Phạm Tiến Duật: Thi sĩ của Trường Sơn

08:02, 18/02/2011

Nói đến văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, nói về đội ngũ các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ cứu nước không thể không nhắc tới ông. Và, nói tới con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - đường 559 huyền thoại trong những năm chiến tranh chưa xa hay nói về bộ đội Trường Sơn anh hùng hôm nay cũng không thể quên nhắc tới tên tuổi ông.
Ông là Phạm Tiến Duật  - một “danh nhân Trường Sơn”, một “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, một nhà thơ của bộ đội Trường Sơn mà ai cũng biết. Ông không phải là nhà thơ “công dân” của “phố nhà binh”, nhưng các nhà văn nhà thơ, kể cả bác bảo vệ, anh chiến sĩ công vụ, cô bán nước chè chén… ở đây tất thảy đều biết ông, giống y như nhà văn Đỗ Chu vậy. Hai ông - ông Pautôpki Bắc Ninh và ông thi sĩ của Trường Sơn này có thể đến “nhà số 4”, nhà số 8 - trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Quân đội nhân dân bất kể lúc nào; thậm chí nếu đến mà cổng khóa thì réo toáng tên những Lê Lựu, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Hà Phạm Phú, Hà Đình Cẩn… lên. Nhớ nhau thì đến thôi, nhiều khi chẳng bài vở thơ phú gì, đến uống với nhau chén trà, “bắn” điếu thuốc lào, kể dăm ba câu chuyện chiến trường hôm xưa, viết lách hôm nay rồi đi; cũng có thể nằm lại nếu muốn.
 Phạm Tiến Duật được bạn đọc biết tới sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 với chùm thơ viết về Trường Sơn: Lửa đèn, Nhớ, Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, sau đó là các tập thơ Vầng trăng cuồng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (thơ 1981), Vầng trăng và những quầng lửa  (thơ 1983), Thơ một chặng đường (thơ tuyển 1994), Nhóm lửa (thơ 1996), Tiếng bom và tiếng chuông chùa (trường ca 2000), Vừa làm vừa nghĩ (tiểu luận 2003)…
Phạm Tiến Duật có 14 năm tại ngũ, trong đó có 8 năm gắn bó với Trường Sơn, với Đoàn 559. Với những bài thơ về Trường Sơn những năm chiến tranh vừa hiện thực sinh động vừa lãng mạn, có cả “quầng lửa” có cả “vầng trăng”, có bom rơi, có máu đổ nhưng cũng có tiếng hát tiếng cười của con trai con gái; có những người lính “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, có những làng nữ Thanh niên xung phong “khăn xanh khăn xanh phơi đầy nắng sớm”, có “những đoàn xe đi như không bao giờ hết”… và có cả những “tiếng điếu cày rít lên thong thả” Phạm Tiến Duật đã trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất trong thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ, và như thế đương nhiên ông là nhà thơ tiêu biểu nhất của bộ đội Trường Sơn, bộ đội đường dây 559.
Phạm Tiến Duật hay ghé “phố nhà binh” cũng là bởi ở đó ông có những người bạn thơ, những đồng đội thời Trường Sơn; ở đó có những tờ báo, tờ tạp chí, nhà xuất bản mà ông đã in những bài báo, bài thơ, cuốn sách đầu tiên. Ông vui cái vui của những người anh, người bạn còn đang khoác áo quân nhân, những nhà văn - chiến sĩ. Còn nhớ, năm 1987- năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội kỷ niệm 40 năm ra số đầu tiên và được thưởng Huân chương Quân công, các nhà văn Dũng Hà (Phạm Điệng - Tổng biên tập), Hồ Phương, Xuân Thiều (Phó tổng biên tập) từ Thượng tá vinh thăng “một lèo” lên Đại tá, nhà thơ của Trường Sơn đã mang hoa đến chúc mừng đồng thời kèm theo mấy câu thơ: Nay mừng tạp chí được huân chương/ Anh Thiều, anh Điệng với anh Phương/ Thượng tá bỗng dưng thành Đại tá/… Cũng như khu phố đổi ra phường.
Phải là gần gũi, phải là thân thiết lắm mới “dám” mừng nhau kiểu ấy! Phạm Tiến Duật chơi với nhiều nhà văn quân đội, nhưng thân hơn cả là Duy Khán, Lê Lựu và Nguyễn Đức Mậu… Năm ấy, Duy Khán ra Trường Sa biền biệt mấy tháng không về, nhớ bạn lắm nên tối hôm trước Duy Khán từ đảo về, sáng hôm sau Phạm Tiến Duật đã gõ cửa buồng. Hai ông chén tạc, chén thù đến khi say khướt, Duật mới lia bút làm mấy vần thơ tặng Khán như sau: Một nhà thơ đi bốn ngàn cây số biển/ Về ở căn buồng sáu mét vuông/ Ngày ngày đôi chén rượu suông/ Văn chương đầy áp căn buồng con con. Câu thơ ấy được viết hẳn lên bức tường căn buồng xép tác giả Tuổi thơ im lặng ở. Duy Khán mất năm 1994, Phạm Tiến Duật mỗi lần đến “phố nhà binh” cũng ngẩn ngơ bên gốc hai cây đại già nơi “nhà số 4” vì thương bạn. Phạm Tiến Duật là vậy. Đa tài: Làm thơ (là nhà thơ hàng đầu của thơ chống Mỹ), viết lý luận - phê bình (tác giả tập Vừa làm vừa nghĩ - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam), làm  báo (Tổng biên tập Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam), làm đối ngoại (Phó trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà Văn Việt Nam), làm MC (dẫn chương trình Cây cao bóng cả của VTV cùng MC Ngọc Bích), nói chuyện thơ…, nhưng rất dễ gần và hay mủi lòng như vậy.
Có những khi vui chuyện, ông nói, không có những năm ở Trường Sơn, không có Duật. Lại có nhà phê bình văn học khen thơ ông, cảm ơn ông; nói chính ông và các nhà thơ thế hệ các ông đã làm nên một thời đại trong thơ ca Việt Nam. Nghe vậy Phạm Tiến Duật cười kể lại một câu chuyện vui. Ông bảo, khi nghe bài thơ Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (được Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng) với những câu:

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Hết rau rồi, em có lấy măng không?

Có người bảo cảm ơn mình vì câu thơ “muỗi bay rừng già cho dài tay áo”, mình cười “Ô hay, sao lại cảm ơn Duật? phải cảm ơn muỗi chứ!”.
Cho đến hôm nay, bài hát Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây cùng với các bài hát Lá đỏ (Hoàng Hiệp phổ thơ Nguyễn Đình Thi), Đêm Trường Sơn nhớ Bác (Trần Chung phổ thơ Nguyễn Trung Thu), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung phổ thơ Gia Dũng)… vẫn là những bài ca về Trường Sơn hay nhất, sống mãi với thời gian.
Và nhiều người thống nhất với nhau rằng: “Nếu chọn 10 nhà thơ tiêu biểu thời chống Mỹ, phải có Phạm Tiến Duật”. Hỏi thêm: Nếu chỉ chọn 5?, trả lời: “Cũng có anh Duật!”. Lại hỏi: Nếu một?, vẫn trả lời quả quyết: “Vẫn là Phạm Tiến Duật!”./.

Theo: qdnd.vn

 

 



Lắp đặt lưới an toàn ban công giá xưởng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com