Tản mạn chợ Tết

11:02, 02/02/2011

Nhớ lại những ngày còn bé, mỗi lần Tết đến, bà nội tôi lại đi chợ mua mấy nắm lá mùi già rồi hái thêm nắm lá hương nhu, lá sả, lá chanh, lá bưởi…, đun thành một nồi nước to cho cả nhà tắm. Mùi lá thơm hăng hắc, nồng nồng xông lên thật khoan khoái, dễ chịu. Cảm giác người lâng lâng, nhẹ nhõm còn theo tôi tới tận bây giờ. Lớn hơn một chút tôi mới biết rằng đó là tục tắm “tẩy trần” vào những ngày cuối năm.

Tết đến! Chỉ cần nghĩ tới điều đó thôi cũng đủ để cho mọi người bồi hồi xúc động, đan xen nhiều cảm giác khác nhau. Người mẹ già tựa cửa ngóng đứa con trai đi làm xa, người vợ hiền đảm đang vừa dọn dẹp nhà cửa vừa mong chồng, kín đáo giấu trong từng nụ cười, ánh mắt. Những đứa trẻ như chúng tôi có lẽ là vui hơn cả vì thế nào cũng được may một bộ quần áo mới, được ăn ngon và thỏa thuê chơi đùa. Trong nhà, bận rộn nhất là mẹ tôi, nào chợ búa, nào xay thóc, giã gạo. Một cối gạo tám thời gian xay giã phải gấp đôi cối gạo tẻ thường. Tiếng xay thóc ù ù, tiếng chày thình thịch tận đêm khuya. Sáng sớm mẹ lại sấp ngửa quang gánh đi chợ. Lá dong, dưa hành, bó lạt trắng… là những thứ đầu tiên mẹ chọn mua về. Lá dong phải đẹp, lành, mỡ màng để gói bánh chưng. Bột gạo nếp cái hoa vàng phải xay nhuyễn, mịn để làm bánh mật, bánh gai. Đi chợ cũng phải nhanh chân nhanh tay để về nhà làm việc khác. Tôi nhớ, cùng với sự náo nức đón chờ Tết, dân làng quê tôi vẫn không quên công việc đồng áng bởi đó là công việc chính của nhà nông. Mẹ tôi đầu đội nón lá, lưng quấn áo tơi cùng các bà, các chị dầm mình trong mưa phùn giá rét, cấy những dẻ mạ non xanh cho kịp thời vụ. 

Một góc chợ quê.  Ảnh: Chu Thế Vĩnh (Giao Thủy) Một góc chợ quê.  Ảnh: Chu Thế Vĩnh (Giao Thủy)
Một góc chợ quê.
Ảnh: Chu Thế Vĩnh ( Giao Thủy)

Chợ Tết quê tôi ngày trước chỉ thực sự sôi động bắt đầu từ 23 tháng Chạp, ngày ông Công lên “chầu trời”. Trẻ con chúng tôi được nghỉ học, cũng dậy sớm theo bà, theo mẹ đi bộ hàng cây số tới chợ, quên cả quãng đường xa, chỉ thấy chộn rộn và vui vui! Đi, chỉ để say mê, lạ lẫm ngắm nhìn dòng người đông đúc và cơ man nào là hàng hóa. Chợ nông thôn ngày trước chỉ đến Tết hàng hóa mới nhiều (!) Tất cả đầy màu sắc và hương vị. Các ông xe thồ, các chị quang gánh thoăn thoắt chuyền tay nhau từng mớ rau cải, rau dưa, từng quả cà chua, quả bí…, chỗ nào cũng tấp nập kẻ mua người bán. Phía sau chợ là khoảng đất rộng dùng để bày bán hoa, cây cảnh, thắm sắc đào phai, đào bích cùng những chậu cúc vàng, cúc đại đóa, lay ơn, thược dược… đủ màu sắc. Bên cạnh những quả chuối, quả ổi quen thuộc, lại còn có cả nhiều thứ hoa quả khác như cam, xoài, nho… Rồi tiếng lợn kêu, tiếng gà gáy huyên náo cả khu chợ. Những con gà ri chân nhỏ, lông óng, thịt thơm và ngon, khác hẳn những con gà ăn cám công nghiệp bây giờ. Mấy anh gà trống ra tới chợ mà vẫn thích “ra oai”, vỗ cánh phành phạch gáy vang. Đám trẻ con chúng tôi thích thú, đứng vòng trong vòng ngoài, say mê ngắm nhìn đôi bàn tay khéo léo của ông già nặn tò he đồ nghề giản đơn với mấy tảng bột màu xanh đỏ. Con gái thường chọn nặn hình nàng tiên, công chúa, bông hoa và một vài con vật ngộ nghĩnh khác như con gà, con chó, mèo trèo cây cau. Con trai chọn hình Tôn Ngộ Không, con rồng…

Chợ Tết ở nông thôn cũng như thành thị bây giờ có nhiều thay đổi, hàng hóa phong phú, việc mua sắm cũng tiện lợi hơn. Những cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm mua sắm tự chọn, siêu thị sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Chợ Tết thành phố có khi họp cả ngày, chiều mùng một hàng hóa đã đầy ắp chợ nên các bà, các mẹ thường không phải lo dự trữ thực phẩm. Riêng ở nông thôn do chợ vẫn họp từ rất sớm và không kéo dài cả ngày nên dù cuộc sống đã đủ đầy hơn song tâm lý lo có cái ăn khi ra giêng dường như vẫn là thói quen của nhiều phụ nữ nông thôn. Tuy nhiên, việc nhà, việc đồng áng không còn bận rộn nhiều do có sự trợ giúp của công nghiệp hóa, cơ khí hóa. Các bà, các mẹ đỡ vất vả hơn rất nhiều và thảnh thơi đi sắm và đi chơi chợ Tết. Chợ Tết bây giờ không đơn thuần chỉ là mua bán hàng hóa mà người ta đến chợ để ngắm, để chơi và cả để thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái độc đáo riêng của những sản vật từ nhiều địa phương khác đưa về.

Một năm qua đi, mùa xuân mới đến. Khắp các nẻo đường đã tấp nập người đi sắm Tết và chơi Tết. Việc mua sắm đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều song cái vẻ say mê, háo hức nép bên vạt áo mẹ chen chân đi chợ Tết ở quê năm nào, được cầm trên tay con tò he hay chỉ là vài tấm bánh quế, xốn xang, mong ngóng đợi chờ Tết đối với tôi vẫn tinh khôi, trong trẻo./.

Thanh Thuỷ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com