Tháng củ mật ngày ấy, bây giờ…

04:02, 02/02/2011

Ngày còn nhỏ, mỗi dịp Tết đến, tôi thường nghe người lớn kể những chuyện rợn tóc gáy về tháng củ mật. Chẳng hiểu tháng củ mật là thế nào mà lắm chuyện kinh khủng như thế, tôi đem thắc mắc ấy hỏi bà nội. Bà cười hiền từ:

“Củ mật với củ ấu gì đâu con, đó thực ra là tháng chạp, hay còn gọi là tháng 12 lịch âm ta ấy mà! Ngày trước, hết vua quan trong nước lại đến giặc ngoại xâm nước ngoài thay nhau đè nén, bóc lột nhân dân, sinh ra nạn đói nghèo. Tháng chạp là tháng giáp Tết, là tháng mùa mới chưa tới, mùa cũ đã qua lâu, dân đói kéo nhau đi trộm cắp khắp nơi. Để bà kể cho con nghe hai câu chuyện như thế này”.

“Chuyện thứ nhất là về ông Lác. Thời bấy giờ, nhà ông Lác không có ruộng. Mỗi vụ chiêm qua, mỗi vụ mùa đến, cả nhà ông Lác phải đi cấy rẽ cho nhà lão Lý phệ ở làng bên. Vợ chồng, con cái nhà ông Lác nai lưng ra làm, đầu tắt mặt tối suốt cả vụ lúa. Đến khi thu hoạch, nhà Lý phệ cho người sang lấy lúa rẽ. Của đáng tội, số lúa thu hoạch được trong vụ ấy chẳng đủ trả rẽ. Đời thuở nhà ai suốt mấy tháng giời “bán mặt cho đất bán lưng cho giời”, chẳng quản sương sa, gió rét mà nhà ông ấy thu về chỉ được vài gánh rạ khô. Đã  thế, nhà ông Lác sống cũng vẫn không yên vì suốt ngày bị người nhà Lý phệ đến thúc nợ rẽ còn thiếu. Họ còn doạ ông Lác là nếu không trả đủ thóc, họ sẽ bắt ông phải lấy đất ra trả bù”.

“Nhìn cảnh vợ con nheo nhóc đói ăn, năm hết Tết đến mà trong nhà không còn một hạt thóc, chẳng còn một củ khoai, ruột gan ông Lác đã rối như tơ vò, lại bị người nhà Lý phệ sớm tối chẳng để yên, ông Lác càng rầu rĩ. Đã túng thì phải tính, mà người nghèo như ông Lác thì có cách gì để tính đâu, ngoài cách đi ăn trộm? Ông Lác vốn là người trọng tình làng nghĩa xóm, lại thấy hàng xóm láng giềng cũng chẳng khác chi hoàn cảnh nhà mình, nên ông ấy chẳng muốn làm cái trò “gà què ăn quẩn cối xay”. Ông ấy cũng tính ăn trộm, nhưng mà là trộm của chính nhà Lý phệ. Nói cho đúng ra như thế cũng không phải là ăn trộm, bà nói rằng ông Lác chỉ muốn lấy lại phần của cải đáng ra phải là của nhà ông ấy mà thôi”.

“Tính thì tính như thế, nhưng ngặt một nỗi, nhà Lý phệ nuôi một đàn chó rất dữ. Ban ngày ban mặt đi ngang qua nhà lão ấy còn bị chó đuổi chạy trối chết, nói chi chuyện đột nhập ăn cắp ban đêm! Thế rồi, ông Lác nghĩ ra một kế. Ông ấy đi lùng xin được một ít bả chuột, bắt mấy con nhái nướng thơm rồi tẩm bả. Nửa đêm, ông ấy lẻn đến, quẳng bả chuột vào sân nhà Lý phệ. Ngỡ mấy con chó quái ác đã lăn đùng ra chết cả, ông ấy cạy cổng mò vào. Chẳng ngờ bả của ông ấy quá ít so với đàn chó nhà Lý phệ, nên ông ấy vẫn bị cả đàn chó xông vào cắn xé tơi tả. Người nhà Lý phệ thấy động, chạy ra tóm được ông Lác lúc cả hai chân của ông ấy đã bị chó táp nát. Thế mà lũ ôn dịch còn dùng gậy gộc, gạch đá đánh ông ấy tới chết. Chẳng những thế, Lý phệ còn tịch biên luôn mảnh đất nhà ông Lác để chiết nốt khoản thóc rẽ còn thiếu, cộng với tiền đền vạ hai con chó nhà lão Lý bị chết vì ăn phải bả của ông Lác. Vợ con ông Lác lâm vào cảnh không nhà, không cửa, dắt díu nhau bỏ đi biệt tích. Nhưng sau đó, nhà Lý phệ cũng bị bà con nông dân vùng lên chiếm hết của cải, phải dắt díu nhau bỏ đi ăn xin. May mà người dân vẫn còn trọng tình làng, chứ nếu không, lão Lý chẳng mất mạng ấy à!”…

 

Bên bếp lửa. Nguồn: Internet
Bên bếp lửa. (Nguồn: Internet)

“Câu chuyện thứ hai là về anh cả Đống. Nhà anh cả Đống cũng rất nghèo. Nhưng anh cả Đống may mắn hơn ông Lác là còn có mảnh vườn. Nhà anh cả Đống trồng chuối, trồng khoai, bòn vườn rồi làm thuê cũng có cái mà ăn đói qua ngày. Anh cả Đống nuôi được mấy con gà. Nói là nuôi thế thôi, chứ thực ra, anh ta cũng chẳng phải bỏ thóc, bỏ gạo ra cho nó ăn, tối ngày cứ thả gà chạy lông nhông ngoài vườn cho nó tự bới con giun, đào con dế. Người còn phải bòn ăn từng bữa, gà nhà nghèo thì cũng phải tự kiếm lấy cái mà ăn thôi. Nhà có gà có qué, nhưng anh cả Đống chẳng dám tơ hào giết thịt, vì còn để cho nó sinh sôi, nảy nở. Giáp Tết, anh cả Đống ra đồng bắt mớ tép về kho để cả nhà ăn trong ba ngày Tết. Lận lưng giỏ tép, anh cả Đống vội về nhà sớm để nhốt gà vào chuồng. Vừa về đến cổng đã thấy thằng cu Tèo khóc lướt sướt. Nó nói mể nói dải là ông Cai Tổng đã đến bắt mất hết gà rồi. Hoảng hồn, anh cả Đống vội chạy lên nhà Cai Tổng hỏi cho ra nhẽ. Lão ấy nói huỵch toẹt: “Mả mẹ mày chứ, mày vay ông một hào từ năm ngoái để đóng tiền sưu cho đủ. Giờ lãi mẹ đẻ lãi con, mấy con gà còi này còn chưa đủ trả nợ đâu. Mày còn lải nhải cái gì?”. Anh cả Đống tức bầm ruột tím gan, nhưng chẳng lý lẽ lại được với lão Cai Tổng, bèn lầm lũi quay về. Tuy phải chịu ấm ức vậy, nhưng anh cả Đống không phải là người nhu mì dễ đè đầu cưỡi cổ. Trong đầu anh ta đã có kế hoạch cho nhà lão Cai Tổng một vố. Đã có kinh nghiệm từ ông Lác nên anh ta không dại gì đột nhập vào nhà Cai Tổng. Biết nhà Cai Tổng có một đàn trâu béo tốt, nhưng vì tính lão keo kiệt nên chỉ thuê một thằng nhỏ chăn thả cả đàn hơn chục con trâu, anh ta tính cách nẫng vài con bán chơi. Sáng ngày ra, nhân lúc chú mục đồng nhà lão Cai Tổng mải chơi, anh ta lùa một lúc bốn con trâu nái lên chợ huyện bán cho phường buôn, được một mẻ kha khá. Trở về ngang qua ngọn đồi nơi thằng nhỏ chăn trâu, thấy nó ngồi khóc ti tỉ, anh cả Đống động lòng thương, bèn chia cho nó một nửa số tiền bán trâu, rồi giục nó mau mau trốn biệt tích, đến một nơi xa lắc nào đó mà làm ăn. Vốn là đứa trẻ mồ côi, lại biết phen này sẽ chẳng còn đất sống với cái lão Cai Tổng vừa tủn mủn, vừa ác ôn, nên cậu bé cảm tạ, nhận tiền rồi quay lưng, cắm cổ chạy như ma đuổi”.

“Tối mịt trời mà vẫn chưa thấy thằng bé mục đồng lùa đàn trâu về, Cai Tổng sốt ruột thúc người nhà bổ đi tìm. Nhận được tin mất trâu, lão như người điên, hối cả già cả trẻ trong nhà, rồi cả lão cũng quýnh quáng lao ra phía ngọn đồi đầu làng tìm trâu. Anh cả Đống chỉ chờ có thế, lẻn vào nhà khoắng một mẻ ra trò”.

“Cả một đàn trâu hơn chục con béo tốt, sau gần hết đêm tìm kiếm, nhà Cai Tổng chỉ tìm lại được ba con trâu già gầy đét. Về đến nhà lại thấy đồ đạc tan hoang, lão ta lồng lộn đánh đuổi hết lũ gia nhân. Thế rồi chỉ qua Tết chưa tròn tuần trăng, tự dưng lão ấy lăn đùng ra chết. Người làng vẫn cho như thế là quả báo đấy, con ạ!”

“Đấy là hai con người biết rõ kẻ gây ra hoạ cho gia đình mình là ai. Họ khua khoắng nhà kẻ đã bóc lột mình để đòi lại lẽ công bằng. Còn nhiều người dân khác lại không nghĩ được sâu xa như thế. Cứ đến dịp giáp hạt, năm hết Tết đến là lại kiếm cách khua khoắng đồ đạc, của cải của bất kỳ nhà nào sơ hở, bất kể giàu nghèo. Đó cũng là những con người đáng thương, con ạ! Chỉ trách những kẻ đang tâm đẩy người dân nước mình, đồng bào nước mình vào cảnh đói rét thôi”.

Lớn lên, câu chuyện về tháng củ mật của bà vẫn còn in đậm trong ký ức tôi. Càng ngày, tôi càng thấy thấm thía những điều răn dạy sâu xa trong câu chuyện có vẻ rất bình dị mà bà tôi đã kể. Tôi học được rằng, con người sống với nhau thì phải có tình người, kẻ gieo gió ắt phải gặp bão. Tôi học được rằng, khi nhìn nhận một vấn đề thì phải phân tích cho thấu đáo, để từ đó nhận biết đích xác đâu là căn nguyên, rồi tìm cách giải quyết cho hợp tình, hợp lý. Tôi học được rằng, những người tưởng là rất xấu, nhưng bản chất của họ chưa chắc đã là như thế, như những người dân lương thiện thời xưa bị đẩy vào bước đường cùng mới phải làm cái việc chẳng đặng đừng là “chó cắn áo rách”. Tôi học được đức khoan dung, độ lượng với kẻ đã gây ra nhiều tội lỗi, kể cả với kẻ đã làm chính mình tổn thương, đau đớn. Tôi học được rằng đoàn kết là sức mạnh vô biên. Và còn nhiều hơn thế nữa…

… Càng ngày, cuộc sống người dân nước ta càng no đủ. Giờ thì dân ta không chỉ được ăn no mặc ấm, mà đã hướng tới ăn ngon mặc đẹp. Cụm từ “Tháng củ mật” không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với dân nghèo mà đã trở thành miền ký ức xa xôi trong nhiều người lớn tuổi, “Tháng củ mật” không còn là “mùa trộm cướp” nữa. Tuy tình trạng trộm cắp vặt vẫn còn xảy ra ở một số nơi, nhưng những kẻ trộm cắp hôm nay hầu hết không phải là những người dân lương thiện bị đẩy vào bước đường cùng. Đa phần thủ phạm của những vụ trộm cắp từ nông thôn đến thành thị đều là những con nghiện. Chính họ đã không làm chủ được bản thân, lao vào con đường nghiện ngập, hoang phí tiền của vào “nàng tiên nâu”, “cái chết trắng”, gieo nỗi kinh hoàng cho những người xung quanh, người thân và chính bản thân mình. Cá biệt, cũng có những trường hợp đầu quân vào đội ngũ trộm cướp vì lười lao động, vì để muốn khẳng định mình… Nhưng dẫu vì bất cứ lý do gì, thì đó cũng là những con người đáng thương nhiều hơn đáng giận.

Một tháng củ mật nữa lại đến. Nhưng “mật” giờ đây không còn là mật đắng, mà là mật ngọt. Sau một năm lao động, đây là tháng để người lao động gặt hái những thành quả ngọt ngào của mình. “Tháng củ mật” sẽ là tháng mà người lao động vui nhất, với những khoản tiền thưởng cuối năm, những khoản lợi nhuận thu được sau khi thanh lý các hợp đồng làm ăn, buôn bán, là tháng hoa đào nở rộ thắm đỏ khắp nơi, từ phố phường thành thị đến ngõ xóm thôn quê…

Nguyễn Chiến Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com