Hát ru thuộc loại hình nghệ thuật dân tộc mang giá trị nhân văn cao đẹp. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, trong các loại hình dân ca thì hát ru ra đời sớm nhất và từ đời này qua đời khác, các thế hệ truyền lại cho nhau dưới dạng bất thành văn. Lời hát ru có chức năng giáo dục, thẩm mỹ cao, góp phần hình thành, nuôi dưỡng và phát huy nhân cách, di dưỡng tâm hồn, kể cả thái độ ứng xử của con người từ khi còn bé. Qua lời ru của bà, của mẹ, hình ảnh vầng trăng, cánh đồng, cánh cò, ngọn cỏ, lũy tre làng, dòng sông dần đi vào tâm thức trẻ thơ. Những khúc hát ru giúp bé phát triển về ngôn ngữ và cảm nhận về âm nhạc tốt hơn. Trong hát ru, lời ca thường lấy từ ca dao, đồng dao, hay trích từ các loại thơ hoặc hò dân gian được truyền miệng qua các thế hệ. Mỗi vùng miền lại có những bài hát ru khác nhau, rất đa dạng về nội dung và điệu nhạc. Có nhiều dạng hát ru: hát nói, ngâm, ca xướng. Cùng một bài hát ru, mỗi bà mẹ lại có cách hát khác nhau, cách thể hiện riêng, song đều thấm đượm tình cảm yêu thương, ngọt ngào. Bằng những lời ru êm ả, tha thiết, người mẹ đã gieo vào tâm thức tuổi thơ những ký ức và hình ảnh tốt lành về lòng nhân ái, đạo lý làm người, tình yêu quê hương, đất nước. Về giá trị nội dung, các bài hát ru có ý nghĩa giáo dục cao, hướng tới chân, thiện, mỹ, là những lời chỉ bảo, dạy dỗ đầu tiên đối với trẻ thơ về đạo hiếu nghĩa: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”… Từ lời hát ru, nhân cách của trẻ em được hình thành một cách tự nhiên, trong sáng, chan chứa tình yêu thương, đồng thời giúp trẻ cảm thụ về thiên nhiên, đất trời.
Ngày nay, do sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, các loại hình giải trí, nghệ thuật, hát ru có nguy cơ bị mai một trong đời sống hiện đại. Từ thành thị đến nông thôn, hình ảnh người mẹ ẵm con, ầu ơ cất tiếng hát ru ngày một thiếu vắng. Thay vào đó, là những ca khúc có nội dung ca từ không phù hợp trẻ thơ hoặc là những bài hát được thu sẵn trong băng đĩa. Nhiều bà mẹ không biết hát ru hoặc không thuộc dù chỉ một bài hát ru. Thậm chí, nhiều gia đình vợ chồng trẻ có xu hướng “hiện đại”, ngay từ khi mang thai đến khi nuôi trẻ đã cho con nghe nhạc cổ điển, nhạc không lời với quan điểm giúp trẻ phát triển trí não, thông minh hơn. Mặt khác, trong cơ chế thị trường, do bận rộn công việc, nhiều ông bố, bà mẹ, không có thời gian ru con, muốn con ngủ mau, không ít người tìm mọi cách rung, lắc, hoặc quát tháo làm mất đi tình cảm thân thương, tình mẫu tử cao đẹp trong truyền thống gia đình Việt Nam…
Thiết nghĩ, nghệ thuật hát ru và những bài hát ru không chỉ mang tính di sản văn hóa mà còn là nguồn mạch quan trọng, có ý nghĩa nhân văn tiêu biểu của gia đình Việt Nam, là mạch nguồn của sự sống nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giáo dưỡng nhân cách hồn nhiên, trong sáng, trọng lẽ phải, trọng đạo hiếu nghĩa cho trẻ từ khi lọt lòng. Bảo tồn nghệ thuật hát ru trong đời sống hôm nay cần sự “vào cuộc” của cả cộng đồng. Trong đó, cần quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm phục dựng các bài hát ru; tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của nghệ thuật hát ru trong các buổi sinh hoạt chuyên đề các mô hình: “Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ Tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ Phụ nữ”./.
Khánh Ngọc