Hội Làng: Nét đẹp văn hoá cộng đồng

11:02, 02/02/2011
Lễ hội đền Ngọc Tiên. Ảnh: Trần Hưng
Lễ hội đền Ngọc Tiên.
Ảnh: Trần Hưng

Hội làng ra đời từ xa xưa và đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa mang tính truyền thống của cộng đồng người Việt. Mỗi độ xuân về, khi đất trời giao hòa, thiên nhiên tươi tốt, lòng người phấn chấn hân hoan, khắp làng trên xóm dưới, tiếng trống hội làng lại gióng giả vang lên, thúc giục bước chân người trảy hội. Hội làng gắn liền với tín ngưỡng, với cuộc sống lao động và đấu tranh chống giặc ngoại xâm và với thiên tai của con người, thường diễn ra ở chốn đình, chùa, đền, miếu hoặc nơi danh lam thắng cảnh - nơi linh thiêng thờ Phật, thờ những bậc thánh nhân tài cao đức cả đánh giặc cứu dân, những vua hiền tôi giỏi, những ông tổ nghề, những vị thành hoàng có công khai hoang lập ấp... Hội làng kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống: tín ngưỡng dân gian, trò chơi nghi lễ, nghệ thuật dân gian, trang phục và các món quà đặc sản của địa phương, nghề thủ công mỹ nghệ. Người đi hội trước hết là để thực hiện nhu cầu tâm linh, cầu phúc cầu lộc cầu hiền, gửi gắm khát vọng vươn lên, hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc; để được trở về với cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, hội làng còn góp phần củng cố, gắn kết cộng đồng làng xóm. Trong các sinh hoạt lễ hội, mọi người dân trong làng không kể sang hèn đều có trách nhiệm đóng góp sức người, sức của, cùng nhau tham gia trình diễn, sáng tạo, thưởng thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Thông qua phần hội phong phú, đa dạng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, các nghi lễ phong tục tập quán, trò chơi dân gian, ẩm thực dân gian, tri thức dân gian được khai thác, phục hồi, kế thừa, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa địa phương.Là vùng đất văn hiến, giàu di sản văn hóa, trên từng khu vực địa lý hành chính của tỉnh ta đều dày đặc những dấu ấn văn hóa, thể hiện ở 1.655 di tích đền chùa, miếu, mỗi năm tổ chức hàng trăm lễ hội truyền thống. Sự phong phú về số lượng và đặc điểm, hình thức thể hiện riêng của mỗi lễ hội ở mỗi miền quê đã làm cho hội làng thực sự là điểm hội tụ của các giá trị văn hóa làng, mang nhiều màu sắc, nhiều vẻ độc đáo. Có lễ hội nông nghiệp bao gồm lễ tịch điền, lễ thần nông với các trò chơi thổi cơm thi, bắt trạch trong chum, bắt vịt, thi chế biến các món ăn đặc sản của quê hương. Có lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao các anh hùng dân tộc, các bậc thánh nhân tài cao, đức trọng cứu nước cứu dân. Trong các lễ hội này thường diễn lại các tích trò phản ánh cách đánh giặc cũng như chiến công của nhân vật được tôn thờ, như trò: "Thuyền chài đuổi bắt tàu ngô" ở hội làng Cao Đài; Múa roi làng An Cư; Ăn lá ở hội làng An Lá... Nam Định là đất trăm nghề với những làng nghề nổi tiếng có lịch sử hàng trăm năm nên các lễ hội liên quan đến các ông tổ lập làng, các ông tổ làng nghề cũng chiếm một vị trí đáng kể như: Hội làng rèn Vân Chàng, làng chạm khảm gỗ La Xuyên, dệt Phương Định, sơn mài Cát Đằng, đúc đồng Tống Xá, hoa cây cảnh Vị Khê... Nam Định còn là đất phát tích của vương triều Trần, trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, mỗi dịp "Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", khắp các miền quê trong tỉnh đều có những hội làng tri ân công đức của Đức Thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh. Đặc biệt, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dày đã trở thành lễ hội mang tính quy mô vùng miền rộng lớn. Ngoài ra, Nam Định còn có những hội làng đặc sắc, ít nơi có được như Lễ Khai ấn đêm mười bốn tháng giêng, chợ Viềng xuân mùng 8 tháng giêng, mỗi năm thu hút hàng vạn người về dự. 

Lễ hội đền Giáp Tư thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Ảnh: Xuân Thu
Lễ hội đền Giáp Tư thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Ảnh: Xuân Thu

Nét đẹp văn hóa của hội làng tỉnh ta thể hiện đậm nét ở phần lễ trang trọng, biểu đạt tâm linh, khát vọng hướng thiện, ý thức hướng về nguồn cội và phần hội gồm tổng thể những sinh hoạt văn hóa dân gian. Từ trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống đến các hoạt động văn nghệ dân gian… đã tạo nên bản sắc riêng cho lễ hội mỗi làng, mỗi vùng. Các trò vui thường không giống nhau nhưng đều mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, khuyến khích tinh thần thượng võ, tăng cường sự đoàn kết xóm làng, đồng thời thể hiện nét tài hoa, khéo léo của người nông dân. Tiêu biểu là: thi hát chầu văn, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội tại lễ hội Phủ Dày; bơi chải đứng ở hội chùa Keo Hành Thiện; bơi chải cạn ở hội chùa Nghĩa Xá (Xuân Ninh); hội vật ở chùa Hà Lạn (Hải Phúc); võ gậy ở hội đền Vụ Nữ (Hợp Hưng); thi thả diều sáo ở hội đền chùa Vĩnh Lại (Vĩnh Hào); múa sơn lâm ở hội chùa Ninh Cường; thi trình diễn các sản phẩm gỗ ở hội đình - phủ La Xuyên (Yên Ninh); thi cỗ ở hội đền Gin (Nam Trực)...

Những năm gần đây, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện, đời sống tinh thần cũng ngày càng cao, nhiều lễ hội ở các làng quê được phục hồi. Qua việc tổ chức tốt các hội làng, ý thức giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được khơi dậy, tạo nên sức đề kháng trước những yếu tố độc hại từ văn hóa ngoại lai xâm nhập, góp phần vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com