Chơi tranh Tết là phong tục, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta. Trong xu hướng “Tìm về cội nguồn” những năm gần đây, khi đời sống vật chất ngày càng ổn định, quan niệm “Ăn tết” chuyển dần sang “Chơi tết” thì phong tục chơi tranh Tết ngày càng trở thành sự đam mê của nhiều người. Tùy từng điều kiện mà xu hướng chơi tranh Tết cũng có những sắc thái khác nhau, tạo nên sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở mỗi vùng quê.
Tết xưa, ông cha ta dùng tranh để trang hoàng nhà cửa làm cho cảnh sắc thêm tươi vui, xua đi những rủi ro, ám muội của năm cũ. Những dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), làng Sình (Huế) với màu sắc sặc sỡ thường được chọn treo trong dịp Tết với nguyện vọng đón chào một năm mới tốt lành, bình an. Tranh dân gian Đông Hồ được vẽ theo lối đơn tuyến bình đồ mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về hình, màu sắc, đường nét nên phong cảnh và các nhân vật trong tranh thường ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý, hợp tình. Giấy dùng để in tranh là loại giấy dó trước khi in được phủ lên một lớp điệp từ vỏ sò tạo cho tờ giấy dó cứng, xốp và nổi lên chất nghệ thuật đặc sắc của những thô điệp óng ánh. Màu sắc để in tranh được lấy từ các chất liệu thiên nhiên: màu đen từ than lá tre, màu xanh lấy từ vỏ và lá cây tràm, màu vàng lấy từ hoa hòe, màu đỏ lấy từ thân và rễ cây vang... Đề tài tập trung vào đời sống, sinh hoạt của người và vật như “Đánh ghen”, “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”, “Chăn trâu thả diều”, “Lợn béo”... Ngày trước, vào mỗi dịp Tết, tranh dân gian Đông Hồ có mặt ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tại các phiên chợ quê, tấp nập người mua, người bán, thực sự là một ngày hội tranh tưng bừng náo nhiệt, rực rỡ sắc màu. Khác với tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống được in từ bản khắc nét màu đen trên giấy dó sau đó nghệ nhân mới dùng màu nước tô vờn màu theo khối. Nhiều khi chỉ bằng một nét bút, một lần lấy mực là có thể diễn tả màu sắc thành đậm, nhạt, sáng tối, hình khối. Bởi vậy nên tranh dân gian Hàng Trống có độ sâu, uyển chuyển và sống động. Tranh Hàng Trống có nhiều mẫu đẹp, sang trọng, được đặc tả kỹ như tranh “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Tố nữ”, “Tứ dân”, “Lý ngư vọng nguyệt”... thể hiện lối chơi và phong cách của người Hà thành. Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại, tranh tín ngưỡng, tranh lịch sử, tranh cổ tích, tranh về nghề nghiệp, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài để thỏa mãn đồng thời nhiều ước vọng. Ở gian thờ cúng tổ tiên giữa nhà, các gia đình treo tranh mâm ngũ quả, cuốn thư để trên cao, câu đối để hai bên, tạo sự tôn nghiêm trong gia đình. Ngoài cổng, dán 2 bức tranh, một bên là ông Tiến tài, bên kia là ông Tiến lộc, khuôn mặt phúc hậu hiền từ trong trang phục kiểu quan văn, tay cầm tấm biển (Tiến tài, Tiến lộc) đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ. Có nhà còn dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng. Trong nhà, treo, dán nhiều tranh thuộc dòng tranh dân gian Đông Hồ như tranh “Mẹ con đàn gà” và “Mẹ con đàn lợn” thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã, với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, xum vầy. Tranh “Gà trống” sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho Ngũ Quý - năm đức tính quý báu: Văn (vẻ đẹp mào gà), Vũ (cựa gà), Nhân (biết yêu thương đồng loại, kiếm được thức ăn ngon là gọi bầy đàn đến), Dũng (gặp kẻ thù là sẵn sàng giao chiến), Tín (hàng ngày gáy báo giờ rất đúng). Tranh “Đám cưới chuột” thể hiện mối quan hệ giữa kẻ mạnh, người yếu trong xã hội. Tranh “Múa lân”, “Múa rồng” là hình ảnh sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cả cộng đồng dân cư cầu may mắn, hạnh phúc trong các dịp lễ hội mùa xuân. Các tranh dân gian Hàng Trống thường được treo như: tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và rất thân thuộc giữa con người và thiên nhiên; tranh “Tứ quý” thể hiện ước vọng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi. Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” ý nói người học trò mong mỏi học tập rồi thi đỗ ví như cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Tranh “Thất đồng” vẽ 7 em bé vui chơi với cây đào tiên đang ra hoa kết trái, thỏa mãn mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Đề tài chúc tụng có bộ tranh “Tam đa” tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu. Ngoài ra, người dân còn treo những bức tranh có đề tài dân dã như bộ Tứ bình vẽ cảnh 4 lớp người lao động trong xã hội gồm Ngư, Tiều, Canh, Mục là những người đánh cá, kiếm củi, làm ruộng, chăn trâu...
Tranh Tứ quý. (Nguồn: Internet) |
Ngày nay, khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao và trong xu hướng giao lưu, hội nhập với các nền văn hóa thế giới, cách chơi tranh cũng phong phú và đa dạng. Tùy theo ý thích và điều kiện của từng gia chủ mà cách chọn chơi tranh cũng khác nhau nhưng xu hướng tìm về cội nguồn, tôn vinh nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc vẫn là chủ yếu. Có người chọn chơi tranh nghệ thuật, tranh dân gian hay tranh từ các sản phẩm làng nghề truyền thống (tranh đồng, tranh thêu, tranh khảm trai, tranh chạm khắc gỗ...). Đối với thể loại tranh nghệ thuật, vào dịp cuối năm, để trang hoàng thêm cho gian phòng khách đón chào năm mới, các gia chủ thường đến các Gallery (cửa hàng tranh) chọn mua những bức tranh bằng các chất liệu bột màu, sơn dầu hay sơn mài ưa thích. Có người cầu kỳ hơn thì đặt họa sĩ vẽ theo chủ đề ngày Tết như các con giáp theo từng năm; hoa đào; phong cảnh chợ Tết; lễ hội làng hay những ký ức về phố cổ, phong cảnh làng quê Việt với cây đa, bến nước, sân đình. Tuy nhiên, đối với những người sành chơi thì ngày Tết vẫn chọn chơi tranh dân gian treo bên chậu quất, cành đào, cùng khói hương trầm bảng lảng để gợi sâu thêm không khí Tết cổ truyền của dân tộc hoặc mua làm quà biếu bạn bè, người thân. Hiện nay, các mẫu tranh dân gian như “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Tứ linh”, “Lý ngư vọng nguyệt”, “Thất đồng”, “Hứng dừa”... được các làng nghề truyền thống chuyển thể sang các chất liệu khác như: gỗ, đồng, sơn mài, khảm trai..., thu hút được nhiều khách hàng chọn mua. Với kích thước đa dạng từ 20cm đến 70cm, có bức từ 1 đến vài ba mét tùy thuộc vào không gian, vị trí và điều kiện của từng gia đình. Tại các làng nghề truyền thống ở tỉnh ta như làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, sơn mài Yên Tiến (Ý Yên) mỗi năm cho ra thị trường hàng nghìn sản phẩm tranh nghệ thuật. Nghệ nhân Nguyễn Văn Đức, làng nghề La Xuyên cho biết: Một số mẫu tranh dân gian được chuyển thành sản phẩm làng nghề xuất phát từ nhu cầu chơi tranh Tết trong nhân dân. Đây là xu hướng tích cực phát triển được tinh hoa giữa các sản phẩm làng nghề bởi các mẫu tranh dân gian sau khi chuyển sang các chất liệu khác vẫn giữ được tinh thần, đồng thời thêm vào đó là sự độc đáo của từng chất liệu và nét tài hoa từ đôi bàn tay người thợ thủ công. Ngoài chơi tranh theo mẫu dân gian, xu hướng chơi tranh Tết trong nhân dân thời gian gần đây đang chọn chơi nhiều tranh chữ theo lối thư pháp. Các chữ như: Tâm, Đức, Phúc, Nhẫn, câu đối... được các nghệ nhân làng nghề cách điệu thành những hình rồng bay, hình tre trúc uốn lượn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, hàm chứa quan niệm sống, có mục đích giáo dục mọi người ngay từ đầu năm mới rèn đức, luyện tài, để đức, tích phúc cho con cháu đời sau.
Treo tranh Tết là phong tục đẹp của ông cha ta. Cho dù cuộc sống có khó khăn hay đã đủ đầy thì phong tục truyền thống này vẫn được gìn giữ, như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến, xuân về./.
Trần Văn Trọng