà vẫn thường được gọi là mê tín dị đoan trong lễ cúng, chiêm bái, cầu nguyện cũng rất mong manh.

Nhiều năm gắn bó với công tác quản lý lễ hội và là một nhà nghiên cứu tâm huyết về di sản văn hóa dân tộc, trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: “Có nhất thiết khi vào đền, chùa làm lễ cứ phải “mâm cao cỗ đầy” và “nhiều vàng mã” thì người đi cầu nguyện sẽ được hưởng nhiều phúc lộc của thánh thần và ân nhân của anh linh các bậc tiền bối có công, với dân với nước? Tôi nghĩ không phải vậy. Thế nên, người dân nên chú ý đến vấn đề này để có thái độ hành xử tinh tế trước ban thờ ở các khu di tích lịch sử”.

Dưới góc độ của một nhà quản lý, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: “Báo chí, các nhà quản lý văn hóa đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự lạm dụng thái quá của một bộ phận người dân khi đi chiêm ngưỡng, cúng bái ở các đền, chùa. Điều đó rất cần thiết. Nhưng theo tôi, chúng ta cũng cần chú trọng, tăng cường vận động, tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn khi thể hiện và thực hành quyền tín ngưỡng của mình; đồng thời hướng dẫn người tham gia lễ hội tuân thủ, chấp hành nghiêm túc, triệt để những quy định của nhà đền, nhà chùa, ban quản lý các khu di tích và luật pháp về tín ngưỡng đã quy định”.

Mới đây, đến tham quan tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), trao đổi với chúng tôi, ông Trần Huy Chiến, Tổ trưởng Tổ từ đền Trần, nói: “Người xưa đã dạy “Phật ở tại tâm”. Chiêm bái, cúng lễ trước hết là ở sự thành tâm của mỗi người. Nếu có tấm lòng tôn kính và biết ơn các bậc anh hùng, danh nhân có công với dân, với nước, người dân nên thể hiện thái độ văn minh, lịch sử nơi chùa chiền để có cử chỉ, việc làm ứng xử phù hợp với chốn linh thiêng. Những hành vi như: Chen lấn, xô đẩy để được vào đền, chùa làm lễ trong giờ cao điểm; Cúng bái quá nhiều đồ ăn thức uống; Đặt tiền lẻ bừa bãi ở nhiều vị trí trong đền, chùa; Thắp nhiều hương, đốt nhiều vàng mã… đều là biểu hiện tín ngưỡng thái quá và có lẽ sẽ không được anh linh của thánh, thần phù hộ”./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com