Góp phần bảo tồn di sản văn hoá

09:02, 25/02/2011

Thành lập tháng 4-2004, qua 7 năm hoạt động, Hội Cổ vật Thiên Trường đã tham gia tích cực vào việc phối hợp, điều hoà hoạt động sưu tầm, giao lưu cổ vật ở tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Ngay sau khi thành lập, Hội Cổ vật Thiên Trường đã phát động và mở rộng phong trào sưu tầm lưu giữ cổ vật theo hệ thống. Nhờ đó, trung bình mỗi năm các hội viên của Hội đã sưu tầm thêm 1.500-2.000 cổ vật. Đến nay, Hội đã sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn được hàng chục nghìn cổ vật, trong đó có nhiều cổ vật quý hiếm. Nhằm góp phần làm lành mạnh thị trường cổ vật trong tỉnh, vào ngày mùng 7 tết hàng năm, Hội Cổ vật Thiên Trường đều tổ chức gặp mặt hội viên, mời các giáo sư, các nhà khoa học chuyên về lĩnh vực khảo cổ tới dự, bồi dưỡng cho hội viên những kiến thức về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại sản xuất và kinh nghiệm nhận biết chất lượng cổ vật. Đây cũng là dịp hội tụ cổ vật tiêu biểu để mọi người mua, bán, trao đổi thông tin trong việc sưu tầm và bảo tồn cổ vật. Thông qua đó, hiện tượng trà trộn đồ giả cổ, đồ sửa chữa để chào bán là đồ cổ đã cơ bản chấm dứt. Ngoài ra, Hội đã tổ chức nhiều đợt trưng bày quy mô lớn như: Đợt trưng bày, giới thiệu 550 cổ vật quý hiếm thuộc hai nền văn hoá Việt Nam và Trung Quốc, trong đó cổ vật của Việt Nam chiếm 70% tại Công viên văn hoá Tức Mạc; Đợt trưng bày cây cảnh nghệ thuật, cổ vật Việt Nam và cổ vật nước ngoài qua các thời kỳ tại Bảo tàng tỉnh vào năm 2010… Bên cạnh đó, Hội Cổ vật Thiên Trường còn tổ chức nhiều đợt giao lưu với các tỉnh bạn để tuyên truyền nâng cao vị thế của Hội trong cộng đồng như: Giao lưu, trưng bày cổ vật vào dịp kỷ niệm Ngày di sản văn hoá Việt Nam tại Thanh Hoá; tham dự Festival Huế, giao lưu, đấu giá cổ vật gây quỹ ủng hộ người nghèo và hiến tặng hơn 100 cổ vật cho Bảo tàng Huế; giao lưu với các bảo tàng của Trung ương và địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh; trưng bày giao lưu cổ vật nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Một số cổ vật Chăm. Ảnh: Internet
Một số cổ vật Chăm. (Ảnh: Internet)

Thực hiện Luật Di sản văn hoá ngay sau khi thành lập, Hội Cổ vật Thiên Trường đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức kê khai, khảo tả, thẩm định cổ vật tại nhà cho từng hội viên, báo cáo cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ vật... Đến nay, gần 1.000 cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia của hơn 100 cá nhân đã được đăng ký với Nhà nước, góp phần phát huy giá trị của cổ vật, bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp của các cá nhân đang sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm. Hưởng ứng phong trào tự nguyện hiến tặng cổ vật cho Nhà nước do Hội phát động, đến nay 48/50 hội viên của Hội đã hiến tặng 433 cổ vật cho Bảo tàng tỉnh gồm: Đồ đồng, đồ đất cổ thời kỳ văn hoá Đông Sơn, trong đó có một trống đồng cỡ lớn thuộc loại cổ vật quý hiếm và các loại gốm cổ Việt Nam thuộc các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn cùng với đồ cổ các loại của nước ngoài. Ông Đoàn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch danh dự của Hội đã hiến tặng 50 cổ vật vương triều Trần cho Bảo tàng tỉnh, gồm đồ gốm hoa nâu, đồ đồng…

Bằng nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả, Hội Cổ vật Thiên Trường đã từng bước hạn chế tình trạng cổ vật trôi nổi trên thị trường tự do. Các phong trào lưu giữ, bảo tồn, trưng bày, giao lưu cổ vật ngày càng được đẩy mạnh, thu hút thêm nhiều người yêu thích, say mê, sưu tầm cổ vật tham gia. Từ 50 hội viên ban đầu, đến nay, Hội Cổ vật Thiên Trường đã có gần 250 hội viên thuộc nhiều tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động của Hội đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy giá trị cổ vật - một loại hình di sản văn hoá dân tộc trong xu thế hội nhập./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com