Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chú Chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con Mèo
Nằm trong hệ thống những bài ca dao, mở đầu theo mô típ quen thuộc “Con Mèo mà trèo cây cau”, “con Cò mà đi ăn đêm”, “con Kiến mà leo cành đa”. Tác giả dân gian đã bày tỏ những nghịch lý sâu sắc và hóm hỉnh.
Bài ca dao, mới đầu tưởng là một chuyện tình nghĩa: “Con Mèo mà trèo cây cau” một việc làm vất vả khó nhọc chỉ để “hỏi thăm chú Chuột”, chú em thân thích “đi đâu vắng nhà” để Mèo phải đến nỗi nhớ nhung vội vã đi tìm? Đang băn khoăn thất vọng thì bỗng bâng quơ bên tai một câu trả lời của người hàng xóm (mà cũng có thể là cây cau - theo phép nhân hoá) “chú Chuột đi chợ đường xa” (chợ xa chứ không phải chợ gần) lặn lội, gian nan cách trở mới mua nổi tí mắm, tí muối về để “giỗ cha con Mèo”, một việc làm chu đáo và hiếu nghĩa. Chuột phải giỗ Cha Mèo, đích thực Chuột là chỗ bà con hàng xóm thân thích của Mèo đúng như Mèo đã nhận.
Bóc cái vỏ ý nghĩa ấy, bài ca dao lộ ra được ý nghĩa trái ngược hẳn; bởi không ai lạ gì quan hệ cuộc sống xưa nay giữa Mèo và Chuột - Một quan hệ nước lửa, sống còn. Mèo là kẻ tử thù của Chuột. Mèo trèo lên cây cau để “hỏi thăm” Chuột (có bao giờ Chuột làm tổ trên cây cau?). Điều đó chứng tỏ Mèo đã sục sạo truy lùng Chuột khắp chốn cùng nơi để quyết bắt cho bằng được phải chăng Mèo cũng còn tính nước trèo lên cây cau dẫu không bắt được Chuột thì ở vị trí cao của ngọn cau cũng dễ bề quan sát tung tích Chuột hơn? Rất tinh vi kín đáo khi không tìm thấy Chuột, Mèo đã vờ làm ra vẻ ân tình “hỏi thăm chú Chuột”. Thực chất là một cuộc trinh sát kiếm tìm Chuột, thông qua việc dò hỏi người hàng xóm.
Biết tỏng được mục đích mờ ám của Mèo, người hàng xóm tốt bụng kia lo cho số phận mỏng manh của Chuột nên nhanh trí bịa ra chuyện “chú Chuột đi chợ đường xa” vừa để lừa Mèo, cứu nguy Chuột, vừa hạ đòn quyết định “mua mắm mua muối giỗ cha con Mèo”. Hẳn khi trả lời Mèo câu này, người hàng xóm đã có ý dằn mạnh ba tiếng “cha con Mèo” thành một câu chửi độc địa. Vốn thông minh và nhạy cảm, Mèo chắc hiểu được ý đó. Đau đớn, uất ức nhưng biết làm sao được bởi câu trả lời của người hàng xóm kia đang nói đến một việc làm hiếu nghĩa chứa chan tình huynh đệ của chú em Chuột đối với Mèo cơ mà?
Càng lý thú hơn, và Mèo cũng càng căm giận hơn khi nghe tin Chuột “mua mắm mua muối giỗ cha con Mèo”. Từ thượng cổ đến nay sở trường ăn uống chính của Mèo là ưa nhạt (“có ăn nhạt mới thương đến Mèo”), cùng với chất tanh, chất mỡ chứ đâu phải là hai thứ mắm muối mặn mòi kia, chưa biết chừng Chuột mua mắm muối về làm thịt Mèo xào xáo nhắm rượu cũng nên? Nghĩ mà lạnh gáy!
Trong xã hội còn kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, và kẻ mạnh thường tinh vi nguỵ trang bộ mặt giả nhân giả nghĩa. Bài ca dao toát lên một ý nghĩa công lý, một tiếng cười thông minh, sắc sảo như một màn kịch ngắn hấp dẫn và thú vị./.
Hoàng Ngọc Trúc