Tầm cao thi tứ và trí tuệ trong thơ chúc Tết của Bác Hồ

07:02, 01/02/2011

Bác Hồ, vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của Đảng và dân tộc cũng đồng thời là một nhà văn hoá lớn, một nhà thơ lớn mang tầm cao của thi tứ và trí tuệ. Thơ xuân, thơ chúc Tết là một phần đặc biệt trong thơ Bác Hồ. Sinh thời, cứ mỗi dịp “Xuân về, Tết đến” Bác Hồ thường có Thư chúc mừng năm mới và Thơ chúc Tết gửi đồng bào và chiến sỹ cả nước. Từ bài thơ đầu tiên chúc mừng Xuân Nhâm Ngọ (1942) cho đến bài thơ chúc Tết cuối cùng mừng Xuân Kỷ Dậu (1969) Bác làm khoảng hơn 20 bài thơ chúc Tết. Đồng bào và chiến sỹ cả nước từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau đều háo hức chờ đợi, xúc động đón nhận và lắng nghe Thư và Thơ chúc Tết của Bác Hồ vào dịp năm mới.

Bác Hồ đánh máy chữ.
Bác Hồ đánh máy chữ.

Thơ chúc Tết của Bác Hồ thường ngắn gọn, súc tích, vừa mang tầm cao của thi tứ và trí tuệ nhưng lại vừa có cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm xúc động lòng người. Thơ Bác giản dị, chân thành nhưng lại mang sức khái quát cao và đầy chất trí tuệ trong việc đúc kết, đánh giá những thắng lợi trong một năm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đồng thời chỉ ra những định hướng lớn cho năm tới, qua đó động viên, khích lệ toàn dân tộc cùng nhau đoàn kết một lòng, vững bước đi lên trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng CHXH và đấu tranh thống nhất nước nhà... Có một nét đặc biệt là chưa có năm nào, kể cả các năm sau này Bác Hồ lại có Thơ và Thư chúc Tết nhiều như năm Bính Tuất 1946 là năm toàn dân tộc đón mừng Tết Độc lập đầu tiên sau bao năm nô lệ đã “nở hoa độc lập” “kết quả tự do”. Trong một bài thơ xuân chúc mừng một tờ báo đăng trong số Tết, Bác đã khẳng định sức xuân trong niềm vui thực sự lớn lao của toàn dân tộc:

“Tết này mới thực tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi 3 chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Mọi nhà vui đón xuân dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc cộng hoà”
          (Mừng báo Quốc gia năm Bính Tuất 1946)

Trong bài thơ chúc Tết Xuân Đinh Hợi (1947), khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang phải trải qua những thử thách, gian khổ, ác liệt, Bác đã có bài thơ chúc Tết vừa ngắn gọn vừa như một lời “hiệu triệu” bằng thơ của một vị lãnh tụ cách mạng cao nhất của toàn Đảng, toàn dân tộc khẳng định phương châm kháng chiến “trường kỳ” và niềm tin tất thắng để giục giã đồng bào, chiến sỹ cả nước tiếp tục đoàn kết vững bước đi lên:

... “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
     Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
     Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
     Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng...”

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Bác làm thơ chúc Tết đồng bào và chiến sỹ cả nước bằng những tứ thơ đặc biệt, mang tính cổ vũ cao cho tinh thần chống Mỹ của cả 2 miền Nam - Bắc nhưng lại hết sức ngắn gọn, khái quát, giục giã mỗi bước chúng ta đi thông qua 2 thể loại thơ là thất ngôn tứ tuyệt và thơ lục bát dễ hiểu và gần gũi với tâm hồn dân tộc, với mỗi người để thêm quyết tâm chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là bài thơ chúc Tết năm Mậu Thân 1968 khi mà cả miền Nam đang mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy với sức mạnh như vũ bão thì bài thơ chúc Tết của Bác mang một ý nghĩa đặc biệt cổ vũ thêm cho sức mạnh của toàn dân tộc:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Mô tả ảnh.
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên toàn thắng ắt về ta!”

Bài thơ gây ấn tượng mạnh và cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1969 với những vần thơ lục bát nhuần nhị mà vẫn đầy hào khí non sông, kêu gọi, thúc giục toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thừa thắng xông lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào
Tiến lên! Chiến sỹ đồng bào
Bắc - Nam xum họp xuân nào vui hơn”

Từ đó đến nay, đã 42 năm từ ngày Bác đi xa, nhưng những vần thơ mừng Xuân chúc Tết của Bác vẫn như còn âm vang, còn sống mãi trong tâm khảm và trái tim mỗi người Việt Nam chúng ta. Và cho đến những thế hệ mai sau, tầm cao thi tứ và trí tuệ trong thơ chúc Tết của Bác Hồ vẫn còn đọng lại mãi với thời gian và không gian bởi tâm hồn thơ lớn của Người, một lãnh tụ vĩ đại, một nhà thơ kiệt xuất với dấu ấn không thể phai mờ về thơ Hồ Chủ tịch nói chung và về những bài thơ mừng Xuân, chúc Tết của Bác nói riêng...

Nghĩa Châu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com