Thương lắm khúc hát đồng dao...

09:02, 25/02/2011

Thuở còn nằm nôi, ai cũng được bà, được mẹ hát ru những câu ca “… à ơi” mang đậm chất dân ca ngọt ngào, lớn lên chút nữa thì nắm tay dung dẻ cùng nhau hát đồng dao. Những khúc hát ru, những bài đồng dao ấy như dòng sữa ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ tuổi thơ.

Lạy Trời mưa xuống!
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm tôi thổi…

Nguồn gốc của làn điệu dân ca được dựa theo phương thức truyền miệng và đã có từ lâu đời. Sự ra đời của nó được đón nhận một cách hiển nhiên trong tâm thức của người Việt. Ca dao dân ca luôn mượt mà, dễ nghe, dễ hiểu bởi nó phản ánh những đặc trưng của quê hương lúa nước; phản ánh cuộc sống thường ngày của người lao động. Những câu chữ trong ca dao dân ca không cầu kì, trau chuốt, nhưng vẫn tinh tế, nó như chắt lọc cái hay, cái đẹp trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

Hát đồng dao cần phải theo dàn theo nhóm vì loại hình văn nghệ này rất vui nhộn và mang tính tập thể rất cao. Khi bắt đầu hát, một đứa trong dàn hát trước câu đầu của bài để bắt nhịp, giống như người nhạc trưởng vậy; sau đó tất cả đồng thanh hát theo. Hát hết bài thì vòng hát lại, nhiều lần như thế.

Tuổi thơ tôi gắn liền với những bài hát đồng dao, những trưa hè chang chang nắng dọc triền đê với những trò chơi thôn dã. Lũ trẻ chúng tôi có thể hàng giờ, hàng ngày ngồi tụm năm, tụm bảy vừa chơi các trò chơi, vừa nghêu ngao hát:

Dung giăng dung giẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến cửa nhà trời
Lạy cậu, lạy mợ.
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà giữ lấy
Con ếch thổi xôi
Nhà tôi nấu chè.
Xì xà, xì xụp...

Qua những khúc hát đó, chúng tôi dường như chạm được vào cả thế giới, một thế giới tuổi thơ thật trong trẻo và sống động, một thế giới với muôn sắc màu và những điều thần kỳ.

 

Thế giới những sự vật, hiện tượng trong các bài đồng dao vô cùng phong phú. Với tâm hồn trong sáng và trí tuệ non nớt, chúng tôi đã nhập thân vào mọi đối tượng miêu tả, thổi sự sống vào những vật vô tri vô giác. Mọi loài vật mà chúng tôi quan sát được đều trở thành những người bạn, có tính nết đáng yêu, hành động ngộ nghĩnh và chúng lần lượt dẫn nhau vào câu hát.

Con kiến mà leo cành đa
Leo phải cành cụt
Leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cành cụt
Leo vào, mà leo ra
Kiến leo cành đa
Leo ra mà leo vào
Kiến leo cành đào
Leo vào mà leo ra…

hay những loài cây cỏ quen thuộc

Lúa ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột là ruột dưa gang
Dưa gang là nàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu lúa ngô
Lúa ngô là cô đậu nành...

Đồng dao kết hợp với những trò chơi sẽ như chất keo nối kết tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau mà trong những trò chơi hiện đại ngày nay, ta khó mà tìm thấy. Đồng dao kèm theo diễn xướng trong một không gian rộng, giúp trẻ thơ có điều kiện hòa nhập với thiên nhiên, hòa nhập với nhau và với cuộc sống.

Những khúc đồng dao đưa trẻ thơ đến gần hơn bao giờ hết với thiên nhiên, một cách mộc mạc, trẻ thơ vừa chơi vừa hát, tươi vui hóm hỉnh… như chính giác quan và sự hồn nhiên của trẻ em vậy. Đó cũng là phương cách giáo dục trẻ em yêu thương cuộc sống, yêu những điều giản dị gần gũi, yêu mến đất nước con người Việt Nam mình./.

Theo: vinacomin.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com